Dấu ấn trầm tích lịch sử của nhà nước Vạn Xuân trên “Xá lợi tháp minh“

(PLVN) - Xuất hiện từ thời Tùy Văn Đế, Xá lợi tháp minh được công nhận là văn bia cổ nhất tại Việt Nam. Theo các nhà nghiên cứu, nhờ có Xá lợi tháp minh đã giúp cho quá trình nghiên cứu về tình hình chính trị, quan hệ ngoại giao, lịch sử Phật giáo tại Việt Nam giai đoạn thời Tiền Lý trở nên sáng tỏ hơn.
Xá lợi tháp minh là văn bia cổ nhất Việt Nam
Xá lợi tháp minh là văn bia cổ nhất Việt Nam

Theo hai cuốn sách “Tập thần châu Tam bảo Cảm thông lục” và “Quảng hoằng minh tập” của Trung Quốc, Nhân Thọ xá lợi tháp được xây dựng trong ba lần với qui mô và thời điểm như sau: Lần thứ nhất vào năm Nhân Thọ 1 (601), tổ chức trên phạm vi 30 châu. Vua Tùy xuống chiếu vào ngày 13 tháng 6, hạ thổ xá lợi vào ngày 15 tháng 10. Lần thứ hai vào năm Nhân Thọ 2 (602), trên phạm vi 50 (có tài liệu cho là 53) châu.

Vua Tùy xuống chiếu vào ngày 23 tháng Giêng, hạ thổ xá lợi vào ngày 8 tháng 4. Lần thứ ba vào năm Nhân Thọ 4 (604), trên phạm vi hơn 30 châu. Vua Tùy xuống chiếu vào tháng Giêng, hạ thổ xá lợi vào ngày 8 tháng 4.

Sử sách Trung Quốc ghi lại về nguồn gốc xá lợi được Tùy Văn Đế phân phát cho các địa phương cũng nhuốm màu huyền bí. Chuyện rằng, khi Tùy Văn Đế còn chưa lên ngôi, có một vị sa môn Bà La Môn đến nhà, đưa ra một bọc xá lợi và nói rằng: “Đàn việt (thí chủ) có lòng tốt, nên lưu lại (bọc xá lợi này) để cúng dường”, sau đó không biết đi đâu mất. 

Sau Tùy Văn Đế và một vị sư có pháp danh Đàm Thiên lấy chỗ xá lợi đó ra đếm thì thấy lúc nhiều lúc ít. Sư Đàm Thiên giải thích rằng theo lời vị sa môn kia, chỗ xá lợi đó là “pháp thân” của nhà Phật nên không thể đo đếm được theo cách thông thường. Tùy Văn Đế bèn làm một chiếc hòm thất bảo để cất giữ những xá lợi đó. Câu chuyện mang nhiều màu sắc tâm linh nói trên ít nhiều đã được nhào nặn dưới bàn tay của giới tăng lữ Phật giáo, nhưng nếu gạn bỏ đi những phần mang tính nhuận sắc, chúng ta thấy rằng các xá lợi được Tùy Văn Đế đưa về các địa phương dưới danh nghĩa là “pháp thân”- xá lợi của Phật, không phải là xá lợi của một vị danh tăng, danh ni nào đó.

“Quảng hoằng minh tập” cũng ghi danh sách 30 châu được phân phát xá lợi và tổ chức xây dựng tháp. Tương ứng với chiếu thư của vua Tùy, có thể thấy danh sách này được chia làm 2 nhóm. Bên cạnh 17 châu được ghi rõ tên chùa thì có 13 châu chỉ ghi tên châu mà không ghi tên chùa, trong số đó có Giao châu. Như vậy, đối với Giao Châu, vua Tùy không chỉ định địa điểm cụ thể, mà để cho Giao châu lựa chọn chùa xây tháp.

