Đánh đu thân già trên những ngọn dừa kiếm từng cắc bạc nuôi con trai khờ khạo

(PLO) - Việc leo dừa hái trái để mưu sinh không phải là chuyện lạ ở miền Tây. Nhưng đối với một người phụ nữ đã 60 tuổi chọn cái nghề “ăn cơm dưới đất, làm việc trên trời này” thì không phải đâu cũng có.
 Bà Để đang leo lên một cây dừa
Bà Để đang leo lên một cây dừa

60 tuổi, 40 năm leo dừa mướn

Bao năm nay, người dân phường 4, TP Vị Thanh, Hậu Giang đã quá quen với hình ảnh 1 người phụ nữ dáng người nhỏ nhắn, lưng hơi khom, quần xoắn ống thấp ống cao, lầm lũi đi từng nhà hỏi leo dừa mướn, kiếm tiền nuôi con. Đó là bà Mai Thị Để, 60 tuổi, nhưng đã có hơn 40 năm kiếm sống bằng nghề leo dừa mướn. Cái nghề mà dân gian ví von là nghề “ăn cơm dưới đất, làm việc trên trời”.

7 giờ sáng phóng viên có mặt tại nhà bà Để để theo bà đi hái dừa. Vừa bước vào nhà chưa kịp chào bà đã cất giọng: “Đến rồi đó hả. Thôi tranh thủ đi để người ta chờ kỳ lắm”. Nói rồi bà Để vác đồ nghề đi, ra tới cổng không quên dặn cậu con trai đóng cửa cẩn thận.

Ra khỏi nhà, một người hàng xóm của bà Để cất tiếng hỏi thăm: “Bữa nay cô Để rửa dừa ở đâu? Hôm qua nghe nói cô mệt, hết chưa mà nay đi làm nữa rồi?”. “Nghỉ một bữa thôi, nghỉ hoài lấy cơm đâu mà ăn” - bà Để cười buồn đáp.

Rửa dừa là từ dùng để chỉ công việc của bà Để, nó bao gồm hái dừa, dọn bẹ, tỉa lá. Theo chân bà Để đi dọc theo các tuyến đường khu vực 1, đâu đâu cũng trồng dừa. 

Chính nhờ những vườn dừa mà người phụ nữ này có công việc để làm hàng ngày. Bà Để dừng lại ở một ngôi nhà ven sông có hai cây dừa. Người chủ nhà ra chào rồi trao đổi công việc với bà. Nhìn hai cây dừa cao vút trĩu trái, chúng tôi không khỏi lo lắng cho bà. Như hiểu ý, bà cười ẩn ý rồi bắt đầu công việc. 

Bà Để lấy trong túi ra một đoạn dây nài (dây dù) dài khoảng 30 mét và một con dao yếm. Nhìn đoạn dây đã mòn và bạc màu, đủ biết nó đã được sử dụng rất nhiều. Xỏ chân vào dây nài, con dao cũng được cột vào dây. Với các động tác nhanh gọn, chỉ trong chớp mắt bà Để là tót lên đến đọt dừa. Ngồi vắt vẻo trên ngọn dừa, bà Để lấy dây cột vào buồng dừa, rút dao chặt buồng rồi thong thả đưa xuống đất.

Vừa bắt lấy buồng dừa ông Huỳnh Văn Đủ, một trong những mối hái dừa lâu năm của bà Để nói: “Ở xứ này bả được mệnh danh là nữ tướng trèo dừa đó. Tôi cùng lứa với bả mà giờ tôi thua rồi, ngay cả mấy đứa con tôi nó còn không dám leo”. 

“Bả khổ lắm, trèo dừa mướn từ nhỏ, nay 60 rồi mà còn phải trèo dừa mướn kiếm tiền nuôi chồng con. Hoàn cảnh bả thấy thương nên tôi và bà con ở đây ai muốn hái dừa, hái cao hay mé nhánh dọn cây gì đó là kêu bả làm. Kêu giờ nào bả cũng trèo hết”.

Ông Đủ vừa bắt được buồng dừa thì cũng là lúc bà Để xuống tới đất. Bà leo xuống nhanh cũng như lên, thoăn thoắt như chú sóc nhỏ. Không cần nghỉ ngơi bà Để lại nhanh chóng thót người lên cây khác.

Cây dừa lần này cao hơn, khoảng 15 mét nhưng không làm khó được người phụ nữ dáng người nhỏ bé này. Từ trên ngọn dừa, bà Để tay cầm một bẹ dừa xanh chắc, một tay cầm dao chặt bẹ dừa khô và tỉa bớt lá dừa xanh. Dù ở dưới thấp nhưng vẫn có thể thấy rõ mồ hôi tuôn đầy trên gương mặt già nua của người phụ nữ khốn khó.

