Dâng sao giải hạn dưới góc nhìn khoa học

(PLO) - Dâng sao giải hạn đầu năm là phong tục đã có từ lâu đời, xuất phát từ quan điểm của các nhà hiền triết phương Đông, theo đó, mỗi con người sống trong xã hội đều có một vì sao chiếu mệnh. PLVN trích đăng một số tài liệu cổ, nhằm chuyển tải đến bạn đọc ý nghĩa sâu xa của phong tục này…

Dâng sao giải hạn dưới góc nhìn khoa học
Phương Đông và phương Tây trùng quan điểm
Ở phương Tây, ngay từ thời cổ đại, các nhà triết học, thiên văn học qua quan sát vũ trụ - đã cho rằng những chòm sao kết hợp với sự di chuyển của mặt trời có liên quan đến vận mệnh của mỗi con người. 
Theo quan điểm này, trong khoảng thời gian chừng 30- 31 ngày (tức khoảng 1 tháng) mặt trời sẽ đi qua một trong mười hai chòm sao đặc biệt. Ai sinh ra trong thời gian mặt trời đi qua chòm sao nào thì họ sẽ được chòm sao đó chiếu mệnh và tính cách của họ cũng bị ảnh hưởng nhiều bởi chòm sao chiếu mệnh này.
12 chòm sao tạo thành 12 cung trong vòng tròn Hoàng đạo, có thể kể đến một số chòm sao như: Cự giải (tượng trưng như con cua), Ma kết (con dê có đuôi cá), Nhân mã (con vật nửa người, nửa ngựa)...
Nhắc sơ qua đến vấn đề này để thấy rằng, triết học cổ đại phương Đông và phương Tây đã có giao điểm với nhau. Có thể thấy rằng, các bậc cổ nhân đều nhận định những hành tinh (hay các chòm sao) đều có ảnh hưởng đến vận mệnh của con người thông qua sự tương tác với mặt trời và trái đất. 
Cổ nhân quan niệm theo vòng quay của trời đất (cũng có nghĩa là vũ trụ) mỗi một năm trôi qua, mỗi người sinh ra đều có một vì sao chiếu mệnh nhất định. Theo đó, các vì sao quy tụ thành 9 chòm được gọi tên: La Hầu, Thổ Tú, Thủy Diệu, Thái Bạch, Thái Dương, Vân Hán, Kế Đô, Thái Âm, Mộc Đức.
9 chòm sao này được cổ nhân thâu tóm trong nguyên lý Cửu diệu, cứ luân phiên trở lại trong cuộc đời của mỗi con người. Như vậy, cứ theo chu kỳ 9 năm thì chòm sao chiếu mệnh sẽ trở lại một lần. Trong 9 chòm sao này, có sao tốt, có sao xấu. Sự tốt hay xấu này phụ thuộc vào kinh nghiệm đã hình thành từ ngàn xưa của cổ nhân. 
Qua nhiều ghi chép trong cổ thư, người xưa cho rằng 9 ngôi sao chiếu mệnh chỉ xuất hiện vào những ngày nhất định trong tháng, từ đó hình thành tục dâng sao giải hạn vào các ngày như sau: Sao Thái Dương: Ngày 27 âm lịch. Sao Thái Âm: Ngày 26 âm lịch. Sao Mộc Đức: Ngày 25 âm lịch. Sao Vân Hán: Ngày 29 âm lịch. Sao Thổ Tú: Ngày 19 âm lịch. Sao Thái Bạch: Ngày 15 âm lịch. Sao Thuỷ Diệu: Ngày 21 âm lịch. Sao La Hầu: Ngày 8 âm lịch. Sao Kế Đô: Ngày 18 âm lịch.
 
Ảnh hưởng của các chòm sao với con người
Sao La Hầu: Còn có tên là Khẩu thiệt tinh, chủ về việc người bị chiếu mệnh hay gặp phiền phức về chuyện ăn nói, hay liên quan đến công quyền, kiện tụng, gặp nhiều chuyện phiền muộn, có bệnh tật về tai mắt, máu huyết. Đàn ông gặp sao này rất xấu, còn phụ nữ bị sao La Hầu chiếu mệnh cũng gặp nhiều chuyện không hay. 
