Chùa Cầu: đừng để “Ông già lọm khọm nhưng mái tóc vẫn còn xanh”

(PLO) - Chùa Cầu từ lâu đã được du khách trong nước và thế giới biết đến như biểu tượng, “linh hồn” của di sản phố cổ Hội An (Quảng Nam). Ngoài ra, nơi đây còn là địa chỉ tâm linh với những câu chuyện kỳ bí. Tuy nhiên, vì xây dựng đến nay đã hơn 400 năm, dưới tác động của thời gian, con người cùng thiên tai, bão, lũ… đã làm cho kiệt tác này ngày càng xuống cấp. Giải pháp nào cho Chùa Cầu là câu hỏi được đặt ra?
 Chùa Cầu Hội An
Chùa Cầu Hội An

UBND TP Hội An (Quảng Nam) mới đây đã tổ chức Hội thảo khoa học “Trùng tu chùa Cầu - Quan điểm và giải pháp” với sự tham gia của các nhà quản lý, chuyên gia trong và ngoài nước. Đa số các ý kiến thống nhất việc tu bổ Chùa Cầu theo phương án hạ giải (tháo dỡ) toàn bộ. Tuy nhiên, thông tin này lại đang gây nhiều tranh cãi…

Di sản trăm năm

Theo ông Võ Phùng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa TP. Hội An, cho đến nay, việc ai đứng ra xây dựng Chùa Cầu, người Nhật Bản, người Việt hay người Minh Hương (Trung Hoa) và chùa có niên đại bao nhiêu, vẫn còn đang tranh cãi chưa ngã ngũ.

Với những người làm văn hóa như ông hiện nay suy đoán, Chùa Cầu xây dựng ở cảng thị Hội An vào thời gian trước đó và có chậm nhất xuất hiện năm 1617 và chắc chắn người chủ cây cầu đó không phải là người Việt.

Chùa Cầu Hội An được làm theo kiểu thượng chùa - hạ cầu, có kích thích 3m x 18m. Mái Chùa lợp ngói âm dương, có trụ xây bằng đá, mặt cầu lát ván, hai đầu cầu nối với 7 gian giữa theo hình chữ I. 

Ông Phùng dẫn giải, triều Nguyễn dưới thời Tự Đức (1847- 1883) viết trong Đại Nam nhất thống chí và trong Kỷ yếu kỷ niệm 47 năm thành lập Trường Trung học Trần Quý Cáp, Hội An (1999, tr. 16-22) ghi, vào năm 1719, nhân chuyến tuần du phương Nam, Chúa Nguyễn Phúc Chu khi từ phương Bắc đến Hội An.

Thấy phía Tây phố có cầu, thuyền buôn tụ họp đông đúc bên phố chợ sông Hoài, nên đặt tên “Lai Viễn kiều” (tức cây cầu của những người từ phương xa tới) . Cùng với đó, Chúa đã cho mạ khắc biển vàng thành bức hoành phi nhằm ghi dấu nơi ngài đã đi qua. Hiện, bức hoành phi chúa ban vẫn còn treo bên trong Chùa Cầu.

Trong khi đó, một thư tịch cổ của nước nhà lại chép, cây cầu cổ được tìm thấy vào năm 1617 với tên gọi Cầu Nhật Bản. Một tài liệu khác xác định, Chùa Cầu được xây dựng vào năm 1593 cũng với tên gọi cầu Cầu Nhật Bản, để thông thương buôn bán của người Hoa kiều, Nhật kiều. 

Niên đại là vậy, đối với phần người đề xướng xây dựng, sách “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn (1992, tr.379)  thể hiện, cầu này do người khách buôn Nhật Bản làm nên. 

Sách viết, từ cuối thế kỷ XVI- đầu thế kỷ XVII, người Minh Hương (Trung Hoa) ở Hội An đã khởi xướng xây cầu bắc qua sông Hoài, nhằm tạo điều kiện để người dân hai con phố Faifo (Nhật Bản) và Ba Tàu (Trung Hoa) nằm 2 bên thông thương buôn bán. Đến năm 1653, cầu được tu sửa và cho xây dựng thêm ngôi chùa nhỏ nằm sát cầu ở phía Tây để thờ tự. 

Ngoài chức năng đi lại, chùa còn làm nơi tâm linh của cộng đồng người Hoa Kiều, Nhật Kiều và cả người Việt. Từ đó danh xưng cầu Nhật Bản dần bị quên lãng và được thay vào đó bằng tên gọi quen thuộc Chùa Cầu (ghép ngôi chùa và cây cầu). 

