Việt Nam nằm trong 10 nước già hóa dân số nhanh nhất thế giới
Từ năm 2007, Việt Nam đã bước vào thời kỳ cơ cấu “dân số vàng”, tức là, cứ một người trong độ tuổi phụ thuộc (dưới 15 tuổi hoặc trên 60 tuổi) thì có 2 người hoặc hơn trong độ tuổi lao động (từ 15 - 60 tuổi). Cơ cấu dân số này là cơ hội “vàng” để nước ta có được lực lượng lao động trẻ dồi dào trong giai đoạn tăng trưởng kinh tế 2010 -2020.
Tuy nhiên, sau giai đoạn dân số “vàng” sẽ bước sang giai đoạn dân số “già”, tỷ lệ người cao tuổi tăng nhanh liên tục (Chỉ số già hoá dân số từ 18,2% năm 1989 tăng lên 44,6% năm 2014), nhanh hơn 06 năm so với dự báo. Điều đáng nói là, Việt Nam nằm trong số 10 nước có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới, sẽ chỉ mất 20 năm, tỉ lệ người từ 65 tuổi trở lên tăng từ 7% lên 14%.
Đây là lý do Thủ tướng khuyến khích kết hôn trước 30 tuổi, sớm sinh con. Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, tính đến hết năm 2017, cả nước có 11 triệu người cao tuổi, chiếm khoảng 11,95% dân số, trong đó có khoảng gần 2 triệu người từ 80 tuổi trở lên. Dự báo, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già vào năm 2035, khi tỉ lệ này tăng lên tới 20% với khoảng 21 triệu người cao tuổi.
Đơn cử Nhật Bản, Hàn Quốc (2 quốc gia cũng có thể nói là giàu có trên thế giới) hiện nay đang phải chật vật với bài toán dân số già. Nhưng nếu nó xảy ra ở Việt Nam chưa chắc ta đã tốt hơn mà có khi tệ hơn.
Bởi chúng ta vẫn chưa thoát khỏi thu nhập trung bình (nếu nhanh thì cũng phải mất ít nhất 15 năm nữa để thành quốc gia có thu nhập cao) và đang trong giai đoạn phát triển kinh tế nên khó mà xây dựng một hệ thống an sinh xã hội, chăm sóc người cao tuổi tốt, phù hợp với tình hình dân số như dự báo. Vì vậy việc cần làm bây giờ là làm chậm lại quá trình già hóa bằng mọi cách trước khi ta có tiềm lực đủ để chống lại nó. Bởi vậy, dân số đang tăng lên chủ yếu ở nhóm người già do độ tuổi trung bình tăng.
Trong khi đó, Việt Nam đang trong quá trình phát triển, áp lực tài chính, thời gian làm việc tăng sẽ gây ra tâm lí ngại sinh đẻ mức sinh cũng đến giới hạn rồi và sẽ giảm nhanh chóng nếu không có các biện hỗ trợ kinh tế…
Kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng nhanh hơn thế giới nhiều nhưng với một nước dân số vàng thì không phải là quá nhanh. Các quốc gia “già” trước đó luôn cố gắng kéo dài thời kì này càng lâu càng tốt để giàu lên kịp thích ứng với thay đổi.
Theo ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), tính tổng tỷ suất sinh (TFR) trung bình năm năm gần đây, có 33 tỉnh có mức sinh hơn 2,2 con, 21 tỉnh có mức sinh dưới hai con và chỉ có chín tỉnh, thành phố có mức sinh chung quanh mức sinh thay thế (từ 2 đến 2,2 con). Chênh lệch mức sinh giữa nơi cao nhất và nơi thấp nhất là 1,57 con, trong đó cao nhất Hà Tĩnh là 2,9 con, thấp nhất TP Hồ Chí Minh là 1,33 con.
Nơi có mức sinh thấp tiếp tục có xu hướng giảm sâu và ngày càng lan rộng. Trong 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp, có một số tỉnh mức sinh ở mức rất thấp, tập trung ở khu vực Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải miền Trung, có quy mô dân số là 37,9 triệu người chiếm khoảng 39,4% dân số cả nước. Như vậy, mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội, tác động rất lớn đến phát triển bền vững cho cả nước.
Bên cạnh đó, xu hướng mức sinh tăng cao trở lại sau khi đạt mức thay thế đã xuất hiện ở nhiều tỉnh tại vùng Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ. Hiện có 33 tỉnh có mức sinh cao, quy mô dân số là 39,8 triệu người, chiếm 41,4% dân số cả nước. Nhiều tỉnh ở nhóm này có điều kiện kinh tế -xã hội còn rất khó khăn, chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế.
Đáng chú ý, một số tỉnh phía Bắc trước đây đã đạt mức sinh thay thế tăng rất cao trở lại như Tuyên Quang từ 2,05 con (năm 2008) lên 2,62 con (năm 2018), Phú Thọ từ 1,99 con (năm 2007) lên 2,66 con (năm 2018), Nam Định từ 1,76 con (năm 2012) lên 2,82 con (năm 2018), Hải Dương từ 1,95 con (năm 2017) lên 2,59 con (năm 2018).
