Đánh đổi cả đời con gái để được minh oan

(PLO) - Chuyện minh oan cho người vô tội bị khép án đã là chuyện phổ biến có nhưng trường hợp, phải dùng cả cuộc đời con gái  của mình mới được minh oan.

Họ bị oan từ khi còn rất trẻ, sau hành trình giải oan kéo dài 16 năm thì đã là những phụ nữ trung niên, người chị đã xuống tóc đi tu sau khi oan khiên xảy đến, ông bố đã mất cách đây 6 năm. Cái cách mà người ta khép tội cũng khá phổ biến là “chống người thi hành công vụ” trong khi hai chị em này chỉ bảo vệ đất đai hợp pháp của gia đình mình bởi đất này không nằm trong quy hoạch mà cứ cưỡng chế.

Cách “trốn” trách nhiệm của cơ quan tố tụng địa phương: Sau khi bị Tòa sơ thẩm tuyên án, chị tù treo, em tù giam, đến phiên phúc thẩm thì hủy án, đề nghị điều tra lại do chứng cứ buộc tội không thuyết phục. Chờ thời gian trôi, cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ vụ án với lý do “hành vi không còn gây nguy hiểm cho xã hội” nữa. Không chịu tiếng oan và 10 tháng bị tạm giam, cô em tiếp tục khiếu nại, cô chị phẫn chí bỏ đi tu, mới đây, Tòa án nhân dân Tối cao ra quyết định giám đốc thẩm thừa nhận họ vô tội và cơ quan đã gây oan sai phải đứng ra xin lỗi.

Một vụ án nhỏ, xảy ra ở một địa bàn xa xôi nhưng đủ các tình tiết để dựng lại một quy trình buộc tội và giải oan không còn là cá biệt, kể cả những trò “lách luật” để phủi trách nhiệm. Mặt khác, cũng phản ánh cách quản lý xã hội trong lĩnh vực đất đai bất chấp pháp luật và đạo lý của một bộ phận cán bộ chính quyền địa phương.

“Mượn gió, bẻ măng”, cán bộ một số địa phương “ăn theo” quy hoạch. Liều lĩnh và bất chấp pháp luật và đạo lý để trắng trợn thu hồi, cưỡng chế đất của dân nằm ngoài quy hoạch. Người dân bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình thì dùng đến sức mạnh chính quyền và bàn tay pháp luật để xử lý họ. Chiếm đất, bỏ tù con người ta, phá hủy cả tuổi thanh xuân tươi đẹp của họ, khi thấy không thể buộc tội cho họ thì trốn tránh trách nhiệm theo kiểu “gia ân”: Đình chỉ vụ án vì hành vi không gây nguy hiểm cho xã hội chứ nhất quyết không tự nhận là mình sai, vẫn cho là người ta có tội!

Giải oan cho một con người không bao giờ là muộn nhưng nếu cứ theo một “quy trình” như vụ án đã dẫn ra trên đây thì những người bị oan phải trả giá đắt quá nhiều, phải đánh đổi cả tuổi thanh xuân, sức khỏe, tiền bạc và thậm chí cả cuộc đời mình cho việc được giải oan. Dân gian có câu: “Chờ được vạ thì má đã sưng” quả là rất đúng cho những trường hợp này!