Đặc biệt, ở cảng thị Hội An ngày xưa, cộng đồng người Việt, người Nhật, người Hoa có chung một truyền thuyết về nguyên nhân gây ra động đất. Họ cho rằng, ở ngoài đại dương có một loài thủy quái mà người Việt gọi Con Cù, người Nhật gọi Mamazu, người Hoa gọi Câu Long. 

Con vật này có đầu ở Nhật Bản, đuôi nằm ở Ấn Độ và lưng vắt qua khe nước ở Hội An, nơi hiện mà Chùa Cầu bắc qua. Mỗi khi con thủy quái ngóc đầu lên, nước Nhật bị động đất và Hội An cũng rung chuyển khiến khu người Nhật, người Hoa, người Việt không thể bình yên làm ăn buôn bán.

Để yểm trừ, người Minh Hương lập ngôi chùa nhỏ nằm sát cây cầu cổ để thờ Bắc Đế Chân Võ (hay Huyền Thiên Đại Đế) với mục đích khống chế con Câu Long không gây ra động đất.

Tuy nhiên, vì xây dựng đến nay đã hơn 400 năm, nên dưới tác động của thời gian, con người cùng thiên tai, bão, lũ… đã làm cho di sản này xuống cấp. Vì thế, mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam, TP.Hội An phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế “Trùng tu di tích Chùa Cầu- Quan điểm và giải pháp”.

Đại biểu Quốc tế phát biểu tại hội thảo.
Đại biểu Quốc tế phát biểu tại hội thảo.

Thách thức bảo tồn

Ngay tại đề dẫn Hội thảo, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, trải qua mấy trăm năm tồn tại, tính đến nay Chùa Cầu đã được các thế hệ kế tiếp nhau ở Hội An quan tâm tu bổ lớn 7 đợt (vào các năm 1763, 1815, 1875, 1917, 1962, 1986, 1996) từ nhiều nguồn vốn khác nhau và nhiều lần tu bổ nhỏ ở hệ mái, hệ vì kèo, trụ, đà, sàn….

Qua đó góp phần giúp Chùa Cầu chống xuống cấp ở từng thời điểm sau trùng tu cũng như cho di tích này ngày càng đẹp như ngày nay. Thế nhưng, hiện Chùa Cầu đang đứng trước nguy cơ xuống cấp với áp lực ngày càng nặng nề hơn.

Trong khi đó, GS.TS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia thông tin, Chùa Cầu do người Nhật xây dựng và quản lý cho đến năm 1637. Sau khi người Nhật rời Hội An, Chùa Cầu được Chúa Nguyễn giao cho cộng đồng người Hoa làng Minh Hương quản lý. 

Trong quá trình tiếp nhận, sử dụng, người Hoa làng Minh Hương đã dựng thêm một ngôi miếu nhỏ thờ thần Bắc Đế Trấn Vũ, thần chuyên trấn trị phong ba, lũ lụt theo tín ngưỡng của người Hoa.

Đồng thời đưa các yếu tố trang trí kiến trúc nghệ thuật Trung Hoa vào công trình này trong những lần trùng tu, sửa chữa vào các năm 1763 dưới thời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát, năm 1817 dưới thời vua Gia Long, năm 1875 dưới thời vua Tự Đức và năm 1917 dưới thời vua Khải Định.

Như vậy, theo GS.TS Trương Quốc Bình, vấn đề trùng tu, sửa chữa Chùa Cầu không phải bây giờ mới được đặt ra, mà trong lịch sử, các thế hệ người Hội An vẫn luôn làm tốt điều này.

 “Rõ ràng, Chùa Cầu trong lịch sử hình thành và phát triển của mình đã có nhiều lần được sửa chữa, tu bổ. Qua mỗi lần sửa chữa, tu bổ, cây cầu này lại có sự bổ sung, tiếp biến về văn hóa của các dân tộc cộng cư, sinh sống tại Hội An từ trong quá khứ.

Song, thực tế Chùa Cầu ngày nay đang có những dấu hiệu xuống cấp bởi tác động của thời gian, thiên tai, bão lũ và cả con người. Vì thế, yêu cầu trùng tu, sửa chữa đối với Chùa Cầu đang đặt ra một cách cấp thiết, nhằm góp phần bảo tồn và tiếp tục phát huy giá trị của di sản độc đáo này”, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND TP.Hội An nêu vấn đề.

Câu hỏi này đã được đại diện của Cục trưởng Cục Di sản văn hóa thuộc Bộ VHTT&DL, Vụ Văn hóa đối ngoại thuộc Ủy ban quốc gia Unesco Việt Nam, đại diện lãnh đạo văn phòng Unesco tại Hà Nội; Bí thư Văn hóa- Truyền thông Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cùng nhiều nhà khoa học đầu ngành hàng đầu của Việt Nam và Nhật Bản như:

GS.TS Lưu Trần Tiêu; ông Nguyễn Đình An cùng các thành viên Hội Bảo trợ kiến trúc Hội An; GS.TSKH Vũ Minh Giang; PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia; GS Tomoda Hiromichi, Đại học Nữ Chiêu Hòa- Nhật Bản… yêu cầu tìm câu trả lời xác thực nhất.

