Cũng chẳng có gì mới, dấu hiệu ngoại tình của đàn bà là hay thảng thốt khi nghe tiếng chuông điện thoại reo, là trang điểm kỹ lưỡng trước khi ra khỏi nhà, là lúc nhớ, lúc quên, ngẩn ngơ khi bị hỏi và ngơ ngẩn hỏi lại, hay giật mình trước những cái không đáng giật mình...
Bài báo cũng cho hay, theo lý thuyết của các nhà nghiên cứu khoa học về phụ nữ thì dây thần kinh tình cảm và tình dục của họ nằm gần nhau, đôi chỗ còn quấn lấy nhau, cho nên họ yêu đi liền với ân ái, khác hẳn đàn ông không cần tình cảm vẫn cứ “yêu” được.
Theo lý thuyết này thì đàn bà ngoại tình không phải chỉ để thỏa mãn tình dục, bởi thế khi họ đã yêu người khác thì chồng là cái gai trong mắt họ. Họ tỏ ra khó chịu khi gần chồng và dù cố gắng che giấu cách nào đi chăng nữa thì trạng thái này có lúc cũng bộc lộ bằng thái độ coi thường chồng, dè bỉu hoặc xa lánh.
Tất nhiên, vừa đọc anh vừa liên tưởng đến vợ mình, xem chị có những biểu hiện này không. Không có, chị lúc nào cũng điềm tĩnh, chẳng giật mình thảng thốt vô cớ. Nhưng một chi tiết trong bài báo khiến anh lo ngại: đàn bà thích ngoại tình có biểu hiện là rất hay quên chìa khóa, cho dù đó là chìa khóa nhà, chìa khóa cơ quan, chìa khóa tủ hay chìa khóa xe hơi,…
Ôi, thế thì chết rồi, bà vợ yêu quý của anh chúa là hay quên chìa khóa, nhiều khi cả nhà khốn khổ vì cái tật này của chị!
Thế là tối đó, anh mở cho chị xem bài viết để xem phản ứng của chị ra sao. Chị điềm tĩnh đọc hết rồi nhận xét: “Toàn là giáo điều, xa thực tế. Phụ nữ bây giờ càng ngoại tình thì họ càng tỏ ra chăm chút chồng con hơn. Đột nhiên tỏ ra đằm thắm với chồng mới là dấu hiệu rõ nhất của người đàn bà ngoại tình. Họ che giấu cực kỳ khéo léo, tinh tế là đằng khác!”.
Anh hoang mang tợn, thỉnh thoảng chị cũng đột nhiên đằm thắm đấy thôi, anh hỏi: “Còn chuyện hay quên chìa khóa, em rất hay quên?”.
Chị không trả lời trực tiếp vào câu hỏi mà vặn lại: “Tại sao cùng một cây hoa mà khi mọc trong hàng rào lại được coi là hoa nhà mà ở ngoài thì bị coi là hoa dại?. Hương sắc vẫn thế, như là tình yêu thì là tình yêu, cái quan niệm ngoại tình rút cuộc chỉ là quan niệm!”.
Ấy thế mà họ cãi nhau to làm kinh động đến cả láng giềng. Tổ hòa giải đến khuyên giải phải trái, vợ chồng cần thuận hòa, đoàn kết trong khu dân cư văn hóa. Anh in bài báo đó cho mọi người đọc để dẫn ra nguyên nhân của sự xung đột vợ chồng. Bà tổ trưởng vốn thuộc tuýp người không cũ cũng chẳng mới, ghi vào biên bản hòa giải: “Nghi ngờ của chồng là có cơ sở!” để gửi lên ban hòa giải báo cáo và hòa giải tiếp.