Phẫn nộ khi bố mẹ “đào tạo” con phạm pháp
Những ngày qua trên mạng xã hội đã chia sẻ đoạn clip người mẹ xúi con trộm tiền của bà cụ bán cà phê vỉa hè. Theo đoạn clip, người mẹ chở con đến điểm bán hàng tạp hoá vỉa hè để mua ly cà phê. Lợi dụng lúc bà bán nước tên Trần Thị Tuyết Mai (gần 60 tuổi, ngụ Quận 3, TPHCM) đang lấy đá bỏ vào ly cà phê thì người mẹ ngồi trên xe xúi con trai xuống trộm túi nilong đựng tiền của bà cụ. Cháu bé liên tục nhìn về phía người phụ nữ.
Sau khi lấy được túi tiền thì người phụ nữ chở cháu bé đi. Đi được một đoạn thì người mẹ dừng xe lại kiểm tra tài sản bên trong thì có 185 ngàn và 3 thẻ cào điện thoại tổng mệnh giá 60 ngàn đồng. Xem lại camera, bà cụ bức xúc: ‘Đứa bé không có lỗi, lỗi cô ta’. Theo bà Mai, bên trong túi có 700.000 đồng tiền mặt và 1,6 triệu đồng thẻ cào điện thoại. Sau khi xem đi xem lại camera nhiều lần, bà Mai vẫn không ngờ rằng người phụ nữ có thể dạy đứa trẻ ăn cắp như thế.
Bà bị đứa bé lấy mất tiền và thẻ cào điện thoại, có xót của nhưng không đau bằng việc một đứa trẻ bị xúi để lấy trộm tiền và thẻ cào điện thoại của người khác. “Tôi không ngờ cô ta là người lớn mà lại hướng dẫn một đứa con nít đi làm chuyện phi pháp như thế. Tôi không biết đứa trẻ đó là con hay như thế nào với cô ta, nhưng người lớn mà làm như vậy đã vấy bẩn tâm hồn của một đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn. Đứa bé không có lỗi, lỗi ở cô ta”, bà Mai bức xúc.
Bà Mai đã đến Công an phường 14, quận 3 trình báo vụ việc và công an đã lấy lời khai, trích xuất camera ghi lại toàn bộ sự việc để điều tra, truy xét. Qua điều tra, người mẹ đó là mẹ nuôi của cậu bé. Cô ta là kẻ nghiện ma túy.
Mới đây, cư dân mạng cũng bức xúc một người phụ nữ đèo đứa trẻ tới cửa hàng giầy dép và xúi giục cậu bé khoảng 8- 9 tuổi lấy trộm điện thoại của chủ cửa hàng. Hôm đó là tối ngày 11/9/2020.
Trước đó, cư dân mạng vừa chia sẻ hình ảnh gây phẫn nộ khi một người mẹ xúi con ăn trộm điện thoại tại một cửa hàng bán điện thoại và phụ kiện. Theo nội dung đoạn clip, trong khi nhân viên của cửa hàng đang tư vấn sản phẩm cho một người phụ nữ thì một người phụ nữ nắm tay một em bé đi lại trong cửa hàng giả vờ xem sản phẩm.
Lợi dụng sơ hở của nhân viên cửa hàng nên người phụ nữ này đã ra hiệu cho con trai mới chỉ 2-3 tuổi đi vào phía trong nơi có đặt máy tính và bàn làm việc. Em bé làm theo lời mẹ, chạy vào phía trong và tìm kiếm ở hộc bàn ngoài cùng thì không có bất cứ thứ gì đáng giá. Sau đó, em bé này tiếp tục tiếp cận hộc bàn thứ hai. Tại hộc bàn này có điện thoại di động khá đắt tiền. Người mẹ liên tục gật đầu để ra hiệu cho con lấy chiếc điện thoại đó.
