Người làm “sống lại” câu chuyện về Biệt động Sài Gòn huyền thoại

(PLO) - Cuộc đời của ông Năm Lai, tức Trần Văn Lai (Mai Hồng Quế, Năm U.Som) người chiến sỹ Biệt động Sài Gòn, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân phần nào đã được công chúng biết đến qua bộ phim Biệt động Sài Gòn với nguyên mẫu là nhân vật Hoàng Sơn, chủ Hãng sơn Đông Á. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước, đặc biệt là cuộc tổng tấn công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968, ông Năm Lai có vai trò rất lớn trong lực lượng Biệt động Sài Gòn. 
Di tích hộp thư bí mật và hầm nổi 113A Đặng Dung đã hoàn thành mở cửa tham quan và các nhân chứng Đỗ Thị Hạnh (Hai Mão), Đỗ Văn Thông....
Di tích hộp thư bí mật và hầm nổi 113A Đặng Dung đã hoàn thành mở cửa tham quan và các nhân chứng Đỗ Thị Hạnh (Hai Mão), Đỗ Văn Thông....

Nguyên mẫu là nhân vật Hoàng Sơn phim “Biệt động Sài Gòn”

Ông Trần Văn Lai là người đã thiết lập nhiều đường dây vận chuyển vũ khí, khí tài, vẽ họa đồ Dinh Độc Lập và cung cấp bản đồ đường cống ngầm của Sài Gòn cho lực lượng cách mạng tham gia Chiến dịch Mậu Thân 1968. Đồng thời, trực tiếp cùng với các chiến sỹ Đội 5 Biệt động Sài Gòn đánh vào một trong những mục tiêu quan trọng nhất của cuộc tổng tấn công đó là Dinh Độc Lập, đầu não của chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ.

Người con trai của Anh hùng Trần Văn Lai, là anh Trần Kiến Xương (tức Trần Vũ Bình, hiện là Phó Chánh Văn phòng, Trưởng Đại diện Văn phòng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tại TP Hồ Chí Minh) xúc động kể lại: “Ba tôi chính là người xây dựng cơ sở chứa vũ khí tại nhà số 287/68-70-72 đường Nguyễn Đình Chiểu và 314/3 Võ Văn Tần, Quận 3, TP Hồ Chí Minh đánh Dinh Độc Lập 50 năm trước. Sau này ba tôi kể việc xây dựng các căn hầm bí mật được đồng chí Thiếu tướng Tư lệnh Quân khu Sài Gòn-Gia Định Trần Hải Phụng, đồng chí Tham mưu trưởng Biệt động Đại tá Trần Minh Sơn (Bảy Sơn) và đồng chí Thủ trưởng Đơn vị Biệt động 159 Ngô Thành Vân (tức Ba Đen) giao nhiệm vụ xây dựng thành các hầm chứa vũ khí bí mật chiến lược tại nội thành Sài Gòn từ năm 1962... Ba tôi đã bán nhiều căn biệt thự lớn của gia đình, nộp tiền vào ngân hàng làm ngân quỹ phục vụ chiến đấu và mua các căn nhà nhỏ để thiết kế xây dựng hầm. 

Theo anh Trần Kiến Xương, tính đến trước chiến dịch Mậu Thân năm 1968, ba anh đã trực tiếp lái xe ôtô chở về căn hầm ở số 287/68-70-72 Nguyễn Đình Chiểu gần 3 tấn vũ khí các loại. Ông Năm Lai quyết định chọn mua nhà và làm hầm vũ khí tại khu vực này vì đây là khu vực đông dân cư lao động, mọi người chỉ lo làm ăn ít để ý đến xung quanh.  Vào Tết Mậu Thân năm 1968 cũng chính tại căn hầm này, Đội 5 Biệt động Sài Gòn đã về tập kết, lấy vũ khí và xuất phát trên 3 xe ôtô, trong đó có 2 xe của ông Trần Văn Lai tấn công vào Dinh Độc Lập. Để đào được căn hầm ở nội thành Sài Gòn lúc bấy giờ không phải là chuyện dễ, việc vận chuyển vũ khí từ chiến khu về nội đô càng không dễ dàng nhưng điều đặc biệt hỗ trợ ông Trần Văn Lai hoàn thành nhiệm vụ, đó là vì ông đóng vai nhà thầu khoán thường trực trong Dinh Độc Lập nên có những quyền đặc biệt riêng, do vậy ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cấp trên giao. 

