Xót xa những vụ hỏa hoạn thương tâm
Tại TP HCM, vụ hỏa hoạn xảy ra khoảng 4h ngày 25/3 tại ngôi nhà cấp 4 nằm sâu trong hẻm 45 đường Cao Lỗ, phường 4, quận 8.
Nghe hô hoán, người dân lao tới dập lửa, tuy nhiên, do căn nhà có kết cấu cửa sắt phức tạp nên không thể tiếp cận và lập tức gọi báo cứu hoả.
Nhận thông tin, Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và tìm kiếm cứu hộ (công an quận 8) điều 6 phương tiện và 20 cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường tiến hành chữa cháy. Đến 4h30 cùng ngày, đám cháy được khống chế hoàn toàn
Cảnh sát sau đó phát hiện 3 nạn nhân tử vong gồm anh Lê Nguyễn Hoàng Huy (31 tuổi) cùng vợ là Nguyễn Thị Thanh Thương (32 tuổi) và con gái 3 tuổi.
Chưa đầy 1 tuần sau, phường Cát Lái (TP Thủ Đức) xuất hiện một vụ hỏa hoạn khiến gia đình 6 người tử vong thương tâm.
Theo đó, khoảng 1h ngày 30/3, Công an TP Thủ Đức nhận được tin báo về vụ cháy lớn tại một căn nhà trên đường Nguyễn Thị Định, phường Cát Lái. Căn nhà bị cháy là nhà cấp 4, rộng khoảng 60m2 được xây dựng rất thấp chỉ có 1 lối ra duy nhất.
Nhận được tin báo, Đội Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an TP Thủ Đức đã điều động xe chuyên dụng cùng cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường triển khai chữa cháy.
Do vụ cháy xảy ra trong đêm khuya và người dân phát hiện muộn nên khi lực lượng chữa cháy có mặt thì lửa đã bùng lớn.
Vào thời điểm cháy, bên trong nhà có 5 xe gắn máy dựng phía trước chắn lối thoát hiểm duy nhất của ngôi nhà nên các nạn nhân không thoát ra được.
Bước đầu, cơ quan chức năng nhận định nguyên nhân khiến 6 người tử vong có thể do ngạt khói. May mắn vào thời điểm trên ông Lục Chấn Tâm (SN 1967) ngủ bên ngoài nên thoát nạn nhưng bị bỏng nặng, đang điều trị tại bệnh viện.
Không may mắn, 6 người trong gia đình ông Tâm gồm người vợ là bà Bùi Thị Loan (SN 1969, là chủ hộ), anh Lục Kiến Oai (SN 1994, con trai bà Loan), chị Lục Tuyết Trinh (SN 1996, con gái bà Loan), chị Bùi Thúy An (SN 1997, con dâu), cháu L.T.N (SN 2014, cháu nội) và bé L.K.P (SN 2021, cháu ngoại) tử vong.
Mới đây nhất, khoảng 0h30 ngày 4/4, số 311 phố Tôn Đức Thắng (quận Đống Đa, TP Hà Nội) xảy ra hỏa hoạn khiến 4 người trong gia đình tử vong.
Nạn nhân tử vong là cụ Nguyễn Thạc T (SN 1940), chị Nguyễn Ánh H (SN 1981, hiện đang mang thai khoảng 3 tháng, là con gái của ông T), anh Đinh Hùng V (SN 1983, là chồng của chị H) và cháu Đ.H.T.M (SN 2011, con gái của chị H và anh V).
Gia đình nạn nhân sinh sống và kinh doanh đồ sơ sinh (bỉm, sữa...) cho trẻ em tại địa chỉ nói trên, các mặt hàng bày bán được xếp trên các kệ tủ hàng đặt ở tầng 1 của ngôi nhà. Tầng 2, tầng 3 và tầng tum dùng làm nơi chứa hàng hóa kinh doanh và sinh hoạt của gia đình.
Ngôi nhà xảy ra vụ cháy là loại nhà hình ống, cao 3 tầng, 1 tum, có mái lợp tôn hàn sắt, diện tích mặt sàn mỗi tầng khoảng 60m2, mặt tiền rộng khoảng 3,2m. Nhà có một lối ra vào duy nhất là cửa chính.
