Cuộc tranh luận kéo dài nghìn năm về hai vị Thánh tăng Dương Không Lộ - Nguyễn Minh Không

(PLVN) - Gần một nghìn năm qua, trong màn sương lịch sử, câu chuyện về hai vị thánh tăng Không Lộ - Minh Không “tuy hai mà một, tuy một mà hai” vẫn tiếp tục gây ra nhiều tranh cãi bí ẩn. Dù  Dương Không Lộ - Nguyễn Minh Không là hai hay một người cụ thể thì vai trò của các Ngài trong đời sống văn hóa tâm linh của nhân dân, của dân tộc vẫn luôn đậm nét, như một minh chứng đặc sắc cho văn hóa Phật giáo, cho sự hiển linh màu nhiệm của Phật pháp giữa cuộc đời. 
Tượng thờ Thiền sư Nguyễn Minh Không tại chùa Bái Đính
Tượng thờ Thiền sư Nguyễn Minh Không tại chùa Bái Đính

Bài viết này sẽ không đi sâu vào sự kiến giải xem sự truyền tụng về đức độ, phép thuật phi phàm cũng như việc dân gian quan niệm đồng nhất Dương Không Lộ - Nguyễn Minh Không là đúng hay sai? Cũng không cắt nghĩa hai Ngài là hai người hay là một. 

Chỉ biết rằng, tính danh và sự nghiệp, trí huệ và niềm tin, sự thật và thêu dệt về hai vị cao tăng thời Lý góp phần làm cho văn hoá Phật giáo Đại Việt thêm lung linh vi diệu những sắc màu. 

Về Quốc sư, Đức Thánh tổ Dương Không Lộ

Theo sử sách, Dương Không Lộ (楊空路, 1016-1094), tên thật là Dương Minh Nghiêm, pháp hiệu là Thông Huyền chân nhân, hay Vân Du Tường, quê ở xã Hải Thanh, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định.

Ông xuất thân làm nghề chài lưới, nhưng giỏi văn chương và mộ đạo Phật. Không Lộ là một Thiền sư triều Lý, vì có công trạng chữa bệnh cho vua Lý Thánh Tông nên được phong làm Quốc sư. Ngài đã từng tu ở các chùa: Nghiêm Quang (chùa Keo), Hà Trạch, Chúc Thánh. 

Tượng Thiền sư Dương Không Lộ
 Tượng Thiền sư Dương Không Lộ 

Dương Không Lộ cũng được coi là vị tổ nghề đúc đồng. Không Lộ vừa được coi là thiền sư thuộc dòng thiền Vô Ngôn Thông vừa được cho là thuộc thiền phái Thảo Đường.

Tuy nhiên, theo sách "Tân biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược" (Phòng Địa chí - Thư viện tỉnh Nam Định chế bản) tại trang 146, trong mục chùa Keo thì: Không Lộ tên chính là Nguyễn Chí Thành người xã Điềm Xá, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình cùng Nguyễn Viết Y người xã Loa Điền Hải Thanh kết bạn với nhau, Chí Thành đạo hiệu là Không Lộ, Viên Y đạo hiệu là Giác Hải, sau gặp sư Từ Đạo Hạnh người Yên Lãng cùng sang Tây Trúc học đạo đều thành. 

Về nội dung này của sách, tiểu sử, tính danh và sự nghiệp của Dương Không Lộ có nhiều nét đồng nhất với Thiền sư Nguyễn Minh Không. 

Chùa Keo (Thái Bình) là nơi lưu giữ, thờ tự xá lợi của Thiền sư Không Lộ
 Chùa Keo (Thái Bình) là nơi lưu giữ, thờ tự xá lợi của Thiền sư Không Lộ 

Không chỉ là một vị Quốc sư, Thánh tăng phi phàm, Dương Không Lộ còn là một nhà thơ nổi tiếng thời Lý. Bằng bút pháp tài hoa, phóng khoáng hiếm thấy, thơ của Ngài thể hiện tình yêu cuộc sống, yêu đất nước, gắn bó với thiên nhiên, tạo vật và con người – điều này vô cùng hiếm có và đặc biệt bởi một vị chân tu. Thơ của Ngài trải qua hàng nghìn năm vẫn được lưu truyền, vẫn gây được xúc cảm và tình cảm đặc biệt cho người đọc.