Hình ảnh bà Để ngồi vắt vẻo trên ngọn dừa khiến cho những người theo dõi không khỏi chạnh lòng, xót xa. Cuộc sống còn quá nhiều phận đời vất vả. Vì mưu sinh con người buộc phải đánh đu số phận của mình trên những ngọn dừa. 

Tất cả là vì con

Rửa cây dừa xong, bà Để leo xuống đất. Trên mặt bà, mồ hôi rịn ra ướt đẫm, vết trầy xước khắp người. Đối với bà, trèo dừa trầy xước tay chân là chuyện bình thường, có những lúc bà còn bị ong đốt, kiến cắn sưng mình.

Thù lao cho việc bà Để rửa 2 cây dừa vỏn vẹn chỉ… 40 ngàn đồng. Bà Để nói: “Nhiêu tiền đây tôi mua gạo ăn được 2 ngày rồi đó, còn đồ ăn thì bó rau là qua bữa”. 

Ngồi dưới gốc dừa xanh mát, bà Để kể về cuộc đời và cái duyên đưa bà đến với cái nghề vốn không dành cho phụ nữ này.

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này, cha mất sớm, chỉ có 2 mẹ con bà nương tựa nhau sống. Cuộc sống chật vật nghèo khó, mặc dù là con gái nhưng 17 tuổi bà bắt đầu hái dừa mướn kiếm tiền. 

“Thấy tôi leo dừa ai cũng chê cười nói con gái con lứa cũng bày đặt leo cây. Tôi cũng tự ái. Nhưng nhà nghèo quá chỉ có 2 mẹ con, chỉ có hái dừa là nhanh và có tiền liền để mua gạo nên tôi bỏ ngoài tai những lời đùa cợt, châm chọc”, bà Để tâm sự.

Thời gian cứ tuồn tuột trôi qua. Đến nay, bà Để đã có hơn 40 năm kinh nghiệm leo dừa. Bà không nhớ được mình đã leo được bao nhiêu cây dừa nữa. Chỉ biết, công việc vất vả, kén người này đã giúp bà nuôi sống gia đình mình. 

Bà có 2 người con một người con gái đã đi lấy chồng, nhưng hoàn cảnh cũng khó khăn không giúp được gì cho mẹ. Còn người con trai năm nay đã ngấp nghé 30 tuổi nhưng lại bị khờ khạo bẩm sinh. Suốt ngày, anh chỉ quanh quẩn ở nhà phụ mẹ nấu cơm hoặc đi theo mẹ nhặt dừa. 

Chồng cũng đã lớn tuổi, không việc làm ổn định, nên mọi gánh nặng đều đè lên vai người phụ nữ bé nhỏ này. Ở cái tuổi đáng lẽ ra được hưởng phước của con cháu thì ngược lại bà Để vẫn phải ngày ngày bám víu trên ngọn cây kiếm sống.

Hàng ngày từ 7 giờ sáng đến 4 giờ chiều bà xách đồ nghề đi len lỏi khắp các ngõ ngách xem ai kêu hái dừa thì hái. “Lúc khỏe thì trèo được 10 cây. Đủ tiền mua gạo và mớ rau để mẹ con sống qua ngày. Thấy con có được cái ăn là tôi hạnh phúc lắm rồi. Tôi chỉ sợ sắp tới không còn sức trèo nữa thì con tôi sẽ ra sao đây, tội nghiệp nó”, bà Để nhìn xa vời nói.

Bà Để chia tay chúng tôi để kịp ra chợ đong gạo về nấu cơm trưa cho con trai. Nhìn dáng người của người phụ nữ liêu xiêu nhỏ dần, trong đầu chúng tôi hiện lên câu hỏi, khi hết leo dừa nổi nữa, bà Để lấy gì để sống, để nuôi con?

Ông Trần Văn Dự, Trưởng KV 1, phường 4, TP Vị Thanh, Hậu Giang cho biết: “Hoàn cảnh của bà Để rất khó khăn, thuộc diện nghèo trên địa bàn. Bà Để đã lớn tuổi nhưng hằng ngày vẫn đi trèo dưa kiếm tiền nuôi đứa con bị khờ. Bà chỉ hưởng được chế độ bảo hiểm cho người nghèo chứ không có trợ cấp gì. Địa phương cũng quan tâm giúp đỡ nhưng chỉ được một phần, mạnh thường quân có ủng hộ thì chúng tôi luôn ưu tiên cho hộ bà Để”.

Đọc thêm