Dân thủ đô đang sống trong ô nhiễm... phân

(PLO) - Mỗi ngày, thành phố Hà Nội thải chừng 500 tấn phân bùn bể phốt, nhưng chỉ khoảng 35 tấn được xử lý tại trạm xử lý đặt ở Cầu Diễn, dù trạm xử lý này có công suất xử lý 50 tấn/ngày.
Nói về hoạt động của trạm xử lý phân bùn bể phốt duy nhất trên địa bàn Hà Nội, ông Lê Trung Dũng – phụ trách truyền thông, đại diện của Cty TNHH một thành viên môi trường Hà Nội (URENCO) – từng cho phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam hay, Cty được thành phố Hà Nội “đặt hàng” bơm hút và xử lý phân bùn bể phốt các nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn 4 quận nội thành cũ của Hà Nội là Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Hiện nay, trạm xử lý này đặt tại phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), có công suất 50 tấn mỗi ngày để xử lý phân bùn bể phốt mà công ty thu gom, vận chuyển từ các nhà vệ sinh công cộng. 
Buông lỏng quản lý DN môi trường
“Theo tính toán của chúng tôi, lượng phân bùn bể phốt toàn thành phố thải ra mỗi ngày chừng 500 tấn, nhưng lượng phân bùn bể phốt trạm xử lý duy nhất của Hà Nội đang xử lý khoảng chừng 35 tấn mỗi ngày” – ông Dũng cho hay.
“Trước đây, Cty có dịch vụ bơm dịch vụ hố xí tự hoại của người dân có nhu cầu, nhưng từ khi cơ chế thị trường mở ra, có hàng loạt công ty tư nhân nhảy vào lĩnh vực này với mức giá cạnh tranh, quảng cáo linh động, nên mảng dịch vụ đó của công ty không hoạt động nữa vì không hiệu quả” – ông Dũng cho biết.
Hiện, trên địa bàn Hà Nội có hàng chục doanh nghiệp (DN) tư nhân tham gia làm dịch vụ bơm hút bể phốt, và đây là lực lượng chính “xử lý” hơn 90% lượng phân bùn bể phốt trên toàn thành phố. Theo lời ông Nguyễn Thanh Minh – Giám đốc Cty TNHH MTV môi trường đô thị Hà Nội, Chi nhánh Cầu Diễn (URENCO 7), đơn vị được giao phụ trách trạm xử lý phân bùn bể phốt duy nhất hiện nay của Hà Nội, suốt một năm qua, ngoài các xe của URENCO 7, không hề có hợp đồng nào cũng không có đơn vị nào đưa bất kỳ mét khối phân bùn nào vào trạm để xử lý. 
Theo nhận định của ông Lê Trung Dũng, đó là do điều kiện kinh doanh quá “thoáng” của các công ty tư nhân, chỉ cần được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh là có thể đi cung cấp dịch vụ, không ai quản lý thêm. “Môi trường là lĩnh vực đặc thù, thế nhưng trong hồ sơ đăng ký kinh doanh, các DN này không hề bị bắt buộc điều kiện như phải có điểm đổ hay hợp đồng xử lý” – ông Dũng nói.
Phải giải bài toán luẩn quẩn
Trung tuần tháng 5 vừa rồi, URENCO đã tổ chức khởi công nâng cấp trạm xử lý chất thải Cầu Diễn. Hiện nay tại đây mới chỉ có hệ thống xử lý chất thải y tế, bùn bể phốt với công suất 50 tấn/ngày, đêm, không đáp ứng được yêu cầu xử lý chất thải của thành phố khoảng 200 tấn/ngày và sẽ tăng thêm 10% mỗi năm.
Lễ khởi công nâng cấp Trạm xử lý phân bùn bể phốt Cầu Diễn.
Lễ khởi công nâng cấp Trạm xử lý phân bùn bể phốt Cầu Diễn. 
Theo Quy hoạch quản lý chất thải rắn Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, khu xử lý chất thải Cầu Diễn được quy hoạch xử lý 300 tấn/ngày, đêm, gồm các loại chất thải y tế, bùn bể phốt. Dự án nâng cấp trạm xử lý chất thải Cầu Diễn được xây dựng trên diện tích 2000m2 với tổng mức đầu tư 6 tỷ đồng bằng nguồn vốn và công nghệ của URENCO. Dự án sẽ hoàn thành sau 120 ngày thi công. 
Tuy nhiên, để đảm bảo môi trường, Hà Nội phải có giải pháp xử lý dứt điểm bài toán luẩn quẩn: DN xử lý đầu tư xây trạm thì không có “hàng”, còn DN bơm hút bể phốt thì đổ bất kỳ chỗ nào có thể để “tiết kiệm” chi phí, lực lượng chức năng phạt vi phạm xong cũng không biết phải làm sao khi tại thời điểm phạt DN không có điểm đổ.  Chỉ khi bài toán này được giải, người Hà Nội mới hy vọng chấm dứt cảnh phải sống chung trong một môi trường ô nhiễm đầy đe dọa.

Đọc thêm