Đạo lý uống nước nhớ nguồn và tục lễ tết của người Việt

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nếu không có việc thờ cúng Tổ Tiên, thì ngày tết của chúng ta cũng trở thành dịp nghỉ ngơi đi du lịch đó đây với lịch lên sẵn là các địa danh và các món ăn...
Mâm cỗ Tết (ảnh minh họa).
Mâm cỗ Tết (ảnh minh họa).

Tết của người Việt thiêng liêng là bởi yếu tố nguồn cội tâm linh của tổ tiên hòa quyện với giá trị sum vầy đoàn tụ gia đình.

Nếu tết đến - chúng ta cứ hình dung, chúng ta không cần về quê thăm mộ vào những ngày cuối năm để dâng lễ tổ tiên và người thân của chúng ta đang yên nghỉ. Chúng ta không cần thiết phải về quê cha đất tổ nhà thờ họ tộc nội ngoại thăm viếng dâng lễ trước tết? Chúng ta không cần thiết phải làm bánh chưng bánh dày và sửa soạn trên ban thờ gia tiên, sắm các lễ vật dâng cúng tổ tiên, lau chùi đèn đồng đĩa mứt.v.v?

Chúng ta không cần thiết phải sắm một cành đào hay cành mai để đón xuân làm đẹp không gian gia đình trong không gian có ông bà tổ tiên về cùng ăn tết? Chúng ta không cần cúng lễ giao thừa và hương tỏa đèn rạng trên ban thờ mâm cúng giữa trời khi phút giây chuyển giao của đất trời linh thiêng?

Và, trên tất cả, giây phút đó ta chỉ vui đùa nâng ly thỏa thích chúc tụng giữa tiếng rượu chè hoan ca mà không cần lắng lòng trong sáng trong hương thơm trầm quyện tỏa giao hòa nghĩ về điều linh thiêng, những ước vọng kiếp sống, những hoài bão bao đời cha ông giống nòi gửi gắm...nghĩ về người thương ta vừa từ giã, nhiều và nhiều những tập quán lâu đời tốt đẹp làm nên bản sắc văn hóa Việt; thử hỏi, khi đó cái tết của Tộc người Việt sẽ thế nào???

Người Việt từ ngàn xưa đã có cái thấy: "Con cháu đang sinh sống không tồn tại biệt lập ngoài tổ tiên, giống nòi, thiên nhiên và đồng loại". Vì vậy, tôn trọng giá trị nhân sinh dân tộc có: Tiếng gọi - hai chữ “Đồng Bào” chuyên chở nhận thức về cuộc sống, là tương tồn, tất cả là anh em cần đùm bọc, bảo vệ lẫn nhau để cùng tồn tại trên một đất nước.

Đại tự “Ẩm Hà Tư Nguyên” nơi gian thờ Tổ tiên, nhắc nhở con cháu nhớ về nguồn cội.Đại tự “Ẩm Hà Tư Nguyên” nơi gian thờ Tổ tiên, nhắc nhở con cháu nhớ về nguồn cội.

Câu nói - "đất có Thổ Công sông có Hà Bá" là cái nhìn chứa đựng sự hiểu biết về chủ quyền quyết định tương sinh nằm ở Trái Đất và nguồn nước mà con người cần phải tôn trọng đúng mức nếu muốn tồn tại.

Thái độ của con người khi tôn trọng sự sống, cụ thể là tôn trọng sinh môi và con người đã được tổ tiên chúng ta gọi trong một từ: Lễ.

Lễ là thái độ sống ứng xử, từ nhận thức chân thành và tôn trọng đặt trên nền tảng của lòng biết ơn. Lễ Tết là một từ đầy đủ nhất để nói lên văn hóa tộc Việt về ngày Tết. Chúng ta đón TẾT bằng LỄ.

Nhà, như tôi đã nói, trong quan niệm người Việt không chỉ là nơi có con cháu là người đang sống ở, mà còn là nơi Tổ Tiên - người đã khuất ngự (ở ). Nên, ngày xuân đến, trồng một cụm hoa, làm một món bánh, sắp một đĩa quả, cắm một cành đào hay thắp một nén hương, tất cả là giao thoa quyện chặt giữa hai cõi âm dương, hiện tại với quá khứ.

Tết có tục xong đất, nghĩa là mừng rỡ khi có có người khách đầu tiên trong năm đến thăm nhà. Tục hiếu khách, trọng thị của người Việt là từ đó. Tục hái lộc đầu xuân, cho ta biết nâng niu quý trọng ân huệ của thiên nhiên đất trời ban tặng mà tìm cách gìn giữ. Tục đi lễ chùa trẩy hội, tục thăm hỏi mừng tuổi....Tết có tục khai bút, xin chữ và tục đưa tiễn ông táo, dựng cây nêu trước ngõ...

Bao nhiêu tục lệ là bấy nhiêu nét đẹp văn hóa của đời sống dân tộc và thiên nhiên phô diễn hết trong dịp tết về xoay quanh cái cốt tủy của Lễ hướng về nguồn cội nâng cao giá trị sum họp đầm ấm giao hòa của một đất nước nặng tình nghĩa, trọng hiếu nghĩa.

