Giỏi đánh trận mạc, tài chuyện doanh điền
Danh thần Thoại Ngọc Hầu, tên thật là Nguyễn Văn Thoại, ban đầu ông còn có tên là Nguyễn Văn Thụy (về sau do kỵ húy nên đọc trại thành Thoại). Ông sinh ra tại làng An Hải, tổng An Lưu Hạ, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng).
Truyền rằng, khi đương tuổi thiếu niên, Thoại có lần cùng bạn đánh một tên quan địa phương nổi tiếng hách dịch. Cha Thoại vốn mất sớm, người mẹ biết con mình đã làm chuyện tày đình, lập tức đưa con rời quê nhà vào phương Nam. Mấy mẹ con Thoại phiêu bạt đến tận đất Cù lao Dài bên sông Cổ Chiên (huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) rồi định cư tại đây.
Năm Đinh Dậu (1777), khi mới 16 tuổi, Thoại đến xin đầu quân chúa Nguyễn tại Ba Giồng (Định Tường). Đến năm 1778, ông có mặt trong trận chiến đấu chiếm lại thành Gia Định. Năm 1782, quân Tây Sơn đánh bại quân chúa Nguyễn ở cửa Cần Giờ, ông phò chúa Nguyễn Ánh chạy về Ba Giồng. Từ năm 1784 đến năm 1785, ông đã theo chúa Nguyễn sang Xiêm La hai lần để cầu viện.
Trong giai đoạn 1787 - 1789, vì có công trong việc thu lại thành Gia Định nên ông được phong chức Cai cơ. Năm 1791, ông được cử là Trấn thủ hải khẩu Tắc Khái (tức cửa Lấp thuộc Bà Rịa). Đến năm 1792, ông lại sang Xiêm La, trên đường về đã đánh tan bọn cướp biển Bồ Đà (Giavanays, người Java). Liên tục các năm sau đó ông sang Xiêm La theo nhiệm vụ chúa Nguyễn giao phó.
|
Năm 1800, Nguyễn Văn Thoại được phong Khâm sai Thượng đạo Bình Tây tướng quân, phối hợp đánh quân Tây Sơn ở Nghệ An. Năm 1802, chúa Nguyễn thống nhất đất nước, ông được phong Khâm sai Thống binh cai cơ, nhận nhiệm vụ ra thu phục Bắc Thành rồi được giữ chức Trấn thủ ở đây. Ít lâu sau ông nhận lệnh Trấn thủ Lạng Sơn rồi vào Nam nhậm chức Trấn thủ Định Tường (1808).
Năm 1812, ông sang Chân Lạp đón vua Nặc Chân về Gia Định. Năm 1813, ông hộ tống Nặc Chân về nước và ở lại nhận nhiệm vụ bảo hộ Chân Lạp. Năm 1817 nhậm chức trấn thủ trấn Vĩnh Thanh, tức đất An Giang ngày nay. Ở đây, ông cho khẩn hoang lập ấp, đào kênh đắp đường mà cho đến tận ngày nay nhiều công trình vẫn còn giá trị lớn về các mặt trị thủy, giao thông, thương mại, biên phòng.
Năm 1823, ông cho lập 5 làng trên bờ kênh Vĩnh Tế là Vĩnh Nguơn, Vĩnh Tế, Vĩnh Điều, Vĩnh Gia và Vĩnh Thông. Liên quan đến việc mộ dân lập làng của ông, sử nhà Nguyễn trong “Đại Nam thực lục” có chép: “Án thủ Châu Đốc là Thống chế Nguyễn Văn Thụy trước mộ dân dời đến ở đất biên thùy, đặt ra 20 xã thôn, vay của công 1.900 quan tiền và 1.500 phương gạo cho dân, đã hoãn nhiều năm, dân vẫn chưa trả được. Đến nay Thụy đem của nhà trả bù cho dân”.
Ông còn cho đắp nhiều con đường giao thông nối liền các thôn làng, như con lộ Châu Đốc - Núi Sam, giúp dân thuận tiện đi lại, phát triển kinh tế. Các công trình lúc bấy giờ có ý nghĩa to lớn, là cơ sở để người Việt đặt chủ quyền lâu dài trên vùng đất mới này. Ngoài ra, Thoại Ngọc Hầu còn nhiều công lao khác như tham gia đánh dẹp cuộc nổi dậy của Sãi Kế, lập đội quân Châu Đốc để phòng giữ Châu Đốc, lập đội quân An Hải để phòng giữ Hà Tiên…
Năm 1828 ông cho dựng bia Vĩnh Tế Sơn, với bài văn khắc 730 chữ, nội dung tế cô hồn những dân, binh chết do đào kênh. Ghi chép những gian nan, cực khổ khi khai phá vùng đất mới và việc đào kênh Vĩnh Tế, đồng thời ghi nhớ ơn vua đã lấy tên phu nhân Châu Thị Tế để đặt tên mới cho núi Sam là Vĩnh Tế Sơn. Theo thời gian, bia Vĩnh Tế Sơn bị bào mòn, hư hại nhưng văn bia thì sử sách còn lưu.
|
Đình thần Thoại Ngọc Hầu ở thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. |
Bởi có công lớn với vương triều, ông được phong tước Thoại Ngọc Hầu. Cha ông được vua Minh Mạng ban tước hiệu Vệ úy, mẹ được ban mỹ hiệu Thục Nhân. Ông còn có công trong việc bảo hộ Chân Lạp, nên ông còn được gọi là Bảo hộ Thoại, như câu ca người dân An Giang tri ân công đức của ông: “Nhớ ông Bảo Hộ ngày xưa. Dựng làng, mở cõi nắng mưa dãi dầu”.
