Những học thuyết kinh điển trong giáo lý nhà Phật- Kỳ 1: Học thuyết vô thường

(PLVN) - Đạo Phật không phải là một hệ thống triết học nhưng khi tìm hiểu, nghiên cứu, chúng ta vẫn có thể tìm thấy những quan điểm, học thuyết mang tính triết học kinh điển trong giáo lý nhà Phật.
Những học thuyết kinh điển trong giáo lý nhà Phật- Kỳ 1: Học thuyết vô thường

Chúng ta có thể tìm thấy nhiều quan điểm triết học trong giáo lý nhà Phật. Nhưng tựu chung lại, quan trọng nhất có thể kể đến 5 học thuyết mang tính phổ quát gồm: Học thuyết vô thường, Học thuyết vô ngã, Học thuyết nhân quả - nghiệp báo, Học thuyết duyên khởi và Học thuyết tánh không.

Vô thường là đặc tính phổ quát của tất cả các sự vật, hiện tượng thuộc các pháp hữu vi. Nói một cách giản dị và thông dụng vạn vật hay các pháp luôn luôn trong trạng thái biến đổi không ngừng. Đây được xem là quan điểm không có gì tranh cãi nữa.

Theo Đức Phật, không có một pháp nào thường hằng, bất biến mà luôn luôn chịu sự chi phối của quá trình thành, tựu, hoại, diệt. Bản chất sự vật gồm 4 giai đoạn: sinh, trụ, dị, diệt. Đây là bốn đặc tính hợp thành các sự vật, vạn vật trải qua sự biến cải và lệ thuộc vào sự lập lại chính nó trong sự xoay vòng không có điểm dừng lại.

Theo học thuyết nhà Phật, bốn đặc tính này gọi là tứ tướng. Trong triết học Phật giáo: Sinh là sự tồn tại của mọi sự vật chuyển đến một trạng thái từ hiện tại đến tương lai; Trụ: cũng tồn tại, cái mà tạo nên tất cả sự vật trong thực tế hoặc là trạng thái nhận biết ngay khi một vật xuất hiện từ tương lai trở về hiện tại do ảnh hưởng của sinh; Dị là cái gì mà con người kéo dài sự sống trở nên nhợt nhạt của tuổi già, đang có mặt sự hoại diệt; Diệt là yếu tố cuối cùng đưa đến sự hoại diệt, cái mà phá hoại tất cả sự vật chuyên chở nó đến quá khứ.

Thế gian này vạn vật biến đổi trong từng sát-na
Thế gian này vạn vật biến đổi trong từng sát-na 

Đây là lý do được giải thích tại sao trong thế giới hiện tượng, không có vật gì có thể thay đổi trong cùng một trạng thái do hai vật chuyển động liên tục tiếp nối nhau. Vạn vật đang thay đổi liên tục do hoạt động của bốn đặc tính này.

Tảng đá- một tĩnh vật vô tri nhưng ở đó có một quá trình hình thành, tồn tại, chuyển biến và hư hao, hoại diệt. Dù cực kỳ khó phân tích, cắt nghĩa rạch ròi nhưng phải thừa nhận tảng đá của năm trước khác với năm nay; ngay cả tảng đá của giờ khắc này cũng đã khác bản thân nó của ngày hôm trước. Bởi vì không có một sự vật, hiện tượng hay một pháp nào bất biến trước thời gian mà nó thay đổi, chuyển biến trong từng ngày từng giờ, theo cách nói của đạo Phật là chuyển biến trong từng sát-na. Một bóng câu, một tăm cá hay gió thổi, mây bay đều có sự vận động, thay đổi trong từng khoảnh khắc thời gian.

Cùng quan điểm này, một triết gia Hy Lạp cổ đại từng phát biểu: “Không ai có thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông”. Đó là bản chất tồn tại của sự vật, hiện tượng hay các pháp trên thế gian này. Giáo lý nhà Phật có: “Ngũ uẩn là vô thường. Sắc vô thường. Thọ, tưởng, hành, thức cũng vô thường. Vì vô thường nên chúng có khả năng đưa tới khổ đau.” Hiểu được ngũ uẩn vô thường theo quan niệm đạo Phật sẽ giúp con người vượt qua khổ lụy, an nhiên tự tại. 

Trong truyền thống Phật giáo, vô thường được chia thành nhiều loại khác nhau, tùy theo tính chất, mục đích phân loại. Có khi vô thường được chia thành thân vô thường, tâm vô thường, hoàn cảnh vô thường. Có khi vô thường được chia thành niệm niệm vô thường, tương tục vô thường. Cũng có khi vô thường được chia thành nhất kỳ vô thường, sát-na vô thường. Còn nhiều cách chia khác, với nội dung tương tự nhau.

Trong kinh điển của Phật giáo Nguyên thủy, khi nói về vô thường, đức Phật thường nhấn mạnh ở cả hai phương diện thân và tâm. Nói cách khác, theo đức Phật ngũ uẩn là vô thường. Sắc vô thường. Thọ, tưởng, hành, thức cũng vô thường. Vì vô thường nên chúng có khả năng đưa tới khổ đau. Đó là một trong những điểm giáo lý quan trọng của đạo Phật.

Ở đây, có một điểm cần chú ý, vô thường trong Phật giáo không chỉ là lý thuyết mà quan trọng hơn là một pháp hành, pháp quán chiếu. Do đó, trong cái nhìn của người Phật tử tu học, không nên tìm hiểu vô thường để thỏa mãn tri thức, dù cách thỏa mãn này cũng mang tới nhiều lợi ích. Vô thường phải được quán chiếu một cách sâu sắc để chúng ta không còn bị lệ thuộc, chấp mắc quá nhiều về các đối tượng thuộc tâm thức hay ngoại cảnh bên ngoài. Nếu không được quán chiếu sâu sắc thì vô thường chỉ là tri thức thuần túy, là ý niệm của chúng ta về nó, do đó không có khả năng đưa ta tới một đời sống an lạc, hạnh phúc thực sự. Và đó cũng không phải là mục tiêu của đạo Phật hướng tới.

(Đón đọc kỳ tới: Học thuyết vô ngã)

Đọc thêm