Bàn chân nhỏ đơn côi…
Mỗi lần đến Trung tâm 02 – chuyên chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ nhiễm HIV và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, tôi đều hướng mắt vào ngôi nhà mang tên Bí Đỏ, nơi luôn có một cặp mắt trầm ngâm nhìn ra khoảnh sân vắng lặng trước nhà… Vẻ mặt lặng lẽ, u buồn của một cậu bé ám ảnh tôi khôn nguôi. Cậu có cái tên thật đẹp: Triệu Thanh Tú. Nhưng cái tên gợi sự thanh thoát, nhẹ nhàng đó lại không đúng với cảnh đời đầy nghiệt ngã của em.
Từ lúc được sinh ra Tú đã không còn bố, mẹ cũng vội vã bỏ em đi khi cậu bé chưa đầy 7 tuổi. Không thể lo nổi cho bốn đứa cháu côi cút, bà nội Tú đành xin cho cậu bé vào Trung tâm 02. Tạm biệt khu ga Nam, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng, Lạng Sơn, tạm biệt bà và ba chị gái thân thương, cậu bé dân tộc Nùng đến với ngôi nhà mới của mình trong tâm trạng buồn bã và đầy lo sợ. Vì còn quá nhỏ, Tú không mảy may biết về căn bệnh của mình cũng như lý do khiến em phải lìa xa cha mẹ khi tuổi đời còn quá nhỏ…
Niềm vui đã trở lại với Tú. |
Nhớ lại ngày đầu tiên đón Tú vào Trung tâm, chị Nguyễn Thị Thanh Lịch phụ trách công tác y tế của Trung tâm kể, Tú bị suy dinh dưỡng rất nặng, cơ thể gầy gò và suy kiệt. Nhìn cậu bé xanh xao lấm lét đứng ở góc sân, các bảo mẫu và cán bộ nơi đây không thể cầm lòng. Không chỉ có vậy, Tú còn bị nhiễm trùng cơ hội nên sau khi vào Trung tâm, em được chỉ định điều trị ARV (thuốc kháng vi rút HIV) ngay, song tình hình bệnh tật vẫn không có gì biến chuyển do Tú quá yếu. Vì thế, sau 3 năm Tú được chuyển sang điều trị bằng phác đồ cao hơn.
Cũng phải mất một khoảng thời gian khá dài, sức khỏe của cậu mới dần hồi phục. Vật lộn với cuộc chiến sinh – tử, chứng kiến từng ngày sự hồi sinh của cậu bé Triệu Thanh Tú, chị Lịch khẳng định: “…Đó là một trong những kỳ tích của các cán bộ Trung tâm 02!”.
Cuộc sống cho con hy vọng
Giờ sức khỏe của Tú đã ổn định, nhưng “bão chưa qua, lốc dữ lại tới”. Từ những ngày đầu cắp sách tới trường, chưa kịp vui với bạn bè, Tú bị rất nhiều phụ huynh phản đối không cho em học cùng lớp với con họ, kèm theo đó là những ánh mắt coi thường… Em phải ngồi riêng một bàn, bạn bè không ai thèm chơi. Học được một thời gian, các phụ huynh phản đối dữ quá nên Tú và các bạn cùng Trung tâm phải chuyển về lớp học riêng của Trung tâm…
“Lúc ấy còn bé nên em cũng không hiểu gì, lớn lên một chút, khi đã lờ mờ hiểu ra mọi thứ, em bắt đầu thấy chán nhưng cũng chỉ biết tự an ủi mình thôi” - Tú chia sẻ.
