Vụ kiện đau lòng dứt tình mẫu tử vì 88m2 đất

(PLO) - Mười năm, mẹ và con trai vì tranh chấp một mảnh đất thổ cư 88m2 mà dứt tình, không nhìn mặt nhau. Người mẹ sắp chết, người con gái thay mẹ tiếp tục theo kiện trong cuộc tranh chấp dài với người anh trai. 
Bà Châu trình bày nguồn gốc phần đất tranh chấp.
Bà Châu trình bày nguồn gốc phần đất tranh chấp.

Rớt nước mắt kiện con

Đó là câu chuyện đau lòng của cụ Đỗ Thị Tư (SN 1932, ngụ ấp Lý Thái Bữu, xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ, TP HCM) và con trai thứ ba, ông Huỳnh Văn Kính (ngụ cùng ấp).

Cụ Tư đang ở trong căn nhà lá trên mảnh đất có diện tích 88m2 cùng con gái thứ bảy là bà Huỳnh Thị Mỹ Châu (SN 1965). Mảnh đất đó được UBND huyện Cần Giờ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho ông Kính từ năm 2005.

Trong căn nhà lá sát đường ở khu vực trung tâm xã Lý Nhơn, cụ Tư khó nhọc từng hơi thở nặng nề. Gần đây, cụ yếu sức, không ăn nổi hạt cơm, mỗi bữa chỉ uống được chừng vài ba muỗng sữa cầm hơi. Căn nhà lá lụp xụp, vật dụng trong nhà không có gì quý giá. Ngay phòng khách là bàn thờ con gái đầu cụ Tư là liệt sĩ và tấm bằng ghi công.

Bà Châu kể: “Mảnh đất của mẹ tôi thực tế có diện tích 244m2 nhưng sau khi có GCNQSDĐ, anh Kính đã cắt một phần bán cho người ta trừ nợ. Giờ mẹ tôi chỉ thưa kiện đòi 88m2 đang ở. Nguồn gốc đất này là của ông nội tôi khai phá từ trước năm 1975.

Năm 1975, ông nội cắt một phần đất cho cha mẹ tôi dựng nhà để ở. Chồng mất, mẹ tôi về Cà Mau sinh sống từ năm 1978 đến năm 1980 thì trở lại”.

Bà Châu khẳng định, từ năm 1980, cụ Tư cất nhà và ở liên tục đến năm 1991, không hề xảy ra tranh chấp. Cùng năm này, UBND huyện Duyên Hải (nay là huyện Cần Giờ) ra quyết định về việc cấp cho cụ Tư một căn nhà tình nghĩa.

Cụ Tư xây dựng căn nhà bằng gỗ, lợp tôn ngay trên nền nhà cũ và sinh sống từ đó. Năm 1998, vợ chồng bà Châu ly thân nên bà về sống với mẹ. Theo bà Châu, năm 2000, cụ Tư làm giấy tay cho bà phần đất 88m2 và bà cất nhà ở cho đến nay.

“Thời điểm mẹ tôi cho, khu đất toàn sình lầy, cây đước, bần mọc rất nhiều. Một mình tôi phải khai phá, kêu người đổ đất đắp nền cao mới dựng được căn nhà nhỏ chừng 20m2 để ở cho đến nay. Vậy mà anh Kính cứ bắt mẹ và tôi dỡ nhà, trả đất”, bà Châu nói.

Bà tiếp: “Năm 2005, tôi vẫn có nhà ở bình thường nhưng không rõ tại sao anh Kính lại đi đăng ký quyền sử dụng đất và được cấp giấy chứng nhận. Từ đó, anh Kính bắt đầu đến chửi bới, đuổi mẹ và tôi đi nơi khác. Mẹ tôi ốm đau mấy năm nay, giờ dọn đi thì biết đi đâu”.

Căn nhà bà Châu và mẹ đang sinh sống.
Căn nhà bà Châu và mẹ đang sinh sống.

Từ năm 2011, cụ Tư lọ mọ chống gậy, nhờ người viết đơn xuống UBND xã Lý Nhơn khiếu nại về việc cấp sai GCNQSDĐ cho con trai. Gần một năm sau, UBND xã Lý Nhơn hòa giải không thành nên yêu cầu cụ Tư khởi kiện ra tòa. TAND huyện Cần Giờ đã thụ lý đơn khởi kiện đến nay là 3 năm nhưng vẫn chưa xét xử.

Bà Châu cho biết, mới đây nhất, sợ cụ Tư quá yếu, khó có thể sống chờ ngày xét xử nên tòa án yêu cầu bà Châu làm đơn khởi kiện độc lập đòi lại 88m2 làm phương án dự phòng. 

Bà Châu nói, sổ đỏ mảnh đất đã bị ông Kính mang đi cầm cố. Lúc ra tòa hòa giải, ông Kính đòi bà hỗ trợ 20 triệu đồng để chuộc lại, làm thủ tục tách riêng 88m2 ra cho mẹ và bà. Nhưng bà Châu nói mình suốt ngày ở nhà chăm sóc mẹ ốm đau, nằm một chỗ, làm gì có 20 triệu. 

Bà Châu kể: “Từ ngày đi thưa con mình, mẹ tôi đêm nào cũng khóc. Bà không thể ngờ, mẹ con có ngày đoạn tuyệt như vậy. Cuối đời, bà vẫn còn đáo tụng đình mà lại đi kiện chính con trai đòi lại mảnh đất hợp pháp của mình.