Mức sinh cao đã tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục, làm tăng khoảng cách phát triển và chất lượng cuộc sống của nhân dân của các địa phương này so với các khu vực khác.
Do đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt Quyết định số 588 “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030” trong đó khuyến khích nam nữ kết hôn trước 30 tuổi, sớm sinh con - chính là hướng tới cơ cấu dân số vàng trước khi quá muộn, nếu tốc độ già hóa dân số trong tốp đầu như những năm qua.
Cần làm chậm quá trình “già hóa dân số”
Như vậy, dù Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng, nhưng cũng trong tình trạng già hóa nhanh chóng, các chính sách dân số phải làm sao tránh được tình trạng “chưa giàu đã già”. Các chuyên gia nhận định, chính sách dân số mới này của Việt Nam là cơ hội để trong tương lai, Việt Nam sẽ có một thế hệ lao động mới, kéo dài cơ cấu dân số vàng, bảo đảm nguồn lực cho phát triển đất nước.
Chia sẻ thêm về chương trình điều chỉnh mức sinh này, Tổng cục trưởng Nguyễn Doãn Tú cho biết, nhiều nước trên thế giới đã thành công trong việc giảm sinh nhưng chưa có nước nào thành công trong việc đưa mức sinh rất thấp về mức thay thế, cho dù có nhiều chính sách khuyến khích sinh con với nguồn lực đầu tư lớn.
Các nước như Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc có chính sách khuyến sinh bằng nhiều đòn bẩy kinh tế - xã hội nhằm tăng mức sinh. Tuy nhiên, mức sinh không tăng được bao nhiêu và hiện ở mức rất thấp, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, Việt Nam cũng cần có chính sách kiểm soát mức sinh và cần điều chỉnh kịp thời khi mức sinh có xu hướng giảm và giảm sâu.
Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 là một trong 3 cuộc tổng điều tra lớn nhất theo quy định của pháp luật về thống kê và được tiến hành 10 năm một lần. Mục tiêu của cuộc Tổng điều tra là không để ai bị bỏ lại phía sau. Do đó, cần có chính sách phù hợp với những đối tượng khó khăn tại khu vực nông thôn, những người chưa có nhà ở hoặc nhà ở thiếu kiên cố.
Theo Giáo sư Trần Văn Thọ - Đại học Waseda Nhật Bản, nếu chọn năm 2020 làm mốc đánh dấu chấm dứt giai đoạn dân số vàng và thử đưa ra các kịch bản phát triển, ta thấy dù trong kịch bản tốt (từ nay đến năm 2020 thu nhập đầu người phát triển trung bình mỗi năm 7%, tức kinh tế phát triển độ 8%), GDP đầu người theo giá 2005 vào năm 2020 chỉ có 1.600 USD. Nếu dời mốc đến năm 2025 chẳng hạn, con số đó cũng chỉ tăng lên được độ 2.000 USD, bằng 1/2 mức tương đương của Trung Quốc và Thái-lan, bằng 1/10 của Hàn Quốc và 1/15 của Nhật Bản.
Phân tích ở trên cho thấy Việt Nam rất khó tránh khỏi nguy cơ chưa giàu đã già với rất nhiều thách thức. Trong đó, thách thức lớn nhất là thay đổi cơ cấu lao động. Tỷ lệ người ở độ tuổi lao động cao (từ 45 đến dưới 60 tuổi) sẽ tăng lên và tỷ lệ dân số gia nhập thị trường lao động sẽ có xu hướng giảm đi.
Một thực tế cho thấy, người cao tuổi ở nước ta chủ yếu sống ở nông thôn, là nông dân và làm nông nghiệp. Thế hệ người cao tuổi hiện nay trải qua chiến tranh và nghèo khó về kinh tế, vì vậy, sức khỏe kém và không có tích lũy cho tuổi già. Do đó, bảo đảm an sinh xã hội cho hàng chục triệu người cao tuổi là bài toán, là thách thức ngày càng lớn ở Việt Nam.
Do vậy theo các chuyên gia dân số, để nâng cao hiệu quả thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” cần làm chậm quá trình “già hóa dân số”, tăng cơ hội việc làm, nhất là những việc làm tạo giá trị gia tăng, đa dạng hóa ngành nghề ở nông thôn; nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đào tạo theo nhu cầu thị trường lao động.
Và để tận dụng cơ hội cơ cấu “dân số vàng” theo bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số, Kế hoạch hóa gia đình, cần phải đảm bảo nhiều yếu tố như những người trong “độ tuổi hoạt động kinh tế” có khả năng làm việc; những người “có khả năng làm việc” phải có việc làm; những người có việc làm phải làm việc với năng suất, thu nhập cao.
Do đó, trong khoảng thời gian 20 năm tới, bà Lan cho rằng Việt Nam phải khẩn trương tận dụng cơ hội quý hiếm này để phát triển nhanh và bền vững đất nước. “Mỏ vàng không khai thác thì còn, cơ cấu dân số “vàng” không khai thác thì sẽ mất vào năm 2040”, bà Lan nhấn mạnh…