Về Hưng Yên thăm ngôi chùa 300 năm tuổi giữa lòng thị trấn

(PLO) - Chùa Nghĩa Lộ nằm trong quần thể di tích đình và chùa của thôn Trai Trang, được xây dựng vào thời Hậu Lê, cách đây gần 300 năm. Không chỉ mang trong mình ý nghĩa tâm linh thiêng liêng mà nơi đây còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời của người dân nơi đây.
Chùa Nghĩa Lộ sau cuộc đại trùng tu.
Chùa Nghĩa Lộ sau cuộc đại trùng tu.

Ngôi chùa trăm năm lịch sử

Chùa có tên chữ là Nghĩa Lộ Tự (thôn Trai Trang, thị trấn Yên Mỹ, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên), với diện tích khá khiêm tốn chùa được xây dựng trên một khu đất cao, thoáng đãng, mặt trước hướng Tây nhìn ra dòng sông Nghĩa Trụ. Theo tương truyền thì chùa Trai Trang được xây dựng trên lưng con Quy, do đó nhân dân nơi đây chăm chỉ làm ăn, thức thời trong công cuộc đổi mới, học hành tiến bộ, nhiều người thành đạt trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, chính trị…

Minh chứng cho điều đó, mảnh đất địa linh nhân kiệt Yên Mỹ là nơi sản sinh ra những danh nhân nổi tiếng như Trạng nguyên Đỗ Thế Diên, nhà sử học Phạm Công Trứ, Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Nữ sỹ Đoàn Thị Điểm, nhà chính trị Nguyễn Văn Linh, Trung tướng Nguyễn Bình...

Ngôi chùa Nghĩa Lộ không chỉ là nơi giải tỏa tâm linh, nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân trong thôn mà còn là minh chứng lịch sử cho thời kỳ kháng chiến hào hùng của dân tộc Việt Nam nói chung và người dân Hưng Yên nói riêng. Trong kháng chiến chống Pháp, chùa Trai Trang là căn cứ của cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy do cụ Tán Thuật và ông Đốc Cọp chỉ huy.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, trong buổi đầu giành độc lập, hầu hết các đình, chùa, đền, miếu đều lấy làm địa điểm học tập và hội họp của đoàn thể, chùa Trai Trang khi đó cũng là nơi học tập, xóa nạn mù chữ. Nơi đây với các phong trào bình dân học vụ đã tạo được nhiều cán bộ chủ chốt cho phong trào của xã, của huyện. Trong thời kỳ 1946-1950, Trai Trang là cơ sở cho cán bộ, bộ đội đi lại đánh địch trên đường Quốc lộ 5 và Quốc lộ 39.Trong kháng chiến chống Mỹ, chùa Nghĩa Lộ lại tiếp nhận một số cơ quan của huyện sơ tán về làm việc, tránh bom đạn của giặc Mỹ.

Trải qua những biến cố lớn cùng quê hương, đất nước, ngày đất nước thanh bình, Chùa Trai Trang trở lại hoạt động theo chức năng của mình, là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân nơi đây. Không chỉ có thế nhiều năm qua chùa Trai Trang nức tiếng gần xa bởi sự đóng góp của ngôi chùa với nhiều hoạt động cộng đồng. Đại đức Thích Thanh Quang (Ủy viên Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam - Phó trưởng ban thường trực Ban trị sự giáo hội phật giáo Việt Nam tỉnh Hưng Yên) cho biết, nhiều năm qua Chùa Nghĩa Lộ là điểm sáng trong hoạt động phật sự ở địa phương nói riêng và tỉnh Hưng Yên nói chung.

“Ni sư Thích Đàm Nhài mặc dù trụ trì 2-3 chùa, thế nhưng luôn để tâm đến công tác hoàng pháp ở địa phương. Ni sư đã thành lập được Đạo tràng cho các phật tử tụ tập và luôn duy trì được tốt, tham gia nhiều hoạt động của phật giáo huyện Yên Mỹ cũng như là hoạt động phật giáo tỉnh Hưng Yên. Ngoài ra, Ni sư còn hướng dẫn các phật tử làm công tác từ thiện xã hội rất tốt.

Đặc biệt, người dân nơi đây là buôn bán thời gian của họ rất ít nhưng với cách truyền đạo hoàng pháp của Ni sư trong chùa và sức lan tỏa tích cực của ngôi chùa đã thu hút được rất nhiều phật tử. Không chỉ những người già mà còn có cả tầng lớp người trung tuổi và trẻ tôi cho đấy là dấu hiệu rất mừng. Bởi vì đạo Phật thì không chia Nam - Bắc, không phân trẻ - già, giàu - nghèo và càng nhiều người đến chùa học đạo để Phật pháp lan tỏa trong nhân gian thì càng tốt. Xã hội đánh giá cao về hoạt động phật sự ở đây”, Đại đức Thích Thanh Quang chia sẻ.