Cổ nhân cho rằng người bị sao La Hầu chiếu mệnh rất kỵ tháng giêng, tháng bảy. Sao La Hầu giáng trần vào ngày 8 âm lịch nên cần dâng sao giải hạn vào ngày này. Khi làm lễ, dùng bài vị màu đỏ, mũ màu đỏ, trên đó ghi: “Thiên Cung Thần Thủ La Hầu Tinh Quân”, có thể bằng chữ Tàu hoặc chữ Việt đều được nhưng nhất thiết phải viết dọc theo bài vị. Khi làm lễ thắp 9 ngọn nến bởi sao La Hầu do 9 vì sao hợp thành, người làm lễ lạy 9 lạy về hướng chính Bắc.
Sao Kế Đô: Còn gọi là Hung tinh, rất xấu đối với nữ giới, kỵ vào tháng ba và tháng chín. Sao Kế Đô chủ về việc người bị chiếu mệnh hay gặp những chuyện ám muội, thị phi, có thể gây hao tài tốn của, họa vô đơn chí. Dâng sao Kế Đô vào ngày 18 âm lịch, khi làm lễ dùng bài vị và mũ màu vàng, trên ghi “Địa cung Thần Vĩ Kế Đô Tinh Quân”, thắp 21 ngọn nến, lạy 21 lạy về hướng Tây .
Sao Thái Dương: Còn gọi là Thái dương tinh (tức mặt trời) tốt vào tháng sáu, tháng mười, nhưng chỉ hợp với nam giới. Sao này chủ về an khang thịnh vượng, nam giới gặp nhiều tin vui, tài lộc, còn nữ giới thì có thể gặp phải tai ách. Sao Thái Dương là sao tốt nhất trong các sao, mệnh ai chịu ảnh hưởng của sao này, đi làm ăn xa gặp nhiều may mắn, tài lộc hưng vượng, phát đạt. Dâng sao Thái Dương vào ngày 27 âm lịch, bài vị và mũ màu vàng, được viết như sau : “Nhật cung Thái Dương Thiên Tử Tinh Quân”. Thắp 12 ngọn nến, lạy 12 lạy về hướng chính Đông
Sao Thái Âm: Còn gọi là Thái âm tinh (tức mặt trăng), tốt cho cả nam lẫn nữ vào tháng chín nhưng kỵ tháng mười. Cổ nhân cho rằng phụ nữ bị sao này chiếu mệnh thì không nên sinh đẻ vào năm đó. Sao Thái Âm chủ về danh lợi, hỉ sự. Dâng sao Thái Âm vào ngày 26 âm lịch, bài vị và mũ màu vàng, trong đó ghi “Nguyệt cung Thái Âm Hoàng Hậu Tinh Quân”, làm lễ với 7 ngọn nến, lạy 7 lạy về hướng chính Tây.
Sao Mộc Đức: Còn gọi là Mộc tinh, chủ về hôn nhân, nghĩa là người gặp sao này chiếu mệnh có thể lập thành gia thất. Nữ giới đề phòng tật bệnh về máu huyết, nam giới coi chừng bệnh về mắt. Tốt vào tháng mười và tháng chạp âm lịch. Dâng sao Mộc Đức vào ngày 25 âm lịch, bài vị và mũ màu xanh, ghi rằng “Đông Phương Giáp Ất Mộc Đức Tinh Quân”. Làm lễ với 20 ngọn nến, lạy 20 lạy về hướng Đông.
Sao Vân Hán: Còn gọi là Hỏa tinh, chủ về tật ách, xấu vào tháng hai và tháng tám âm lịch. Nam đề phòng gặp tai nạn thương tật, mọi việc kiện tụng đều bất lợi. Nữ không tốt về thai sản. Đặc biệt cần lưu ý đến việc cháy nổ khi gặp sao này chiếu mệnh. Dâng sao Vân Hán vào ngày 29 âm lịch, bài vị và mũ màu đỏ, trên đó ghi “Nam Phương Bính Đinh Hỏa Đức Tinh Quân”. Làm lề với 15 ngọn nến, lạy 15 lạy về hướng chính Đông.