Gác chuông chùa Keo - Thái Bình
 Gác chuông chùa Keo - Thái Bình 

Trong truyền thuyết dân gian, hình tượng Dương Không Lộ thường được hình dung là ông Khổng Lồ có thể đi trên mặt nước, bay trên không trung, có tài đúc chuông, lấy nón làm thuyền, lấy gậy tích trượng làm mái chèo, chở hết cả kho đồng xứ Bắc về nước Nam…

Căn cứ vào truyền thuyết dân gian, một số nhà nghiên cứu cho rằng Dương Không Lộ là một mô típ độc đáo trong nền văn hoá của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước ở Đồng bằng Bắc bộ nói chung và vùng Keo nói riêng. Dương Không Lộ là một nhân vật được xây dựng từ những mảnh vụn huyền thoại, được lịch sử hoá để trở thành một ông Không Lộ - có yếu tố của một anh hùng văn hoá.

Quốc sư, Đức Thánh tổ Nguyễn Minh Không

Theo sử sách chép lại, Thiền sư Nguyễn Minh Không (1066-1141) tên thật là Nguyễn Chí Thành, người làng Điền Xá, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. 

Thiền sư Minh Không thuộc thế hệ thứ mười ba của dòng Pháp Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Từ nhỏ Minh Không đã bộc lộ tài trí hơn người, bản tính ham học hỏi, thường đi du lãm khắp nơi. Một ngày đến chùa Thiên Phúc, Ngài được Thiền sư Từ Đạo Hạnh yêu mến, thu nhận đi theo. 

Qua 17 năm trời khổ cực, ngài được Thiền sư Từ Đạo Hạnh ban tâm ấn, cho tên là Minh Không. Khi vua Lý Thần Tông mắc bệnh “hóa hổ”, các lương y trong thiên hạ đều bất lực, vô phương cứu chữa. Ngài bằng pháp thuật cao cường đã chữa khỏi bệnh cho vua nên được phong làm Quốc sư. Thân thế và sự nghiệp của Ngài được cả chính sử lẫn dã sử đề cập, trong đó đáng chú ý có một số yếu tố nhuốm màu huyền thoại.

Đền Đức Thánh Nguyễn - thờ Thiền sư Nguyễn Minh Không tại quê hương ông Gia Viễn (tỉnh Ninh Bình)
 Đền Đức Thánh Nguyễn - thờ Thiền sư Nguyễn Minh Không tại quê hương ông Gia Viễn (tỉnh Ninh Bình) 

Thiền sư Nguyễn Minh Không cũng được dân gian suy tôn là Tổ nghề đúc đồng. Dân gian lưu truyền rằng Ngài là người có công đúc nên “Tứ đại khí” nổi danh thời Lý gồm Tháp báo Thiên, chuông Quy Điền, tượng Phật Quỳnh Lâm, vạc Phổ Minh. 

Nhiều làng nghề đúc đồng nổi tiếng như làng Chè, Rỵ (Thanh Hóa), làng Tống Xá (Nam Định), Lò Đúc, Ngũ Xã (Hà Nội)... đều thờ Thiền sư Nguyễn Minh Không làm Tổ nghề. 

Chùa Quỳnh Lâm (Đông Triều, Quảng Ninh) có pho tượng Di Lặc khổng lồ - một trong "An Nam tứ đại khí", cũng là một trong các chùa thờ Đức Thánh tổ Minh Không
 Chùa Quỳnh Lâm (Đông Triều, Quảng Ninh) có pho tượng Di Lặc khổng lồ - một trong "An Nam tứ đại khí", cũng là một trong các chùa thờ Đức Thánh tổ Minh Không

Đặc biệt, theo Văn bia tại chùa Cổ Lễ (ngôi chùa được công nhận Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt, có địa chỉ tại huyện Trực Ninh, Nam Định mà Xa lộ Pháp luật đã phản ánh ở bài báo trước) - ngôi chùa nổi tiếng mà Ngài Nguyễn Minh Không xây dựng, đúc chuông có ghi: “Thuở thiếu thời, ngài Nguyễn Minh Không làm nghề chài lưới của cha ông, năm 29 tuổi xuất gia đầu Phật. Ngài đã “Văn - Tư - Tu đốn Tức Minh Tâm kiến tính quán càn khôn”, và ngài còn là nhà Y sư nổi tiếng, đã cứu chữa cho vua Lý Thần Tông khỏi bệnh nan y và được nhà vua phong làm “Lý Triều Quốc sư”.

