Một trong những thành công đậm nét của Chương trình đó chính là sự phát triển có tính đột phá của giáo dục đào tạo tại địa phương, từ đó góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực sở tại.
Năm học 2023-2024, trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở Quỳ Châu tiếp tục được cấp trên quan tâm, tạo mọi điều kiện bố trí thực hiện một số hạng mục đầu tư cơ sở vật chất để hỗ trợ cho công tác dạy và học tại đây.
Thầy giáo Trần Ánh Sáng, Phó Hiệu trưởng nhà trường phấn khởi, cho biết: Hiệu quả mang lại từ chương trình là hết sức thiết thực. Từ việc tăng cường một số cơ sở vật, chất trang thiết bị… giúp cho cán bộ, giáo viên thuận lợi trong công tác quản lý, giảng dạy từ hồ sơ đến quá trình học tập của học sinh. Giáo viên được tiếp cận được nguồn tài liệu phong phú hơn; học sinh có thêm nhiều học liệu đa dạng, tiếp cận với phương tiện máy móc hiện đại… Nhờ đó, góp phần nâng cao chất lượng đại trà, là mũi nhọn của nhà trường qua các năm học.
|
Học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Quỳ Châu được tiếp cận với máy vi tính ở Trường PTDT nội trú THCS Quỳ Châu, nơi có cơ sở vật chất được đầu tư trang bị đồng bộ. |
Được biết, trong năm học này, 412 học sinh của trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở Quỳ Châu tiếp tục được quan tâm đầu tư nhiều phương tiện, vật dụng hỗ trợ công tác học tập. Theo đó, các phương tiện thiết yếu như: Máy tính, tivi, máy chiếu, tài liệu sách giáo khoa, phần mềm quản lý giáo dục, hệ thống máy lọc nước, thiết bị âm thanh đa đăng cho phòng học ngoại ngữ… được hỗ trợ mua mới.
Đặc biệt, chương trình còn hỗ trợ 1 hệ thống phục vụ phòng học trực tuyến cho nhà trường. Điều này tạo điều kiện rất thuận lợi cho công tác giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay - thầy Sáng vui vẻ nói.
Báo cáo từ UBND huyện Quỳ Châu, tính riêng năm 2023, tổng số vốn được đầu tư thực hiện tiểu dự án: Đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT), trường Phổ thông có học sinh bán trú (trường phổ thông có HSBT) và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số là hơn 15 tỷ đồng.
|
Thầy và trò Trường PTDT nội trú Trung học cơ sở Quỳ Châu tại một tiết học. |
Ngay sau khi có nguồn bố trí, huyện Quỳ Châu đã tập trung hỗ trợ cung cấp, nâng cấp, sửa chữa trang thiết bị dạy học cho các trường Phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở Quỳ Châu, Phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở Châu Phong, Trung học cơ sở Châu Bình. Đồng thời, hỗ trợ cơ sở vật chất và bồi dưỡng chuyên môn về công tác thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động giáo dục phục vụ việc giảng dạy và học tập trực tuyến cho học sinh.
Ghi nhận về hiệu quả của các nội dung trong dự án, bà Nguyễn Thị Châu – Trưởng phòng GD & ĐT huyện Quỳ Châu khẳng định: Lãnh đạo địa phương, ngành giáo dục cũng như phụ huynh nhận thấy rõ được hiệu quả, ý nghĩa quan trọng của Chương trình. Một phần đáp ứng dần điều kiện về cơ sở vật chất theo yêu cầu thời điểm hiện tại đang triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Đối với học sinh khi có các chế độ chính sách phù hợp góp phần đảm bảo việc học sinh đồng bào không bỏ học, đi kèm các chính sách hỗ trợ tạo điều kiện cho các cháu hoạt động tốt hơn. Các hoạt động tại nhà trường đến kỹ năng sống của các cháu ngày một tốt hơn từ hiệu quả việc đầu từ cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường tạo nên một môi trường giáo dục hiện đại.
Chất lượng giáo dục đại trà của huyện tăng đều hàng năm; chất lượng mũi nhọn luôn giữ vững, phát triển trong tốp đầu nhóm bảng B thành quả đó có sự đóng góp không nhỏ cho việc đào tạo nguồn nhân lực của con em đồng bào người dân tộc thiểu số trong tương lai - bà Châu khẳng định.