Cuốn sách được những người làm báo Pháp luật Việt Nam xem như một nén tâm hương dâng lên cõi Phât, dâng lên tổ tiên, các vị thánh nhân tiền bối, cũng là món quà tinh thần tri ân bạn đọc đã thủy chung, tin yêu, đồng hành cùng Báo trong suốt 35 năm qua. Xin trân trọng giới thiệu bài viết của Thượng tọa, Tiến sĩ Thích Đức Thiện - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam về cuốn sách này.
Thượng tọa, Tiến sĩ Thích Đức Thiện viết: Cuốn sách Đạo và Đời của Báo Pháp luật Việt Nam là tập hợp những bài viết của các tác giả, nhà báo viết về đạo Phật và những ngôi chùa Việt trong đăng trên Báo Pháp luật Việt Nam. Đây thực sự là một công trình có ý nghĩa nhân kỷ niệm 35 năm Ngày Báo phát hành số đầu tiên. Cuốn sách vừa cung cấp một cái nhìn khái quát về lịch sử Phật giáo Việt Nam trong dòng chảy lịch sử văn hóa dân tộc, vừa đề cao những giá trị, vai trò ảnh hưởng của Phật giáo trong đời sống xã hội, đồng thời khơi dậy và lan tỏa những giá trị nhân văn, đạo đức truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam.
Cuốn sách "Đạo và Đời"cho đọc giả thấy rõ Phật giáo là tôn giáo có lịch sử lâu đời tại Việt Nam với hơn 2000 năm lịch sử du nhập trực tiếp từ Ấn Độ. Phật giáo đã trở thành tôn giáo của dân tộc và là thành tố quan trọng trong văn hóa dân tộc Việt Nam. Phật giáo đã có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống chính trị, văn hóa, xã hội Việt Nam và đã để lại một hệ thống di sản đồ sộ cả trên phương diện vật thể và phi vật thể.
Bài viết của Thượng tọa, Tiến sĩ Thích Đức Thiện về cuốn sách "Đạo & Đời" được trang trọng giới thiệu ở Phần mở đầu cuốn sách. |
Những ngôi chùa cổ kính, các tác phẩm điêu khắc tượng Phật, các công trình tháp, chuông đã trở thành bảo vật quốc gia, biểu tượng văn hóa thiêng liêng, là linh hồn, cốt cách của văn hóa dân tộc như chùa Trấn Quốc, Bút Tháp, Vĩnh Nghiêm, Tháp Phổ Minh, Thiên Mụ… vừa là các di tích lịch sử vừa là niềm tự hào của văn hóa Việt.
Qua những bài viết trong cuốn sách “Đạo và Đời” đã cho chúng ta hiểu hơn về lịch sử Phật giáo Việt Nam gắn liền và đồng hành cùng lịch sử dân tộc. Những tư tưởng Phật giáo không chỉ ảnh hưởng sâu sắc tới đạo đức xã hội, mà còn có những giai đoạn lịch sử rất dài đã từng là tư tưởng chủ đạo của xã hội Việt Nam.
Thời nào cũng có những nhà sư đại trí, đại tài đứng ra giúp dân, giúp nước, đó là các vị Quốc sư nổi tiếng trong lịch sử vàng son của dân tộc Việt Nam: Quốc sư Khuông Việt Ngô Chân Lưu, Quốc sư Đỗ Pháp Thuận, Vạn Hạnh Thiền sư, Mãn Giác Thiền sư, Không Lộ Thiền sư…., đặc biệt là vai trò sáng lập Thiền phái Trúc Lâm của Phật hoàng Trần Nhân Tông cùng các vị Tổ Pháp Loa và Tổ Huyền Quang là Tam Tổ Trúc Lâm.
Những giá trị tinh hoa hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo và các hệ thống triết lý chính là những bài học về đạo đức, về con đường sống Chân - Thiện - Mỹ vẫn đang có những đóng góp cho việc duy trì một nền đạo đức xã hội, khơi dậy truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, tương thân tương ái trong cộng đồng đáp ứng nhu cầu cấp bách hiện nay trong giáo dục đạo đức xã hội, gìn giữ các giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống dân tộc, đáp ứng chiến lược xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện trong mục tiêu phát triển đất nước.
Ngày nay, với phương châm "Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội", Phật giáo vẫn tiếp tục góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu.
Nhân dịp báo Pháp luật Việt Nam Kỷ niệm 35 năm Ngày phát hành số báo đầu tiên, xin chúc Quý Báo ngày càng phát triển, an khang, chúc mỗi ngày đều là một ngày xuân an lạc.