Không chỉ mang trong mình giá trị lịch sử, Chùa Trai Trang còn có quy mô kiến trúc khá lớn với nhiều mảng chạm khắc mang đậm tính dân tộc, như kiến trúc đầu đao, hoa văn rồng... Đặc biệt tại chùa còn lưu giữ hệ thống tượng pháp được tạo tác vào cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn, đường nét nghệ thuật điêu khắc được đánh giá độc đáo, tinh xảo hiếm có. Ngoài ra tại chùa còn có hệ thống tượng phật tương đối nguyên vẹn và đồng bộ, đó là những di sản vô cùng quý giá cần được bảo vệ.

Hàng năm, để ghi nhớ công ơn của Đức Thành Hoàng Làng và các nghĩa binh Bãi Sậy, cứ 5 năm một lần dân làng lại mở hội truyền thống. Đặc biệt, chương trình lễ rước kiệu phật, kiệu thành hoàng và phô diễn các nghề thủ công của làng. Trong lễ rước nhân dân được huy động đến gần hai nghìn người. Sau đó họ được phân chia thành 40 khối khác nhau kéo dài tới 2 km dọc theo Quốc lộ 39 cũ, mỗi khối đều lung linh sắc mầu của trang phục truyền thống. Phần lễ nghi trang trọng có tính giáo dục về đạo lý uống nước nhớ nguồn không chỉ có sự góp mặt của các cụ bô lão mà còn có nhiều thanh niên.

Đại lễ khánh thành đại trùng tu chùa Nghĩa Lộ

Ngày 28/3/2018 Lễ khánh thành đại trùng tu chùa Nghĩa Lộ được coi là một dấu mốc quan trọng đối với ngôi chùa nói riêng và người dân thôn Trai Trang, thị trấn Yên Mỹ nói chung. Theo chia sẻ của Ni sư Thích Đàm Nhài (Trụ trì chùa Nghĩa Lộ) vào năm 2001 ngôi chùa được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia nhưng do thời gian xây dựng đã quá lâu nên ngôi chùa bị xuống cấp trầm trọng. Mái chùa dột mỗi dịp mưa tới, các mảng tường, các pho tượng bị nứt, gãy...

Mặc dù ngôi chùa đã trải qua 3 lần trùng tu trước đó nhưng đến tháng 3/2016, sau 2 trận mưa lớn tường nứt,tượng đổ. Nhà chùa khi đó đã làm đơn trình lên các cấp, ban ngành để xin được trùng tu. Sau đó, đến tháng 11/2016 thì được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Hưng Yên quyết định cho xây cấp thiết vì tình trạng chùa hư hỏng nặng nề. Trong quá trình trùng tu, các cơ quan chức năng cũng như Ni sư trụ trì đề cao và gìn giữ, hạn chế tác động vào những nét cổ kính trước đó của chùa.

“Chùa nằm trong gian chật hẹp nên việc tu sửa gặp nhiều vấn đề, vật liệu chở vào rất là khó khăn,ô tô không thể vào nổi, gỗ dài 7-9m phải hạ ngoài đường. Tầm nửa đêm, toàn bộ nhân dân ra chuyển gỗ vào chùa để tránh ùn tắc, ảnh hưởng đến công việc của mọi người. Tất cả chi phí chùa không vận động, mà đều do nhân dân và tăng ni tự làm, kinh phí đa phần nhờ các nhà hảo tâm giúp đỡ”, Ni sư Thích Đàm Nhài vui mừng chia sẻ khi nhớ lại quãng thời gian trùng tu chùa.

Ông Nguyễn Quang Thiệu (Chủ tịch UBND Thị trấn Yên Mỹ) cho biết: “Cảm xúc của nhân dân nói chung và của bản thân tôi nói riêng thì cảm thấy rất là vui vì trên quê hương của mình đã phục dựng lại được nét cổ văn hóa, đây cũng là nơi mà nhân dân đến để sinh hoạt tâm linh.

Đối với thị trấn Yên Mỹ khi chùa Nghĩa Lộ được cấp bằng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia thuộc loại kiến trúc nghệ thuật chúng tôi đã thành lập Ban quản lý di tích lịch sử.Thứ nhất là để bảo tồn gìn giữ nét văn hóa đã có của địa phương từ lâu đời, thứ hai là chúng tôi cũng giao cho ban quản lý di tích tiếp tục sưu tầm những cổ vật liên quan đến chùa để giúp cho di tích trở lên phong phú hơn”.

Ngày Đại lễ Lễ khánh thành đại trùng tu chùa Nghĩa Lộ có sự tham gia của Đại biểu đại diện các cấp, ban ngành, đoàn thể và Hội Phật giáo tỉnh Hưng Yên cùng hàng trăm người dân thị trấn Yên Mỹ và nhiều du khách gần xa. Theo chia sẻ của nhiều người dân vào ngày đại lễ, việc ngôi chùa được trùng tu khang trang là niềm mong mỏi bấy lâu nay của dân chúng nơi đây. Đối với người dân Thị trấn Yên Mỹ việc ngôi chùa Nghĩa Lộ được trùng tu là cách họ mong muốn được bảo tồn những giá trị tốt đẹp trong văn hóa tín ngưỡng tâm linh truyền thống của dân tộc.

Đọc thêm