Chùa Cầu Hội An
Chùa Cầu Hội An

Giải pháp nào? 

Theo PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng, Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, muốn thực hiện tốt công tác trùng tu Chùa Cầu, điều đầu tiên đặt ra là phải khảo sát thật kỹ lưỡng hiện trạng của Cầu. Từ đó có chuẩn đoán đúng “bệnh” mới có thể đề ra phương án phù hợp.

Nên áp dụng những phương tiện khoa học công nghệ hiện đại hiện có ở nước ta hoặc có sự trợ giúp của tổ chức, cá nhân quốc tế để khảo sát, đánh giá mức độ hư hỏng của Cầu và đề xuất các phương án tu bổ phù hợp.

Với quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng đề xuất 3 phương án trùng tu gồm: Tu bổ cục bộ, hỏng chỗ nào sửa chỗ đó; tu bổ theo cách hạ giải từng phần công trình, kết cấu của Cầu; tu bổ theo phương pháp hạ giải toàn bộ. 

“Trong 3 phương pháp trên, phương án hạ giải toàn bộ để xử lý triệt để các hạng mục của Cầu là phù hợp với hiện trạng xuống cấp của Chùa Cầu hiện nay. Tuổi thọ của Cầu sau tu sửa kéo dài nhất, đỡ phải sửa đi sửa lại nhiều lần.

Trên thực tế, các hạng mục của Chùa Cầu đã có nhiều thay đổi, chân cầu có chỗ dịch chuyển ít nhiều, các cấu kiện gỗ qua nhiều lần tu sửa chất lượng cũng đã khác nhau. Vì thế, nếu không tu sửa tổng thể sẽ không tránh khỏi việc sửa đi sửa lại nhiều lần, sửa được chỗ này, một vài năm sau chỗ khác lại hỏng”, PGS.TS Hùng gợi ý.

Đề xuất phương án để trùng tu, sửa chữa Chùa Cầu hiện nay, PGS.TS Nguyễn Xuân Toản và ThS Nguyễn Duy Thảo đến từ Đại học Bách khoa Đà Nẵng  kết luận: “Địa chất khu vực Chùa Cầu khá đồng nhất, chủ yếu là cát có trạng thái bão hòa, kết cấu xốp, chặt vừa, chặt đến rất chặt phân bố theo độ sâu từ trên xuống.

Kết cấu khung, dầm đỡ, sàn đỡ đáy của Cầu hiện đủ khả năng chịu tải trọng bản thân và tải trọng người. Tuy nhiên có một số kết cấu bị mục và nứt làm suy giảm khả năng chịu lực cần phải gia cường hoặc thay thế.

Ngoài ra, kết quả đo đạc cho thấy tình trạng của kết cấu mố trụ và nền móng tại thời điểm quan trắc cơ bản còn đáp ứng yêu cầu chịu lực. Tuy nhiên sự thay đổi đáng kể tần số và chu kỳ dao động riêng của các kết cấu cho thấy sự xuống cấp của các kết cấu đang diễn ra với tốc độ khác nhau và đáng lưu ý. Do vậy cần tiếp tục quan trắc và xác định bổ sung thông tin để có thể nhận định chính xác hơn về mức độ an toàn của kết cấu.

Chia sẻ quan điểm của mình đối với trùng tu, bảo tồn di tích Chùa Cầu, PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam nhìn nhận, Khe Ồ Ồ, nơi Chùa Cầu bắt qua sông Hoài là thành tố tạo ra giá trị cảnh quan văn hóa cũng như xác lập diện mạo quy hoạch mặt bằng tổng thể của khu di sản, vẫn đang sử dụng làm chức năng thoát nước thải của thành phố.

Đây là nguyên nhân chính làm cho nước dưới chân Chùa Cầu bị ô nhiễm trầm trọng. Vì thế cần ưu tiên tìm biện pháp xử lý nguồn nước thải sinh hoạt đô thị trước khi xả vào Khe Ồ Ồ. 

Mặt khác, Chùa Cầu có 2 bộ phận cấu thành chính là móng, trụ cầu và khung sườn gỗ, mái ngói là đáng quan tâm nhất. Bằng mắt thường cũng dễ nhìn thấy sự sụt lún cơ bản đã được khắc phục vì Chùa Cầu được giải phóng khỏi chức năng công cộng bằng 2 con đường tránh ở phía Bắc và  một cây cầu gỗ ở phía Nam giáp sông Hoài.

