(PLO) - Đầu xuân năm mới, các chùa đều tổ chức lễ dâng sao cho phật tử. Thế nhưng, không ít gia đình đang bị kẻ xấu lợi dụng để hành nghề mê tín dị đoan, thương mại hoá phong tục này…
Đánh đu trên cầu vượt để giải hạn
Trong quan niệm của cổ nhân phương Đông, mỗi con người, mỗi năm đều có một vì sao chiếu mệnh. Trải qua lịch sử phát triển ngàn năm, quan niệm đó cùng với lễ dâng sao, giải hạn đã trở thành một phong tục của người hiện đại. Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Mùi, người dân Hà Nội đổ xô đi cúng lễ giải hạn. Người người, nhà nhà rủ nhau đi dâng sao (nếu gặp sao tốt), giải hạn (nếu gặp hạn xấu).
Nếu đi bất cứ lễ đền hoặc chùa chiền nào vào trước Rằm tháng Giêng, mọi người sẽ thấy nhan nhản những bàn đăng ký “dâng sao, giải hạn” mọc lên khắp nơi ở các khu vực hành lễ. Những cuốn sách tử vi, bản tra cứu sao chiếu mạng, giấy đăng ký, hướng dẫn cách “dâng sao giải hạn” bày la liệt phục vụ các “thượng đế”.
Lễ cúng giải hạn cũng có đủ loại hình thức, thủ tục và... giá cả khác nhau, từ vài trăm nghìn tới vài triệu đồng.
Tại các chùa ở Hà Nội tấp nập người tới đăng ký giải hạn. Vừa nhẩm tính sao năm Ất Mùi cho từng thành viên trong gia đình, chị Bùi Hải Châu (Ba Đình, Hà Nội) thở dài: “Gia đình tôi năm nay có mấy người sao xấu: người sao Kế đô, người sao Thái bạch, La hầu… Tôi phải ra chùa đăng ký giải hạn. Thôi thì có thờ có thiêng, có kiêng có lành”.
Tối mùng 8 Tết Ất Mùi, trên phố Tây Sơn, quận Đống Đa đoạn trước cửa chùa Phúc Khánh, hàng nghìn người tập trung ngồi trên vỉa hè, lòng đường để dự lễ dâng sao giải hạn nhân dịp đầu năm mới.
Quệt mồ hôi ròng ròng trên trán dù tiết trời đang xuân, bà Thủy Hương (60 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) thở dốc: “19 giờ tối khóa lễ mới bắt đầu, nhưng tôi đã đến đây từ 17 giờ chiều. Đến trước 2 tiếng mà tôi vẫn phải ngồi bệt dưới đất ngoài vỉa hè vái vọng vào. Vừa mệt, vừa đói lại bị bệnh huyết áp cao, không chịu được nóng nực và đám đông, nhưng dù thế nào tôi cố phải ngồi đến hết khóa lễ”.
Bà Hương thấy mình vẫn may mắn khi còn có chỗ ngoài vỉa hè. Rất nhiều người dự khóa lễ giải hạn vì đến muộn, đành “đánh đu” trên cầu vượt, chắp tay khấn vái.
“Bao” đền giải hạn giá vài trăm triệu đồng
Không tham gia khoá lễ ở chùa, không ít “con nhang, đệ tử” bỏ hàng chục triệu, hàng trăm triệu đồng để thỉnh thầy về nhà cúng sao giải hạn. Hầu hết họ là dân làm ăn, kinh doanh, số ít là quan chức. Để giải hạn và mong lộc phát, họ sẵn sàng sắm các đồ tế lễ đắt tiền.
|
Minh họa nguồn internet. |
Có ông kinh doanh sắt thép đặt hẳn 300 hình nhân, 300 ngựa giấy, 300 thuyền rồng chưa kể rất nhiều vàng, mã khác. Tính sơ sơ, chỉ riêng chỗ ấy cũng ngốn của ông 200 triệu đồng. Ông còn tìm ngày và “bao” một ngôi đền, thuê một pháp sư ở Hà Giang, đưa cả gia đình, bạn bè, giới làm ăn đến dâng sao giải hạn để thêm phần linh ứng.
Không ít thầy bói, tướng số lợi dụng cơ hội này đã bày ra đủ trò, từ mang “sao sát chủ” ra hù dọa để gia chủ phải nhờ họ cúng sao giải hạn đến cúng sao tốt để tăng phúc. Tất cả đều là những kiểu kinh doanh lừa bịp của những kẻ lợi dụng thế giới tâm linh. Có người còn đặt hàng các thầy cúng giải hạn vào những ngày mùng 8, 15, 18 hàng tháng. Mỗi tháng giải hạn tiêu tốn không dưới 80 triệu đồng (tiền công, vàng mã, hoa quả cúng lễ…).
Họa, phúc đều ở nhân quả của mỗi người
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu - Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng, lễ dâng sao giải hạn không bắt nguồn từ đạo Phật. Đây là tục lệ trong dân gian, do ảnh hưởng từ “Tam giáo đồng nguyên” gồm Nho giáo, Phật giáo, Lão giáo.
Ngày xưa, tục rất đơn giản và người xưa quan niệm cúng lễ là nhằm khơi dậy đức tin để mong cầu hạnh phúc, làm những việc tốt, tránh những “sao xấu”. Giờ đây, khi nền kinh tế thị trường đang bị cạnh tranh khốc liệt, rồi đời sống bất ổn, rủi ro, tai nạn giao thông ngày càng nhiều, bệnh tật tăng đột biến khiến nhiều người cứ nơm nớp lo sợ “vận hạn” của mình khi khởi đầu cho một năm mới. Họ tìm thầy, tìm đến những nơi linh ứng, bám víu vào một “đấng tối cao” trong tưởng tượng để giải quyết hàng trăm mối lo âu và sợ hãi.
Những gia đình giàu có sẵn sàng bỏ hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu để thuê thầy cúng về làm lễ cho gia đình. Kẻ nghèo khó không có điều kiện nhưng quá tin nên sẵn sàng bán cả tài sản trong nhà đi để làm lễ. Đó là hiện tượng thương mại hoá, bệnh thích phô trương, mê tín dị đoan.
Thượng tọa Thích Thanh Duệ, Phó trưởng ban Nghi lễ Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng cho rằng không có ngôi sao nào chiếu vào con người mà nhờ đó được phúc lợi hay mang tai họa. Bởi vì tất cả họa và phúc mà con người có được đều là do nhân quả của chính người ấy làm nên.