Ngài cùng Thiền Sư Giác Hải và Thiền Sư Từ Đạo Hạnh kết nghĩa anh em sang Tây vực (Bắc Ấn Độ), tầm học phép “Tam vô lậu” đắc “Giới - Định - Tuệ viên dung nhập Thánh siêu phàm du nhật nguyệt”. Ba vị Thiền sư sau khi đắc lục trí thần thông trở về nước, Đức Thánh tổ Từ Đạo Hạnh trụ trì chùa Sài Sơn, Đức Thánh tổ Nguyễn Minh Không trụ trì chùa Thần Quang, Đức Giác Hải Thiền sư trụ trì chùa Diên Phúc. Từ đó 3 vị Thiền sư trở thành “Nam Thiên tam vị Thánh Tổ”.

Với nội dung Văn bia này, về thân thế, sự nghiệp của Ngài Nguyễn Minh Không có nhiều điểm trùng khớp với Ngài Dương Không Lộ.

Vi diệu hai vị Thánh Tổ “tuy hai mà một, tuy một mà hai” 

Như vậy, có thể thấy, căn cứ theo tài liệu sử sách về thân thế, sự nghiệp của hai vị Thánh tăng Không Lộ - Minh Không thì hai vị là hai người khác biệt, có tiểu sử rõ ràng. 

Cả hai Ngài đều là Quốc sư đời Lý nhưng theo lịch sử thì Dương Không Lộ là Quốc sư đời vua Lý Thánh Tông (1054-1072) và Nguyễn Minh Không là quốc sư đời vua Lý Thần Tông (1128-1138).

Có thể nói, Ngài Nguyễn Minh Không thuộc thế hệ sau Ngài Dương Không Lộ. Không Lộ ở thế hệ cùng với Giác Hải và Từ Đạo Hạnh. Còn Minh Không ở thế thệ sau và là học trò của Từ Đạo Hạnh. 

Cả hai vị, ngoài tài năng đức độ phi phàm của bậc Thiền sư thì còn là thần y, đều đã từng chữa khỏi bệnh cho hai vua Lý Nhân Tông và Lý Thần Tông. Hai Ngài đều được Vua phong là Quốc sư, được tín ngưỡng dân gian phong thần, gọi Đức Thánh tổ. 

Tuy nhiên, có lẽ vô cùng cảm kính đức độ, tài năng của các Ngài, truyền thuyết trong dân gian về Thiền sư Nguyễn Minh Không đôi khi có sự đồng nhất với Thiền sư Dương Không Lộ. Chẳng hạn Văn bia chùa Cổ Lễ như đã nói ở phần trên. Tương tự, Không Lộ thiền sư ký ngữ lục lưu giữ tại chùa Keo (Thái Bình) thuật lại tiểu sử Dương Không Lộ, chỉ khác tên họ, quê quán, còn lại sự tích hoàn toàn trùng khớp với Nguyễn Minh Không.

Không chỉ trong tâm thức dân gian, đôi khi các tài liệu chính sử cũng có những kiến giải gần như đồng nhất hai vị Thánh tăng. Chẳng hạn, trong cuốn Đại Việt sử ký toàn thư hoàn toàn không có nhân vật Dương Không Lộ, chỉ thấy 3 đoạn ghi chép về đại sư Minh Không.

Chính bởi vậy, trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi sẽ không đi sâu vào sự kiến giải xem trong tâm thức dân gian cũng như một số tài liệu sử quan niệm đồng nhất Dương Không Lộ - Nguyễn Minh Không là đúng hay sai? Cũng không cắt nghĩa các Ngài là hai người hay là một. 

Chỉ biết rằng, tính danh và sự nghiệp, trí huệ và niềm tin, sự thật và thêu dệt về hai vị cao tăng thời Lý khiến cho văn hoá Phật giáo Đại Việt thêm lung linh vi diệu những sắc màu...

(Mời đón đọc loạt bài: Những cổ tự lưu giữ "An Nam tứ đại khí")

Đọc thêm