Ông mất năm Kỷ Sửu (1829), được an táng tại chân núi Sam, nay thuộc phường Núi Sam (TP Châu Đốc, An Giang). Ngày nay, khu đền thờ lăng mộ ông vẫn còn bên triền núi, được nhân dân địa phương kính cẩn gọi là Lăng Ông hay Sơn Lăng. Ngoài được thờ nhiều nơi ở An Giang, Thoại Ngọc Hầu còn được thờ ở Nhà thờ Tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu nơi quê nhà ông (phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng).
Oan án trăm năm
Thoại Ngọc Hầu là 1 trong những vị khai quốc công thần triều Nguyễn, một đời vì lợi ích quốc gia và dân tộc. Thế nhưng không ngờ sau khi mất, vị công thần đáng kính lại trở thành tội đồ dưới thời vua Minh Mạng. Phải đến gần trăm năm sau, đến thời vua Khải Định, án oan của Thoại Ngọc Hầu mới được gột sạch.
Sử gia nhà Nguyễn viết rằng: “Sau khi Thụy chết, rồi Hình tào là Vũ Du trích phát ra nhiều khoản về sinh việc nhiễu dân. Sai giao xuống bộ Hình bản xử. Khi bản án dâng lên, xuống chiếu truy giáng 5 phẩm hàm, thu lại chức tập ấm của con, lại tịch thu cả gia sản truy đổi lại dân Phiên đã cấp cho trước. Du rồi sau vì dò xét không đúng sự thực phải cách chức, phát ra Cam Lộ để hiệu lực”.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hầu trong “Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang” cho rằng, sau khi tên Du tố cáo, vua Minh Mạng cho điều tra. Thoại Ngọc Hầu dù đã mất vẫn bị giáng xuống hàng ngũ phẩm, gia sản bị tịch thu để đem chia cho dân Miên, đất của ông ở huyện Vĩnh Bình, phủ Định Viễn bị phát mãi. Người con ông là Lâm thì bị cách chức.
Thế nhưng kết quả điều tra cho thấy Thoại Ngọc Hầu đã bị vu oan. Tên Du kia dù bị xử đi đày nhưng nỗi oan của ông vẫn chưa được hóa giải, danh phẩm chưa được phục hồi. Con cháu ông phải sống cuộc đời thường dân trong nỗi uất ức, đắng cay. Vợ chồng người con gái nuôi của ông vì căm hờn triều đình mà tham gia loạn quân, khiến vua Minh Mạng càng ác cảm đối với ông.
|
Kênh Vĩnh Tế đoạn chảy qua TP Châu Đốc (An Giang). |
Phải đến năm 1880, dưới thời Tự Đức, Thoại Ngọc Hầu được vua Tự Đức cho đưa vào đền Trung Nghĩa, nơi thờ những người có công với vương triều. Đến năm 1924, danh dự của Thoại Ngọc Hầu mới được phục hồi. Ông được phong thần, danh hiệu là Đoan Tức Dực Bảo Trung Hưng Tôn thần. Năm 1943, vua Bảo Đại lại sắc phong cho ông là Quang Ý Dực Bảo Trung Hưng Trung Đẳng thần.
Trái lại với triều đình, người dân vùng sông Hậu đã coi Thoại Ngọc Hầu là vị phúc thần ngay từ thời ông còn sống và cả những năm sau đó. Họ lập đền thờ phụng ông suốt hàng trăm năm qua và đến ngày nay vẫn sùng bái ông như một vị thần. Hàng năm, vào ngày mùng 10,11,12 tháng 3 (âm lịch), dòng người từ khắp nơi về núi Sập để tham dự lễ hội Kỳ yên đình Thoại Ngọc Hầu (thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn).
Đình Thoại Ngọc Hầu với bia đá Thoại Sơn ngày nay được xem là một trong những công trình kiến trúc cổ thu hút du lịch của An Giang. Di tích đã được liên hiệp các Hội Unesco Việt Nam tặng bảng vàng, bình chọn thuộc “Top 100” điểm đến ấn tượng Việt Nam. Còn khu lăng mộ ông ở chân núi Sam (TP Châu Đốc) được xem là công trình kiến trúc cổ tiêu biểu dưới thời phong kiến và được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1997.