Sao Thổ Tú: Còn gọi là Thổ tinh, chủ về việc người bị chiếu mệnh hay gặp phải kẻ tiểu nhân, xuất hành đi xa không lợi, có kẻ ném đá giấu tay sinh ra thưa kiện, gia đạo không yên, không nên đầu tư làm ăn để tránh thua lỗ. Kỵ vào tháng tư và tháng tám âm lịch. Dân sao Thổ Tú vào ngày 19 âm lịch, bài vị và mũ màu vàng, có ghi “Trung Ương Mậu Kỷ Thổ Đức Tinh Quân”. Làm lễ với 5 ngọn nến và lạy 5 lạy về hướng Tây.
Sao Thái Bạch: Còn gọi là Kim tinh hay Triều dương tinh. Dân gian vẫn có câu “Sao Thái Bạch, sạch cửa nhà”. Thực chất sao này không xấu đến thế. Chỉ cần giữ gìn trong công việc kinh doanh, đề phòng tiểu nhân quấy phá thì có thể sẽ tránh được hao tài tốn của. Kỵ vào tháng năm âm lịch và kỵ màu trắng quanh năm. Tuy thế, sao Thái Bạch lại hợp với những người mang mệnh Thuỷ, mệnh Kim, vì có quý nhân giúp, nên gặp sao này đi làm ăn xa có thể mang về tiền tài của cải. Dâng sao Thái Bạch vào ngày 15 âm lịch, bài vị và mũ màu trắng, trên đó ghi “Tây Phương Canh Tân Thái Bạch Tinh Quân”. Làm lễ với 8 ngọn nến, lạy 8 lạy về hướng chính Tây.
Sao Thủy Diệu: Còn gọi là Thủy tinh hay Phước lộc tinh, tốt nhưng cũng kỵ tháng tư và tháng tám. Sao này chủ về tài lộc và những việc vui mừng. Tuy nhiên, không nên đi sông biển, nữ giới cần giữ gìn lời nói, nếu không sẽ có tranh cãi, lời tiếng thị phi đàm tiếu. Dâng sao Thủy Diệu vào ngày 21 âm lịch, bài vị và mũ màu tím, ghi rằng “Bắc Phương Nhâm Quý Thủy Đức Tinh Quân”. Làm lễ với 7 ngọn nến, lạy 7 lạy về hướng chính Bắc.
Ngày nay, tại các chùa chiền thường làm lễ dâng sao giải hạn vào đầu năm từ mồng 8 đến ngày Rằm tháng Giêng. Tuy nhiên, theo quan điểm Phật giáo, không có ghi chép nào về việc vận mệnh con người bị ảnh hưởng bởi các chòm sao.
Thực chất của “lễ dâng sao” này theo nhiều nhà sư chỉ là lễ cầu an cho chúng sinh vào ngày đầu xuân năm mới. Về mặt tâm linh, người dân tin rằng khi làm lễ cầu an cũng đã là lễ dâng sao giải hạn cho gia đình và bản thân mình. 
Có điều, thời gian gần đây, nhiều người đã biến việc dâng sao tốt đẹp này thành những hoạt động có tính chất mê tín dị đoan. Mỗi lần dâng sao đều tốn kém rất nhiều công sức, tiền của. Thực chất, đó là việc làm đi ngược lại quan niệm tốt đẹp của cổ nhân. Bởi xét cho đến cùng, nếu con người chỉ nghĩ đến những điều tốt đẹp, sống và làm việc theo luật pháp, giữ cho cái tâm trong sáng thì cho dù có gặp sao chiếu mệnh xấu cũng sẽ được hóa giải, biến dữ thành lành. Trong lễ dâng sao từ ngàn xưa, cổ nhân đề cao lễ bạc tâm thành là như thế./.

Đọc thêm