Theo ông Lê Tuấn Định - Chủ tịch UBND quận Đống Đa, Hà Nội, nguyên nhân ban đầu dẫn đến vụ cháy là do chập điện.
Hậu quả những vụ hỏa hoạn khiến cư dân mạng xót xa. “Đau xót quá. Chia buồn cùng gia đình. Nhà mình đêm không bao giờ khóa tất cả các cửa. Cửa lúc nào cũng móc bằng móc sắt, bên ngoài không thể mở được”, bạn đọc Sơn Hà viết.
Nhiều ý kiến đồng thời cảnh báo tình trạng xây nhà nhưng không có lối thoát hiểm: “Hiện nay ở Việt Nam cháy nhà là khó thoát vì kiểu xây nhà chống trộm kiên cố không có lối thoát hiểm", một độc giả đặt viết. "Mong bà con cảnh tỉnh và nhìn lại cấu trúc căn nhà của mình, tự vấn nếu hỏa hoạn xảy ra thì lối thoát ở đâu?”.
Ý kiến khác bày tỏ: “Mong mọi người kiểm tra lại an toàn điện trong nhà...”; "Thiết nghĩ cần luật bắt buộc trang bị thiết bị báo cháy và bình cứu hỏa ở tất cả các nhà dân, đặc biệt ở các thành phố và đô thị"...
Kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra cháy
Theo Đại úy Dương Minh Hoàng, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC Công an quận Đống Đa, gia đình nạn nhân bị cháy ở Đống Đa sử dụng diện tích nhà ở để kinh doanh, để rất nhiều bỉm, đồ trẻ em có nhiều chất liệu bông vải sợi, các vật liệu dễ cháy, thùng các-tông... ở nhiều khu vực trong nhà: tầng 1, gác xép bằng gỗ, khu vực cầu thang, tầng tum nên khi cháy thì dễ cháy lan, kéo dài.
|
Cửa hàng có nhiều chất liệu bông vải sợi, các vật liệu dễ cháy... |
Do đó, cơ quan Công an khuyến cáo mỗi gia đình trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày cần bố trí, sắp xếp vật dụng, hàng hóa cụ thể rành mạch đâu là phòng ăn, phòng ở, phòng thờ, phòng để hàng..., tránh lẫn lộn không gian giữa các phòng. Đồng thời khi xảy ra cháy dù nhỏ hay lớn đều phải biết cách xử lý, dập tắt dám cháy và thoát nạn.
Còn theo Đại tá Lê Văn Hiến, Phó trưởng Công an quận Đống Đa, Công an quận đã nhiều lần tổ chức tuyên truyền xuống từng tổ dân phố về vấn đề an toàn phòng cháy chữa cháy. Đặc biệt các hộ nhà ống, tập thể lắp chuồng cọp để tránh trộm cắp, Công an quận Đống Đa khuyến cáo tháo dỡ bởi khung sắt khiến việc chữa cháy, cứu nạn gặp nhiều khó khăn, thoát nạn cũng khó.
“Đối với những nhà ống 1 lối không thể mở lối thoát nạn, nếu có thể, cần phối hợp với hàng xóm mở lối thông để thoát nạn khi cần. Tuy nhiên vấn đề này rất khó, bởi nhà nào biết nhà ấy, sợ trộm cắp nên những dạng nhà này khi cháy rất dễ có người tử vong”, đại tá Hiến cho hay.
Để tránh thương vong từ những vụ cháy, việc mở lối thoát nạn là vấn đề cốt lõi. Ngoài ra, các hộ gia đình cần trang bị bình chữa cháy, mặt nạ phòng độc và trang bị kỹ năng sinh tồn cho mình. Ví dụ, khi đi ngủ cần ngắt thiết bị điện ở những khu vực không cần thiết, thường xuyên bảo dưỡng thiết bị điện, lắp những thiết bị an toàn hơn.
“Nếu xảy ra cháy, không tự dập dược thì cần dùng mặt nạ chống độc hoặc khăn ướt trùm vào mặt để vượt qua đám cháy, thoát ra bên ngoài dù có bị bỏng. Không được chạy lên tum là nơi không lối thoát, vì lên đó là đường cùng, rất ít cơ hội sống sót, chết ngạt rất nhanh”, đại tá Hiến nói.