Người con trai của Anh hùng Trần Văn Lai là anh Trần Kiến Xương (tức Trần Vũ Bình, hiện là Phó Chánh Văn phòng, Trưởng Đại diện Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao tại TP Hồ Chí Minh) xúc động cho biết, hơn 20 năm qua, anh đã âm thầm tìm kiếm, sưu tầm những kỷ vật của cha, của Biệt động Sài Gòn. Năm 2018, căn hầm “hộp thư bí mật và hầm nổi của Biệt động Sài Gòn” tại số 113A Đặng Dung, phường Tân Định, quận 1, TP Hồ Chí Minh cũng đã được anh Trần Kiến Xương phục dựng, trở thành di tích, được nhiều người tới tham quan, học tập.
Người con trai của Anh hùng Trần Văn Lai xúc động kể lại, ngày xưa, ông Năm Lai sử dụng chỗ này để cất giữ thư từ và đồ dùng bí mật của mình. Nắp hầm ngụy trang bằng một miếng ván lót sàn sát tường trên căn gác. Phần áp mái là khu đựng các đồ nghề của ông thầu khoán Năm Lai, nhưng thực ra lại là căn hầm nổi trú ẩn cực kỳ kín đáo. Hộp thư chìm được thiết kế nằm dưới một cây cột nhà. Khi kéo viên gạch kê cột ra sẽ thấy lòng hầm rất rộng, có thể chứa được tiền vàng, thư từ và cả súng ngắn. Vị trí này chỉ duy nhất chủ nhà biết, kể cả con cháu trong nhà cũng không.
Khi du khách vào tham quan, nếu không được người hướng dẫn thì không một ai có thể phát hiện ra vị trí nắp hầm. Vị trí miệng hầm được đặt gần cầu thang, nắp hầm có chốt vặn ở giữa để nhấc lên, vừa đủ cho một người chui xuống. Hiện tại, kho vũ khí vẫn đang được trưng bày dưới hầm. Cà tang đựng vũ khí và xe gắn máy từng phục vụ cho cuộc tổng tấn công nay cũng được trưng bày tại ngôi nhà.
Theo lời kể của anh Trần Kiến Xương thì “ba tôi chính là người xây dựng cơ sở chứa vũ khí tại nhà số 287/68-70-72 đường Nguyễn Đình Chiểu và 314/3 Võ Văn Tần, quận 3, TP Hồ Chí Minh đánh Dinh Độc Lập 50 năm trước.
Được giao nhiệm vụ xây dựng thành các hầm chứa vũ khí bí mật chiến lược tại nội thành Sài Gòn từ năm 1962 ba tôi đã bán nhiều căn biệt thự lớn của gia đình, nộp tiền vào ngân hàng làm ngân quỹ phục vụ chiến đấu và mua các căn nhà nhỏ để thiết kế xây dựng hầm. Để đảm bảo bí mật, việc chọn mua nhà, tiến hành thiết kế, xây dựng và đào hầm đều được ba tôi thực hiện một cách kín đáo. Thợ chỉ đào sơ sơ, sau đó ba tôi phải tự tay đào tiếp và xử lý tất cả đất đá. Mẹ tôi cũng phụ giúp ba tôi một tay. Nhà có xe ôtô, đất đá đào ra bỏ vào bao, chờ đêm tối kín đáo chuyển bỏ các nơi.
Đêm nào về tới nhà là ba tôi lại đào hầm. Phải mất hơn một năm ròng mới làm xong căn hầm này”. Để đào được căn hầm ở nội thành Sài Gòn lúc bấy giờ không phải là chuyện dễ, việc vận chuyển vũ khí từ chiến khu về nội đô càng không dễ dàng nhưng điều đặc biệt hỗ trợ ông Trần Văn Lai hoàn thành nhiệm vụ, đó là ông đóng vai nhà thầu khoán thường trực trong Dinh Độc Lập nên có những quyền đặc biệt riêng, do vậy ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cấp trên giao. Theo anh Trần Kiến Xương, tính đến trước chiến dịch Mậu Thân năm 1968, ba anh đã trực tiếp lái xe ôtô chở về căn hầm ở số 287/68-70-72 Nguyễn Đình Chiểu gần 3 tấn vũ khí các loại.
Căn hầm bí mật của Biệt động Sài Gòn huyền thoại là địa chỉ đỏ đón các đoàn khách trong nước và quốc tế miễn phí. Người con trai Anh hùng Trần Văn Lai chia sẻ mong muốn của anh là có thể phục dựng hết những địa chỉ gắn liền với thời kỳ hoạt động cách mạng của ba mình, của lực lượng Biệt động Sài Gòn thành các di tích lịch sử, để những ký ức về một thời hào hùng của quá khứ sẽ mãi mãi được các thế hệ sau này biết đến, không bao giờ quên.