Văn bia "Xá lợi tháp minh" trên ngàn năm tuổi được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh
Văn bia "Xá lợi tháp minh" trên ngàn năm tuổi được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh 

Tiêu chuẩn lựa chọn là chùa phải ở nơi có danh sơn danh thủy, tháp phải được xây dựa vào núi phía trước, hoặc với những châu không có núi thì phải là chùa ở nơi thanh tịnh. Trong sách “Xá lợi cảm ứng ký” của Vương Thiệu ghi lại những nơi có tấu báo về việc xuất hiện “cảm ứng” khi xây tháp. “Cảm ứng” ở đây là các hiện tượng kỳ lạ, mang tính siêu nhiên xuất hiện cùng với việc an trí xá lợi. Trong danh sách “cảm ứng” đó cũng có tên Giao châu, nhưng không thấy chép hiện tượng “cảm ứng” cụ thể mà chỉ đơn giản ghi việc Giao châu khởi dựng tháp tại chùa Thiền Chúng.

Theo các nhà nghiên cứu, trên cơ sở so sánh về mặt nội dung cũng như các hiện vật liên quan, có thể thấy bia tháp xá lợi mới phát hiện tại Bắc Ninh có nhiều điểm tương đồng với các bia Nhân Thọ xá lợi tháp năm 601 hiện còn lưu giữ được tại Trung Quốc. Tuy nhiên, xung quanh niên đại 601 được ghi trên bia Bắc Ninh, trong giới học giả Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau.

Quan điểm thứ nhất phủ định niên đại 601 cũng như giá trị lịch sử của bia và cho rằng đây là một tấm bia giả cổ, mới được chế tác gần đây. Quan điểm thứ hai cho rằng bia được khắc vào thế kỷ VII, tuy nhiên vào thời điểm muộn hơn năm 601, có thể vào năm 604. Quan điểm thứ ba cho rằng bia được khắc vào năm 601, cùng thời điểm với niên đại “Nhân Thọ nguyên niên” ghi trên bia.

Tuy nhiên, nhìn lại lịch sử, Tùy Văn Đế khi đó thực chất sử dụng Phật giáo với ý đồ như một công cụ để thu thập nhân tâm, tái ổn định tình hình chính trị, xã hội Trung Quốc sau một thời kỳ biến động kéo dài. Đây cũng là một dịp để nhà Tùy xác lập cương giới, khẳng định lại quyền thống trị đối với những phần lãnh thổ đã chinh phục trực tiếp hoặc kế thừa một cách gián tiếp từ các vương triều đi trước.

TS. Phạm Lê Huy cho biết, trước cuộc xâm lược của Lưu Phương vào nước Vạn Xuân năm 602, nước ta là một nước độc lập. Vậy tại sao, nước ta độc lập mà vương nhà Tùy lại có thể ban lệnh nhận xá lợi và xây tháp ở Vạn Xuân? Điều này được giải thích từ câu chuyện về Thứ sử Quảng châu Lệnh Hồ Hy chép trong “Tùy thư”. 

Nội dung câu chuyện đã hé lộ cho hậu thế thấy một số vấn đề liên quan đến mối quan hệ thực chất giữa nhà Tùy và nhà Tiền Lý. “Tùy thư” có nội dung như sau: “(Lệnh Hồ) Hy phụng chiếu lệnh Giao châu cừ súy là Lý Phật Tử vào triều. Phật Tử muốn làm loạn, xin đến trọng đông mới lên đường. Hy ý muốn ràng buộc theo kiểu kimi nên đồng ý. Có người đến cửa khuyết tố cáo Hy nhận hối lộ của Phật Tử. Hoàng thượng nghe được nên có ý nghi ngờ. Đến khi tin Lý Phật Tử làm phản đến nơi, Hoàng thượng nổi giận, lấy (chuyện tố cáo cũ) là thật, sai sứ giả bắt giam Hy đưa về cửa khuyết. Đến khi Hành quân Tổng quản Lưu Phương bắt được Lý Phật Tử đưa về kinh sư, nói Hy quả thực không ăn của đút, Hoàng thượng mới ngộ ra, mời bốn người con (của Hy), cho phép được làm quan”.