Nếu có văn minh, một nền văn minh thực sự Việt, thì đó là nền văn minh được xây dựng trên "Lễ", và Lễ Tết, điều kiện tốt cho thời gian và không gian biểu hiện cao nhất, đầy đủ nhất, đẹp nhất của nền văn minh đó. Đạo lý "uống nước nhớ nguồn", từ đó khơi dòng.

Đôi điều về Tết Táo Quân

Lễ cúng tạ này thực hiện vào tháng Chạp, gọi là lễ cúng tạ ông Công ông Táo. Cách gọi hay nhất của dân gian là “Tết ông Công ông Táo”. Thờ và cúng ông Táo thì có “Táo Quân Chân Kinh 竈 王 真 經”. Thờ và cúng ông Công thì có “Thổ Địa Chân Kinh 土 地 真 經”. Từ các bản kinh này chúng ta có được thông tin về ngày sinh và ngày hóa (về trời) của Táo Quân.

Quan niệm phải cúng trước 12h trưa ngày 23 là sai. Kinh Táo Quân có đề cập đến việc là vào giờ Tý, tức 12h khuya của ngày 23 ông Táo về chầu Ngọc Hoàng, nên giờ 12h đúng ra là 12h khuya của giờ Tý đêm 23.

Chúng tôi xin trích lục ra đây đoạn quan trọng nhất từ bản “Táo Vương Chân Kinh”: “Bát nguyệt sơ tam nhật bảo đản kiền tâm bái chúc. Thập nhị nguyệt, nhị thập tứ nhật, Tý thần, thượng tấu Thiên Tào. Nhị thập tam nhật kiền khiết trai nghi kỉnh tống. Chí tam thập nhật hồi. Vụ nghi thành kính nghinh tiếp” – (八 月 初 三 日 寶 誕 虔 心 拜 祝.十 二 月 二 十 四 日 子 辰,上 奏 天 曹. 二 十 三 日 虔 潔 齋 宜 敬 送.至 三 十 日 回.務 宜 誠 敬 迎 接). Nghĩa: “Ngày mùng 3 tháng 8 là ngày Đản sinh của Ngài phải thành tâm bái chúc. Tháng 12 , ngày 23, giờ Tý, Ngài thượng tấu lên Thiên Tào. Nên ngày 23 phải thiết lễ thanh khiết kính tiễn Ngài. Đến ngày 30 là Ngài trở về, phải chu đáo thành tâm mà nghinh đón Ngài”.

Nhưng khảo cứu nhiều văn bản và cả dân gian nhiều vùng thì chúng tôi biết là có thể cúng từ 20 đến 25 là được. Tất nhiên, khớp với cổ xưa hơn cả là cúng lễ tạ từ sáng ngày 23 cho đến giờ Tý (12h khuya) cùng ngày. Nhưng ta cũng có thể lễ bắt đầu từ ngày 20 đến ngày 25 tháng Chạp.

Đối tượng để ta thiết lễ cúng tạ, như đã dẫn ở trên là Táo Quân. Ngoài Táo Quân còn có cúng tạ Thổ Công. Nhân đó ta còn lễ tạ Gia tiên. Có nhà cúng tạ Gia tiên vào ngày 30 khi đón Tào hồi gia. Nếu cúng Gia tiên riêng, ngày 23 ta chỉ cúng tiễn Táo Quân và tạ Thổ Công.

Có “tiễn” phải có “đón”. Như lễ Giao thừa gọi là “Lễ Tống cựu nghinh tân”. Tiếc thay lâu nay phần đa mọi người đã không làm đúng. Nghĩa là có cúng “tiễn Táo Quân” mà không “đón Táo Quân”. “Táo Quân Chân Kinh” cho chúng ta biết là phải dâng hương hoa trà nước thanh bạch, đúng ngày 30 tháng Chạp thì nhớ cẩn thận khấn thỉnh đón Ngài về như trên đã trích dịch.

Lễ tạ này mang ý nghĩa tri ân chư vị Bổn xứ Thổ địa, ngũ vị linh thần, chư tôn thần, gia đường hương hỏa, tiền chủ hậu chủ đã hộ trì cho mình. Để chuẩn bị vào lễ, quý vị có thể sửa soạn bao sái ban thờ cũng như dọn lòng mình cho thanh tịnh trước khi khởi sự bước vào năm mới.

Người xưa nói, “vô tín bất thành lễ”. Trời đất có sự giao thoa. Người và thiên nhiên, giữa vô vàn các nguồn năng lượng lành trong vũ trụ với nhau tương tác, tùy thuộc tương tác của ta mà sinh ra thuận nghịch, được mất. Lễ, không cần mâm cao cỗ đầy. Lễ, chú trọng ở tín tâm và lòng thành kính. Thường lễ phẩm có: hương, hoa, đăng, trà, quả, thực. Tùy theo điều kiện gia chủ mà sửa soạn bày trí sao cho trang nghiêm, thanh tịnh.

Đọc thêm