Từ hộ nghèo vươn lên thành chủ xưởng cơ khí

(PLO) - Lập nghiệp từ “hai bàn tay trắng” với nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình tín dụng hộ nghèo của NHCSXH, vợ chồng anh Hà Thế Hoàn đã gây dựng nên xưởng cơ khí khung nhôm lớn nhất nhì huyện miền núi Hạ Hòa (Phú Thọ) hiện nay.
Anh Hà Thế Hoàn (áo xanh) đang hướng dẫn công nhân làm việc
Anh Hà Thế Hoàn (áo xanh) đang hướng dẫn công nhân làm việc

Từ 21 triệu đồng vốn vay hộ nghèo

Ông Nguyễn Huy Hồng - Chủ tịch UBND xã Phụ Khánh, huyện Hạ Hòa khẳng định: Trong 5 năm qua, việc nông dân vay vốn, sử dụng vốn vay ưu đãi của Nhà nước đầu tư vào phát triển kinh tế gia đình đã trở thành phong trào thi đua rộng khắp ở miền quê trung du Phụ Khánh.

Từ phong trào đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả cao, trong đó có mô hình điển hình phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững, làm giàu chính đáng của gia đình anh Hà Thế Hoàn ở khu dân cư số 3 xã Phụ Khánh, đang được chính quyền địa phương lựa chọn nhân rộng và nhân dân cùng học tập, làm theo.

Để chứng minh cho sự khẳng định đúng đắn của mình, đích thân ông Chủ tịch dẫn chúng tôi đến thăm mô hình phát triển kinh tế của anh Hoàn hiện đang là tấm gương sáng trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi của xã.

Nhớ lại những ngày còn gian khổ, anh Hà Thế Hoàn kể: “Cách đây 10 năm, lúc đó tôi vừa tròn 26 tuổi, lập gia đình riêng. Hồi đó vợ chồng tôiđược bố mẹ bố trí cho căn nhà mái gianh, vách đất cùng 1 sào đất ruộng với 300 nghìn đồng tiền mặt.

Do thiếu vốn, lại chưa có kinh nghiệm, kiến thức sản xuất nên thu nhập không đủ trang trải cho cuộc sống, buộc lòng hai vợ chồng xoay sở đủ nghề, làm cật lực vẫn không thoát được cảnh một năm đói dứt bữa mấy tháng.

Đến tận năm 2007 gia đình tôi vẫn nằm trong diện hộ nghèo nhất, nhì ở khu dân cư. Trước hoàn cảnh đó, vợ chồng tôi cũng suy nghĩ nhiều lắm. Cách nào đây để thoát khỏi nghèo đói và tính kế trồng cây gì, nuôi con gì, làm thêm nghề phụ gì?”.

Năm 2012, trong lúc không biết xoay sở thế nào tìm kế để phát triển kinh tế thì thật may mắn gia đình anh đã được Tổ tiết kiệm và vay vốn tạo điều kiện để được vay 21 triệu đồng vốn chương trình tín dụng hộ nghèo của NHCSXH.

“Với số vốn vay đó vợ chồng tôi quyết định dành 15 triệu đồng để đào ao, thả cá, số tiền còn lại đầu tư mua 2 con lợn nái giống và 200 con gà về chăn nuôi”, anh Hoàn cho hay.

Cũng do biết tính toán quay vòng vốn, chăm chỉ lao động, lại thêm chăn nuôi thuận lợi nên chỉ sau một năm ao cá nhà anh cho thu nhập 15 triệu đồng, thu nhập từ  việc xuất bán lợn và gà tới 25 triệu đồng.

“Sau khi trả được hết nợ cho NHCSXH, gia đình tôi tiếp tục đầu tư vào chăn nuôi gia súc, gia cầm, lúc này gia đình tôi có 3 con lợn nái sinh sản cùng với 7 con lợn bột nuôi để bán thịt và hơn 200 con gia cầm, thủy cầm.

Xưởng cơ khí của anh Hoàn đã tạo việc làm ổn định cho 4 lao động tại địa phương
Xưởng cơ khí của anh Hoàn đã tạo việc làm ổn định cho 4 lao động tại địa phương  

... trở thành ông chủ xưởng cơ khí

Khi đời sống ổn định, có tích lũy, dư dả tiền nong, vợ chồng anh Hoàn nghĩ tới việc mở một xưởng cơ khí nhỏ để tận dụng kiến thức và tay nghề cơ khí của anh khi còn trong quân ngũ.

Năm 2014, cùng với số vốn tiết kiệm trước đó và vay mượn thêm họ hàng, vợ chồng anh Hoàn “bắt tay” ngay vào việc mua sắm máy móc, vật liệu để hành nghề gia công, lắp đặt, chế tác sắt, nhôm, tôn.

Không ngồi một chỗ chờ khách hàng tìm đến, anh Hoàn đã chủ động tìm đến khách hàng. Anh trực tiếp liên hệ với các gia đình có nhu cầu làm khung cửa, mái nhà bằng tôn, nhôm... Nhờ siêng năng, cần cù, trách nhiệm với công việc nên cơ sở của anh dần dần tạo được uy tín, được nhiều khách hàng tìm đến.

Cùng với đó, anh tích cực nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ những xưởng cơ khí lớn trong và ngoài tỉnh để cải tiến mẫu mã, kỹ thuật cũng như khảo sát thị trường để có những bước tiến tiếp theo.

“Ban đầu, nhiều người thấy gia đình tôi mở xưởng ở nơi thôn quê hẻo lánh này họ gàn. Vậy mà từ ngày mở ra làm ăn đến giờ, xưởng chúng tôi trở thành điểm đến của nhiều khách hàng có nhu cầu làm mới cổng, cửa, mái tôn, sửa chữa các loại dụng cụ sản xuất nông nghiệp của cả xã và huyện đấy”, anh Hoàn tâm sự.

Hiện tại, xưởng của anh Hoàn thường xuyên có 4 lao động chính với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng, những ngày đi làm công trình, con số thợ lên tới gần chục người. Trong khi nhiều hộ dân chật vật với từng bữa ăn, thu nhập hàng năm của gia đình anh tới cả trăm triệu đồng đã vượt khỏi sự tưởng tượng của bao gia đình trong xã.

Sau gần hai năm vừa học, vừa làm tại xưởng cơ khí Hà Thế Hoàn, anh Trần Văn Quang ở khu dân cư số 3 xã Phụ Khánh đã có một tay nghề khá vững. “Công ăn việc làm ở đây rất đều đặn, ổn định, thu nhập đến 5,5 triệu đồng/tháng, cao hơn nhiều so với làm ruộng.

Vợ chồng chủ xưởng luôn luôn động viên, quan tâm đến việc làm của chị em công nhân, đồng thời còn tận tình giúp đỡ, chia sẻ với gia đình công nhân khi gặp khó khăn”, anh Quang hồ hởi cho biết.

Theo Chủ tịch UBND xã Phụ Khánh, điều đáng ghi nhận nhất ở gia đình anh Hà Thế Hoàn đó là việc gia đình anh không chỉ biết sử dụng hiệu quả đồng vốn vay ưu đãi để vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng mà còn tạo được việc làm bền vững cho lao động địa phương, giúp những hộ đang có hoàn cảnh khó khăn cùng vươn lên thoát nghèo.

Đọc thêm