Đau đầu vì nước thải không biết thoát đi đâu

Công ty ILJO Việt Nam (trụ sở tại thôn Thắng Lợi - An Hưng - An Dương) – đơn vị từng được coi là “điểm nóng” xả thải gây ô nhiễm môi trường ở Hải Phòng, đang triển khai nhiều biện pháp khắc phục, dù trong điều kiện hạ tầng tiêu thoát nước thải tại địa phương gần như không có.

Công ty ILJO Việt Nam (trụ sở tại thôn Thắng Lợi - An Hưng - An Dương) – đơn vị từng được coi là “điểm nóng” xả thải gây ô nhiễm môi trường ở Hải Phòng, đang triển khai nhiều biện pháp khắc phục, dù trong điều kiện hạ tầng tiêu thoát nước thải tại địa phương gần như không có.

Xưởng sản xuất Công ty giặt mài ILJO

Hàng trăm m3 nước thải mỗi ngày không biết thoát đi đâu

Công ty ILJO Việt Nam là đơn vị 100% vốn Hàn Quốc, thuê đất của Công ty may Hồ Gươm hoạt động trên lĩnh vực giặt mài. Với đặc thù nghành nghề, mỗi ngày công ty sử dụng từ 300 - 500m3 nước cho hoạt động sản xuất và qua đó, một lượng nước thải tương đương xả ra môi trường.

Ông Shin Dong Shik - Tổng giám đốc công ty - cho biết: “Công ty được thành lập từ cuối năm 2004, khi sang Việt Nam đầu tư chúng tôi không không khảo sát kỹ lưỡng hệ thống thoát nước chung và lưu lượng đường cống thoát nước của địa bàn xung quanh, vì vậy doanh nghiệp gặp khó khăn trong vấn đề nước thải sản xuất.

Trong quá trình sản xuất, chúng tôi phải sử dụng hàng trăm mét khối nước mỗi ngày mà hệ thống thoát nước thải công nghiệp tại đây không có, chính vì vậy nước thải đã qua xử lý của chúng tôi không biết thoát đi đâu, chúng tôi phải thuê hơn 3.600 m2 diện tích đất nông nghiệp của địa phương làm hồ sinh học chứa nước thải”.

Ông Shin Dong Shik cũng  thừa nhận: “Quá trình sản xuất, doanh nghiệp đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhưng hệ thống xử lý được xây dựng từ năm 2004, khối lượng sản phẩm giặt mài của doanh nghiệp ngày càng lớn, hệ thống thoát nước trên địa bàn không có nên chúng tôi phải xả nước thải đã qua xử lý vào phần diện tích đất trống của Công ty may Hồ Gươm. Khối lượng nước lớn, tích tụ lâu ngày gây ra ô nhiễm nguồn nước tại đây, khiến nhân dân địa phương bức xúc”.

Tuy nhiên, vị tổng giám đốc người Hàn Quốc  khẳng định: “Chúng tôi đã có hướng cải tạo và khắc phục kịp thời bằng cách nâng cấp, cải tạo lại hệ thống xử lý nước thải, đảm bảo nước thải sau khi được xử lý đạt TCVN, hiện nay chúng tôi đang chờ đơn hàng mới để thử nghiệm hệ thống này”.

Bài toán khó với doanh nghiệp va chính quyền địa phương

Ông Shin Dong Shik cho biết: “Công ty sẽ làm hết sức để xử lý ô nhiễm môi trường, nhất là nguồn nước thải của doanh nghiệp, chúng tôi sẽ tiến hành xử lý nước thải bằng những hóa chất tốt nhất có thể như: Polymer A10; Clorua sắt(FECL2); NA(OH)2; NA2SIO3(H2O), đồng thời công ty thực hiện xử lý nước thải theo quy trình xử lý nước thải đúng quy định, thiết kế (song chắn rác → bể điều hòa → bể Aeroten → xử lý hóa học → lắng đứng có bọt nổi →  bơm hút bùn → đo lưu lượng Parshall → lọc lắng cận lần 2 → tái sử dụng)”.

Ông Shin Dong Shik cho biết thêm: “Công ty xác định làm ăn lâu dài tại Việt Nam, vì vậy công ty đã tiến hành đầu tư lắp đặt hệ thống máy móc kết hợp với hóa chất để xử lý triệt để ô nhiễm nguồn nước, tôi tin rằng ô nhiễm nước thải sẽ được xử lý”.

Theo quan sát của PLVN, hiện nay Công ty ILJO đã thực hiện khá tốt công tác xử lý nước thải, tuy nhiên đúng như phản ánh của doanh nghiệp, trên địa bàn doanh nghiệp đóng không có hệ thống mương ống thoát nước thải công nghiệp đã qua xử lý.

Đây là bài toán khó đối với doanh nghiệp và cả chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ môi trường - đúng như lời ông  Shin Dong Shik khẳng định: "Hãy chỉ cho tôi một hệ thống thoát nước thải, dù có phải tốn bao nhiêu tiền của đầu tư tôi sẽ lắp đặt hệ thống thoát nước đến tận nơi, để giảm thiểu ô nhiễm, yên tâm sản xuất...".

Nguyễn Tiến

Đọc thêm