Con trai Biệt động Sài Gòn miệt mài tìm kiếm các kỷ vật trân quý

 Biệt động Sài Gòn là một lực lượng vũ trang rất đặc biệt không chỉ trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc ta mà còn đặc biệt so với các lực lượng vũ trang khác từng được biết đến trên toàn thế giới. Do tính chất hoạt động bí mật, âm thầm, đôi khi có cả những câu chuyện về quá trình hoạt động của bản thân mà họ tâm niệm là “sống để bụng, chết mang theo” nên để hiểu rõ, hiểu đúng về lực lượng Biệt động Sài Gòn là điều không phải dễ dàng, việc tìm kiếm kỷ vật, những dấu ấn của Biệt động Sài Gòn do vậy càng khó hơn bội phần. Ấy vậy mà đã nửa thế kỷ trôi qua kể từ cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, anh Trần Kiến Xương vẫn âm thầm tìm kiếm, sưu tầm những kỷ vật, phục dựng những di tích của cha nói riêng và lực lượng Biệt động Sài Gòn nói chung để những địa điểm, hiện vật này trở thành những di tích lịch sử, những ngọn đèn soi đường giúp cho các bạn trẻ hiểu hơn về lịch sử dân tộc.

Trong quá trình hoạt động cách mạng, ông Trần Văn Lai và các chiến sĩ Biệt động phải liên tục thay đổi các xe ôtô sau mỗi chuyến xe chở vũ khí, tài liệu và cán bộ ra vào hoạt động nội thành nhằm tránh việc bị lộ.  Do đó khi đi tìm lại, anh Trần Kiến Xương đã phải vất vả lặn lội đi xuống các địa phương, các tỉnh thành ăn dầm nằm dề, lần tìm những người đang sở hữu những ngôi nhà, những chiếc xe ô tô của cha ngày xưa để xin mua lại. 

Thế nhưng, người con trai của chiến sỹ biệt động Sài Gòn anh hùng ấy vẫn kiên trì tới nhiều lần nữa và xin phép trình bày nguồn gốc lịch sử của chiếc xe và tìm hiểu nguyện vọng của gia đình. Sau khi họ hiểu ra anh là người có tâm huyết và hiểu được ý nghĩa lịch sử của món đồ đó đã đổi từ ghét sang yêu quý . Họ đã bán cho anh với giá rẻ hơn giá xe cổ trên thị trường, có người còn tặng không lại anh. Cũng có người trở thành anh em như trong nhà, xung phong hỗ trợ anh Xương đi tìm kỷ vật cách mạng của cha, của biệt động Sài Gòn. Bằng cách mưa dầm thấm lâu, được mọi người giúp đỡ, anh đã mua lại vài chục chiếc xe cổ của cha để tặng lại các bảo tàng. Những con người đó, anh Xương mang ơn họ suốt đời.

Có những khi để mua được căn nhà từng làm chứa hầm vũ khí, cơ sở cách mạng, anh Xương phải kiên trì thương lượng, có nơi, nếu anh không xử lý kịp thì chút xíu nữa là bị san bằng rồi. Anh rất mừng sau nhiều năm cố gắng đã thương lượng mua lại được nơi làm ra các đồ nội thất trong Dinh Độc Lập để làm lại cho mọi người đến tham quan nơi sản xuất ra đồ nội thất của Dinh Độc Lập... Ngoài nơi này, trong thời kỳ hoạt động cách mạng, ông Trần Văn Lai còn dùng rất nhiều hầm giấu cán bộ, hầm vũ khí, hầm làm hộp thư bí mật, chuyển giao thư từ, tài liệu, đô la, thuốc tây… cho cách mạng. Mới đây, căn hầm “hộp thư bí mật và hầm nổi của Biệt động Sài Gòn” tại số 113A Đặng Dung, phường Tân Định, quận 1, TP HCM cũng đã được anh Xương phục dựng, trở thành di tích, được nhiều người tới tham quan, học tập.  Riêng việc mua lại căn nhà tại số 113A Đặng Dung này, anh Xương phải mất 10 năm.

Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Trần Văn Lai đứng trước căn biệt thự số 6 và số 8 đường Tự Đức, quận Phú Nhuận mà ông từng bán để góp tiền cho cách mạng.
Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Trần Văn Lai đứng trước căn biệt thự số 6 và số 8 đường Tự Đức, quận Phú Nhuận mà ông từng bán để góp tiền cho cách mạng.

Sẵn sàng hiến tặng cho các bảo tàng để lịch sử sống mãi

Mua được những hiện vật này thực sự là quá gian nan, tuy nhiên gia đình anh Trần Kiến Xương luôn sẵn sàng hiến tặng cho các bảo tàng để giá trị lịch sử của nó có thể được biết đến nhiều hơn, sâu rộng hơn. Được biết, trong năm 2017 gia đình đã tặng 1 chiếc xe ô tô cho Bảo tàng Thái Bình là chiếc xe Volkswagen của ông Lai đã sử dụng để đưa đón cán bộ, vận chuyển vũ khí trong thời chiến; trước đó cũng đã tặng 1 chiếc xe khác còn đặc biệt hơn cho Bảo tàng Đặc công Hà Nội đó là chiếc ô tô EC-6045 mà ông Trần Văn Lai cùng các cô, chú trong Đội 5 Biệt động Sài Gòn đã trực tiếp sử dụng để di chuyển, đánh vào Dinh Độc Lập trong tết Mậu Thân 1968 và nhiều hiện vật có giá trị khác.

Hiện người con biệt động Sài Gòn này còn bắt tay trùng tu nhà và hầm của Tư lệnh Sài Gòn-Gia Định Trần Hải Phụng và các đồng chí trong Bộ Chỉ huy Quân khu Sài Gòn - Gia Định, Đội biệt động 159, A20, A30, J8-J9/T700 và Anh hùng Trần Văn Lai mỗi khi có lệnh thì lái xe ôtô ra báo cáo, giao tài liệu, tiền, vàng, thuốc tây và nhận chỉ thị của Bộ Chỉ huy... tại ấp Tháp, xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi.

Vừa qua, anh Kiến Xương đã lái chiếc xe ôtô Citroen NCE-345 mà 50 năm trước chính ba anh đã lái chở vũ khí và các đồng đội trong Đội 5 Biệt động Sài  Gòn đánh vào Dinh Độc Lập về trưng bày cho khách tham quan tại nhà và hầm số 287/72 Nguyễn Đình Chiểu, Phường 5, Quận 3. Anh đã phục dựng lại sa bàn trận đánh vào Dinh Độc lập của Đội 5 Biệt động Sài Gòn và con đường vận chuyển vũ khí từ căn cứ Củ Chi vào nội thành Sài Gòn để phục vụ khách đến tham quan tại nhà hầm 287/72 nhân dịp kỷ niệm 50 năm cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân năm 1968 và 43 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30.4.

Với sự quyết tâm cùng tâm niệm “Mình có điều kiện thì phải làm, còn sống thì còn tìm lại, xây dựng lại những gì cha, chú mình đã vì nó mà đổ bao xương máu, không thể vì chiến tranh kết thúc mà mình quên đi tất cả lịch sử ” của anh Trần Kiến Xương, tin chắc rằng hành trình tìm lại kỷ vật và hiến tặng cho các bảo tàng cũng như phục dựng các di tích của gia đình anh chắc chắn sẽ còn tiếp tục và phát triển hơn nữa. 

Đọc thêm