Những cảnh ngộ thương tâm
Nhìn bé H.T 5 tuổi, quần áo nhem nhuốc, mặt mũi xanh xao lủi thủi chơi ngoài vườn trong khi các bạn cùng lứa tới trường mầm non học khiến ai cũng thấy khó cầm lòng. Mẹ bé H.T mang trong mình căn bệnh HIV lây từ bố. Trong lúc mẹ mang thai H.T, bố mẹ em không hề biết mình nhiễm HIV. Chỉ khi mang thai tới 8 tháng, mẹ em mới biết vợ chồng, đứa con trong bụng đều bị nhiễm HIV.
Khi H.T 2 tuổi, bố mẹ lần lượt qua đời. Bé phải sống với bà nội. Khi làng xóm biết em bị nhiễm HIV, họ không cho con, cháu chơi cùng vì sợ lây nhiễm. Một số cán bộ y tế đã phân tích về việc không được kỳ thị, hướng dẫn cách tiếp xúc người bệnh mà không bị lây nhiễm nhưng hầu hết người trong làng xóm bỏ ngoài tai. Khi H.T đến trường, họ bảo nếu em đi học, họ sẽ cho con nghỉ học. Chẳng còn cách nào khác, bà nội đành gạt nước mắt đưa cháu về nhà dạy dỗ. Khi bà nội đi làm ruộng, một mình em thơ thẩn ở nhà. Bà nội thương xót mua ít vở tập tô, bảng chữ cái lần hồi dạy bé H.T viết chữ.
Trường hợp bé X (8 tuổi) còn thương tâm hơn. Bố bỏ đi vài năm trời không tung tích, mẹ chết bởi căn bệnh HIV, X được chú thím cưu mang. Dường như, sự kỳ thị, lo sợ lây bệnh cho các con mà bà thím thường xuyên hắt hủi, đánh mắng, bỏ đói em. Trong khi các em họ nằm ở trên giường, một mình em nằm dưới đất lạnh giá vì sợ lây bệnh sang người khác. Ở được 3 tháng, bà thím xui chồng làm cái chòi gần bếp, chuồng lợn, yêu cầu X ra “ở riêng”. Em khóc đòi ở trên nhà, ngay lập tức bị bà thím xua đuổi. X không được đi học, 8 tuổi mà em không biết viết, biết đọc. Cả ngày quanh quẩn bên chuồng lợn, cho lợn ăn. X cũng không có bạn, đành chuyện trò cũng hai con lợn trong chuồng.
Rất nhiều người khi nghe đến HIV tỏ thái độ sợ sãi, sợ lây nhiễm. Nếu là người thân trong gia đình thì lúng túng chưa hiểu hết về căn bệnh này và biện pháp phòng trách lây nhiễm nên đã hắt hủi, xua đuổi, xa lánh trẻ tội nghiệp. Nhiều trẻ bị nhiễm HIV không được ăn cùng mâm với các thành viên, phải ngồi riêng góc nhà để ăn. Các bé đã phải sống những tháng ngày như địa ngục trần gian, vừa bị bệnh tật hành hạ vừa phải chịu sự ghẻ lạnh của gia đình. Có lẽ, không chỉ căn bệnh HIV/AIDS đang giết chết em từng ngày, mà chính thái độ của người thân, của cộng đồng mới là điều đang khiến em “yếu” đi từng ngày.
Còn 30% trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/ AIDS chưa được hưởng y tế
Ngày 22/11/2016, Bộ LĐ,TB&XH đã tổ chức tổng kết 3 năm thực hiện quyết định 570/ QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Theo đó, trẻ nhiễm HIV hiện nay là 6.800 em; 73.129 trẻ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi HIV: trẻ em mồ côi do bố và mẹ hoặc bố hoặc mẹ chết vì lý do liên quan đến HIV/AIDS; trẻ em sống với bố, mẹ hoặc người nuôi dưỡng nhiễm HIV; 41.794 trẻ em có nguy cơ cao nhiễm HIV: trẻ em sử dụng ma túy; trẻ em là con của người mua dâm, sử dụng ma túy; trẻ em sống trong các cơ sở trợ giúp trẻ em.
Hiện đã có 63/63 tỉnh/ thành phố đã ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS giai đoạn 2014-2020; 92.2% số huyện đã xây dựng kế hoạch thực hiện; 73.4% số gia đình có trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/ AIDS; 56% số học sinh các trường tiểu học và THCS được cung cấp các kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; 10.000 tờ rơi tuyên truyền và 5000 cuốn cẩm nang về chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được in ấn và phát cho địa phương; 61% cơ sở chăm sóc và điều trị cho trẻ em nhiễm HIV được cung cấp kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/ AIDS. Hiện tại, chỉ có 17/63 tỉnh có tỷ lệ trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được nhận dịch vụ chăm sóc hỗ trợ 100%.
Bà Vũ Thị Kim Hoa - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho hay, nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng về chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS vẫn còn hạn chế; hệ thống tổ chức bảo vệ chăm sóc trẻ em chậm được củng cố, kiện toàn, đội ngũ cán bộ bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại cơ sở; vẫn còn 30% trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS chưa được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục, tâm lý dinh dưỡng, tiếp cận chính sách của Nhà nước theo nhu cầu; vẫn còn hơn 30% trẻ chưa có thẻ bảo hiểm y tế. Nguyên nhân chính bản thân trẻ nhiễm HIV và gia đình trẻ không muốn tiếp cận do sợ bị kỳ thị, sợ không được bảo mật thông tin, kỹ năng tiếp cận trẻ của cộng tác viên tại cơ sở còn hạn chế, chưa có cơ chế giữa các ngành liên quan trong việc chia sẻ hỗ trợ việc tiếp cận trẻ.
Thời gian tới, các bộ, ngành chức năng sẽ đẩy mạnh cơ chế phối hợp giữa các ngành trong công tác ra soát trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, đặc biệt là cơ chế phối hợp cung cấp thông tin về trẻ em nhiễm HIV và trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS giữa 3 ngành chức năng Y tế, LĐ,TB&XH, Giáo dục; tăng cường tập huấn kỹ năng cho cán bộ làm công tác trợ giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/ AIDS...