Hỗ trợ, đồng cảm với Tú lúc bấy giờ, ngoài các bạn cùng cảnh ngộ chỉ có các bảo mẫu, cán bộ của Trung tâm. Và họ chính là nguồn động viên tinh thần rất lớn giúp em có niềm tin vượt qua mọi giông gió. Tú cho hay, Nhà Bí Đỏ của em có tất cả 20 thành viên, lớn nhất 15 tuổi và nhỏ nhất là 3 tuổi. Tú luôn coi đó là gia đình lớn của mình và em thấy nỗi cô đơn, sự mặc cảm vơi đi rất nhiều khi trở về gia đình ấy, được dựa vào lòng các mẹ, kể cho các mẹ nghe mọi nỗi buồn, niềm vui trong ngày.
Là anh lớn trong nhà, Tú hiểu phần nào nỗi vất vả của các mẹ và cán bộ y tế của Trung tâm, vì thế sau khi được tiếp nhận những kiến thức về chăm sóc bản thân, Tú còn hỗ trợ các mẹ chăm sóc các em. Ngoài thời gian học, em giúp các mẹ làm việc nhà, kèm cho các em nhỏ hơn học bài. “Hơi trầm tính nhưng Tú ngoan ngoãn, chăm chỉ, hay giúp đỡ, sống chan hòa với mọi người và có tinh thần trách nhiệm rất cao!” là lời nhận xét của các bảo mẫu Nhà Bí Đỏ dành cho cậu bé.
Sau cơn mưa, trời lại sáng, hạnh phúc đã lại mỉm cười với cậu bé. Nhờ hoạt động truyền thông rộng khắp, trình độ nhận thức của người dân nơi đây về HIV/AIDS đã được nâng lên một bước. Và lại một lần nữa, Triệu Thanh Tú được quay trở lại trường học cũ của mình. Điều khiến Tú vui nhất là em và các bạn nhiễm HIV, bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS không bị hắt hủi, kỳ thị, phân biệt đối xử như xưa nữa. Bạn học không chỉ vui vẻ nói chuyện với Tú mà còn rủ em chơi nhảy dây, đá cầu…, cho mượn sách vở và sẵn sàng giúp đỡ khi em gặp khó khăn. Thực tế này giúp Tú có thêm động lực và niềm tin rất lớn vào cuộc sống.
Kết quả học tập không đạt đến mức xuất sắc nhưng năm nào Triệu Thanh Tú cũng đạt danh hiệu Học sinh tiên tiến. Với những đứa trẻ có hoàn cảnh như Tú, đó là sự phấn đấu và nỗ lực rất lớn. Tú học khá các môn tự nhiên như toán, lý, hóa và rất thích vẽ tranh. Với em, vẽ tranh là cách để giải tỏa mọi bức xúc trong cuộc sống, đó cũng là nơi Tú gửi gắm mọi tâm sự, suy nghĩ và khát khao của mình.Gia đình là chủ đề xuyên suốt mỗi bức họa của cậu bé.
Một bức vẽ mà Tú vẽ chung với một bạn khác đã được chọn để treo tại một cuộc triển lãm ảnh khá lớn ở Thủ đô dành cho các bé lứa tuổi lên 7. Đó là hình ảnh một con tàu với rất nhiều thủy thủ chu du khắp mọi miền của đất nước… Nói về bức tranh và mơ ước thời thơ ấu của mình, Tú ngước mắt nhìn về xa xăm: “Em vẽ con tàu và các thủy thủ với khát khao được khám phá, chinh phục, đặc biệt là được đi bất cứ nơi nào mà mình thích!”.
Trò chuyện với tôi trong chính ngôi nhà lớn của mình, Tú thổ lộ mong muốn cháy lòng: “… Được mọi người đồng cảm, chia sẻ, nhất là có phép màu nhiệm nào đó chữa khỏi bệnh cho em và những người mắc căn bệnh giống em”. Và em mơ ước được trở thành cầu thủ bóng đá hoặc viên chức nhà nước, nhà giáo, thậm chí là một tình nguyện viên để có thể giúp những bạn cùng cảnh. Trong góc tối của căn phòng, gương mặt trầm tĩnh của Tú bỗng sáng lên một cách lạ kỳ, còn đôi mắt thì ánh lên tia hy vọng bất tận vào tương lai.