Mảnh đất trên, tôi và mẹ dựng nhà để ở từ lâu, mọi người trong xóm đều biết nhưng không hiểu tại sao, anh Kính lại được cấp GCNQSDĐ. Hồi ấy, người ta làm sổ đỏ không thông báo lên loa phát thanh. Nếu có, tôi đã đi ngăn chặn”.

Lý lẽ của người con

Để thông tin khách quan, PV tìm đến nhà ông Kính. Ông nói: “Phần đất đó đúng là của ông nội tôi khai phá từ trước năm 1975. Năm 1980, tôi đi nghĩa vụ quân sự ở Campuchia về. Lúc này, mẹ tôi đã bán nhà đi Cà Mau sinh sống.

Phục viên nhưng không có nhà cửa nên ông bà nội mới cho tôi ở nhờ phần đất 244m2 đó, tôi cất căn nhà lá để ở. Do tôi phụng dưỡng nên ông bà cho tôi phần đất đó và phần đất tôi đang ở”.

Ông Kính cho biết chính mình là người về Cà Mau rước mẹ và cha dượng về Cần Giờ sinh sống. Thời điểm đó, vợ chồng ông Kính được điều động đi khai hoang ở ấp khác nên để lại căn nhà lá cho mẹ ở.

“Vợ chồng tôi đi làm ruộng muối, gia đình lúc đó thuận thảo nên tôi không đòi lại đất làm gì. Nếu tôi nhỏ mọn, đòi mấy chục mét vuông đất thì làm sao tôi lại cho mẹ được hơn mẫu ruộng muối, sau này mẹ tôi bán lấy 37 triệu đồng”, ông Kính nói.

Giấy viết tay bà Châu cho rằng được mẹ cho phần đất 88m2 từ năm 2000.
Giấy viết tay bà Châu cho rằng được mẹ cho phần đất 88m2 từ năm 2000.

Ông tiếp tục: “Năm 1998, cô Bảy (tức bà Châu) mang bụng bầu về, không có chỗ ở nên mẹ tôi cho ở một phần chái nhà. Khoảng năm 2000, mẹ tôi và cô Bảy xích mích nên đuổi cô ấy đi nhưng cô ấy không chịu.

Vì thế, mẹ tôi làm đơn xin trả lại đất cho tôi. Tôi đã nộp cho tòa án. Đến năm 2004, mẹ và cô Bảy nghe lời xúi giục của người khác mới làm đơn đòi đất.

Hai bên ra xã, có nhiều người làm chứng, có địa chính xã, mẹ tôi thừa nhận đất là của ông bà nội cho tôi nên địa chính mới lập hồ sơ làm GCNQSDĐ. Đến năm 2005, tôi có được giấy chứng nhận”.

Ông Kính cho rằng, do nuôi tôm thất bại nên mới bán một phần mảnh đất, còn lại 88m2 thì đi cầm cả gốc lẫn lãi 40 triệu đồng.

Ông Kính là người đóng tiền để lên đất thổ cư 88m2 đất trên nên yêu cầu bà Châu hỗ trợ 20 triệu đồng chuộc sổ để tách sổ, sang tên. Ban đầu, bà Châu đồng ý nhưng sau đó lại cho rằng không “lo được tiền” nên thỏa thuận bất thành.

“Vì mâu thuẫn gia đình, nghe lời xúi giục, chứ mẹ sống được mấy ngày nữa mà tôi không cho. Từ năm 1990 đến nay, mẹ tôi được nhà nước 3 lần cấp nhà tình thương (trong đó có hai lần cấp cả đất lẫn nhà). Nhưng mẹ tôi đều bán đi hết. Chỉ có căn nhà gỗ, lợp tôn cấp năm 1991, mẹ tôi tháo tôn mang về nhà em tôi ở nhờ thôi.

Khi đi kiện, mẹ không nói một lời. Thời điểm đó, con tôi đã lớn, ra đường, chúng nó cứ nghe chuyện “bà nội mày đi kiện cha mày chiếm đất” làm mất mặt lắm. Vì thế, tôi mới để cho tòa án giải quyết”, ông Kính nói.

Nội dung Công văn trả lời khiếu nại của cụ Tư về việc GCNQSDĐ cho ông Kính, UBND huyện Cần Giờ khá tương đồng lời kể của ông Kính. Theo công văn, ông Kính được ông nội cho một phần đất từ năm 1980 để cất nhà ở.

Đến năm 1987, ông Kính chuyển đi nơi khác, khu đất trên do cụ Tư sử dụng. Khoảng năm 2000, cụ Tư không sử dụng, đi nơi khác sinh sống.

Năm 2002, ông Kính chuyển nhượng một phần đất trên cho người khác và năm 2006, người này xây nhà.

Năm 2004, cụ Tư và ông Kính xảy ra tranh chấp phần đất trên và được hòa giải. Theo đó, cụ Tư đồng ý trả lại phần đất trên cho ông Kính. Từ cơ sở đó, UBND xã mới tiến hành lập hồ sơ làm GCNQSDĐ cho ông Kính.

TAND huyện Cần Giờ đang thụ lý vụ tranh chấp.

Đọc thêm