Câu chuyện của Lệnh Hồ Hy cho thấy mặc dù vào năm 601, chính quyền của Lý Phật Tử (518 – 602) đã là một chính quyền độc lập, song nhà Tùy không thừa nhận sự độc lập đó mà vẫn coi Giao châu là đất cũ của Lương- Trần và là một bộ phận trong lãnh thổ của nhà Tùy. Điều này cũng thể hiện qua việc nhà Tùy chuẩn theo lời tấu của Lệnh Hồ Hy tiến hành đổi tên một số đơn vị hành chính đang nằm dưới sự kiểm soát của Lý Phật Tử như Hoàng châu thành Phong châu, Lợi châu thành Trí châu, Đức châu thành Hoan châu. Việc đổi tên này chứng tỏ nhà Tùy nghiễm nhiên coi các châu này nằm dưới quyền quản lý của mình.

Chính quyền Quảng Châu của Lệnh Hồ Hy vào thời điểm đó đóng vai trò là đầu mối liên lạc giữa chính quyền trung ương của nhà Tùy với Lý Phật Tử, song chỉ muốn “ràng buộc (Giao châu) theo kiểu kimi (có tính độc lập, ít phụ thuộc)”. Về phía nhà Tiền Lý, mặc dù thực chất đã là một chính quyền độc lập, song cũng như nhiều vương triều khác trong lịch sử Việt Nam, Lý Phật Tử rõ ràng “đóng vai” một thần tử của chính quyền phương Bắc. Nhằm mục đích chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Tùy, đã xin hoãn việc lên đường vào chầu vua Tùy đến giữa mùa đông năm 601.

“Trong bối cảnh chính trị – ngoại giao như vậy, chúng tôi cho rằng vào giữa tháng 10 năm 601, chính quyền của Lý Phật Tử có thể chấp nhận một đoàn sứ giả gồm 1 sa môn, 2 tùy tùng là tăng lữ, 1 viên võ quan của nhà Tùy đến Giao châu với mục đích tổ chức một nghi lễ Phật giáo. Điều này có lẽ cũng không khó khăn đối với một người đứng đầu chính quyền mà tên gọi đã phản ánh sự sùng bái Phật giáo rất sâu đậm- Lý Phật Tử. Hơn nữa, về mặt chính trị, việc không đón tiếp đoàn hộ tống xá lợi của vua Tùy vào thời điểm tháng 10 có thể dẫn đến nguy cơ phá hỏng kế hoạch kéo dài thời gian để chuẩn bị kháng chiến của nhà Tiền Lý”, TS. Phạm Lê Huy nhận định.

Trong khi đó, địa điểm Pháp Hiền cho xây dựng các tháp xá lợi năm 604 theo “Thiền uyển tập anh” là chùa Pháp Vân và một số chùa khác tại Phong châu, Trường châu, Ái châu, Hoan châu. Điều này cho thấy việc xây dựng tháp xá lợi tại chùa Thiền Chúng vào năm 601 là có thực và là một sự kiện hoàn toàn khác biệt so với việc Pháp Hiền tổ chức xây dựng tháp xá lợi tại chùa Pháp Vân năm 604.

Qua đó, Nhà nghiên cứu Phạm Lê Huy nhận định rằng, sau khi xem xét bối cảnh lịch sử đương thời cũng như nội dung các tư liệu hiện còn lưu giữ được, có thể nói xác suất để xảy ra khả năng thứ nhất và thứ hai là rất thấp.  Hay nói cách khác, việc coi niên đại khắc trên bia Bắc Ninh chính là niên đại thực của tấm bia vẫn là khả năng có tính hiện thực và thuyết phục cao nhất ở thời điểm hiện tại.

Hoạt động xây dựng Nhân Thọ xá lợi tháp không chỉ là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử chính trị, mỹ thuật và Phật giáo Trung Quốc. Trên thực tế, nó đã có những liên hệ và ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình chính trị và Phật giáo Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ VI- đầu thế kỷ VII.

Đọc thêm