Tuy nhiên, vẫn nên sử dụng phương tiện kỹ thuật hiện đại khảo sát, đánh giá lại khả năng chịu lực và độ bền vững của bộ phận móng, trụ trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. 

Bên cạnh đó, bộ khung, sườn gỗ và mái ngói được làm bằng chất liệu gỗ kém bền vững, lại phải chịu tác động của thiên nhiên khắc nghiệt hơn 400 năm qua, hiện đang xuống cấp trầm trọng, mộng liên kết giữa các bộ phận kết cấu gỗ đã bị “nhả miệng”.

Với phân tích này, cần đặt vấn đề hạ giải, xác định chính xác nguyên nhân gây hại và loại bỏ các cấu kiện gỗ không thể tái sử dụng để có biện pháp xử lý triệt để hơn, tạo được độ bền vững lâu dài cho di tích.

Chùa Cầu Hội An
Chùa Cầu Hội An 

Cẩn trọng và đừng làm ảnh hưởng đến giá trị di tích

Trong khi đó, GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia đề xuất, việc tu sửa Chùa Cầu nên tiếp cận theo hướng bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của một di sản văn hóa.

Cụ thể là nên trung tu theo quan điểm đồng bộ, toàn diện; phải đối xử với Chùa Cầu như một di sản văn hóa có giá trị và cần phải tính đến chuyện chấm dứt công năng giao thông của cây Cầu này. 

“Du khách vẫn có thể lên Chùa Cầu tham quan và hành lễ nhưng đó lại là yêu cầu hưởng thụ cao hơn nên phải trả phí như vào tham quan một di tích”, GS.TSKH Vũ Minh Giang nêu vấn đề.

Cũng đặt ra yêu cầu tiếp tục nghiên cứu thận trọng, KTS Lê Thành Vinh và KTS Đặng Khánh Ngọc, đến từ Viện bảo tồn Di tích cho rằng, việc trùng tu di tích Chùa Cầu là dịp hiếm có, để tiếp cận di tích một cách thấu đáo, tiếp tục nghiên cứu, đánh giá toàn diện những đặc điểm vốn có của di tích, tình trạng kỹ thuật, tình trạng bảo tồn, xác định các nguy cơ gây hại có thể xảy ra với di tích. 

Đồng thời, việc trùng tu di tích Chùa Cầu lần này còn là cơ hội thích hợp sau nhiều lần nghiên cứu, can thiệp, trong điều kiện có những tiến bộ khoa học- công nghệ, các hiểu biết kỹ thuật tiên tiến hiện đại đảm bảo khả năng xử lý triệt để hơn các vấn đề về bảo tồn di tích này.

Vì thế, để hoạt động bảo tồn hiệu quả, theo KTS Lê Thành Vinh và KTS Đặng Khánh Ngọc, di tích Chùa Cầu cần phải được tiếp cận nghiên cứu thận trọng. Việc trùng tu bảo tồn phải được tiến hành trên cơ sở thống nhất được một quan điểm bảo tồn phù hợp với các nguyên tắc bảo tồn đi cùng với tiếp cận tổng hợp, toàn diện trên nhiều mặt, để có các giải pháp can thiệp chuẩn xác.

Về phía các nhà khoa học Nhật Bản, đa số các ý kiến đều thống nhất với các ý kiến của các nhà khoa học Việt Nam, nên cẩn trọng trong khảo sát, đánh giá để tìm đúng nguyên nhân khiến Chùa Cầu xuống cấp, từ đó mới có giải pháp hữu hiệu và phù hợp nhất.

Còn theo GS Tomoda Hiromichi (Đại học Nữ Chiêu Hòa- Nhật Bản), chúng ta cần có phương án tu bổ Chùa Cầu mà không làm ảnh hưởng đến giá trị văn hóa của di tích này. 

Trong khi đó, trao đổi thêm với báo Câu chuyện Pháp luật, nguyên Bí thư Hội An, ông Nguyễn Sự nhận định, Chùa Cầu về mặt giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh sẽ không cần phải bàn cãi. “Với hơn 400 năm tuổi nên bây giờ không thể đòi hỏi Chùa Cầu khỏe mạnh khỏe như “trai tráng” được.

Vì vậy, trùng tu, sửa chữa buộc phải tiến hành. Tuy nhiên, trùng tu phải làm sao để Chùa Cầu vẫn mãi là Chùa Cầu. Đặc biệt, chúng ta đừng làm cho di tích “trẻ lại”. Ông già lọm khọm nhưng mái tóc vẫn còn xanh đen là mái tóc giả”, nguyên Bí thư Hội An ví von thêm.

Đọc thêm