Trong khi em bé đang lấy chiếc điện thoại, người phụ nữ đi lại tỏ vẻ quan sát xung quanh. Em bé khi đã tiếp cận được chiếc điện thoại vội cho vào thắt lưng. Người mẹ khi thấy con đã hoàn thành “trót lọt” đã ra hiệu giục con nhanh chóng ra bên ngoài.
Nghe đứa con 12 tuổi hỏi “chủ nhà thường hay để quên chìa khóa trên két sắt, cha mẹ muốn lấy tiền không con mở tủ lấy trộm cho?”, cha mẹ của đứa trẻ (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) chẳng những không cản mà còn xúi con nhiều lần lấy trộm tiền. Người cha còn đưa cho con một điện thoại di động và dặn khi nào lấy trộm được tiền thì điện thoại cho mình.
Trẻ lấy trộm điện thoại trong cửa hàng giầy dép đêm 11/9/2020. |
Vợ chồng còn bàn với nhau, kêu con lấy trộm chìa khóa đem về làm chìa khóa giả để dự phòng. Với sự xúi giục của cha mẹ, đứa con đã hai lần mở két sắt lấy trộm của chủ nhà mà em giúp việc trên 82 triệu đồng. Cha mẹ em đã dùng số tiền này để trả nợ, mua điện thoại di động, sắm dây chuyền vàng, bông tai...
“Gần mực thì đen” !
Đó là những vụ án đau lòng khi đứa trẻ bị bố mẹ dụ dỗ, bắt ép hay cổ vũ ăn trộm, ăn cắp. Khi chứng kiến hay xem lại các clip xúi giục con ăn cắp, mọi người đều phẫn nộ trước hành động vô lương tâm của những người làm cha, làm mẹ. Hầu hết những bố mẹ ấy đã lợi dụng con mình nhỏ người không ai để ý, sẽ dễ dàng trộm cắp trót lọt tài sản của người khác.
Họ sai khiến con mình hay những đứa trẻ khác để hành xử, làm bậy. Khi sự việc bị bắt quả tang, bại lộ, họ sẵn sàng đổ thừa cho những đứa trẻ vô tội nhằm thoát tội. Bởi, họ nghĩ trẻ em lấy trộm đồ nếu bị phát hiện sẽ không bị truy tố trước pháp luật.
Khi hỏi tại sao lại lấy trộm đồ của người khác, Hoàng Tùng, 8 tuổi hồn nhiên kể: “Bố mẹ cháu hay ăn cắp ví và điện thoại ở các cửa hàng. Lúc cháu 4 tuổi, bố mẹ đã đưa cháu đi theo. Vì cháu người nhỏ nên dễ dàng lách qua khách hàng hoặc đám đông người đi bộ để móc ví. Khi móc ví hoặc được trộm điện thoại, bố mẹ cháu thường khen cháu giỏi và hướng dẫn cháu cách lấy trồm đồ hiệu quả hơn. Bố mẹ cháu còn bảo, lấy trộm đồ để đi bán có tiền tiêu xài thỏa thích!”.
“Không hiểu những người bố, người mẹ này nghĩ gì mà xúi giục con đi ăn trộm. Mình đã trộm cắp, xấu xa chưa đủ lại bắt con làm việc phạm pháp. Lợi dụng con trẻ như thế quá bất nhẫn” – chị Hoàng Nhi, 34 tuổi, Hà Nội bức xúc.
“Bị dụ dỗ, ép buộc làm điều xấu ngay từ nhỏ. “Chửi bậy quen miệng, ăn cắp quen tay” rồi, cuộc đời trẻ sẽ trôi về đâu?”- nhiều cư dân mạng lo lắng.
“Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”. Nếu đứa trẻ sống trong một gia đình có bố mẹ hay người lớn có hành vi thiếu văn hóa hay thường xuyên đánh chửi nhau, trộm cắp, nghiện ngập… thì những gương xấu này sẽ ảnh hưởng đến trẻ. Những đứa trẻ rất dễ bị nhiễm các thói hư tật xấu, bị lôi kéo vi phạm pháp luật.
Những đứa trẻ sớm “nhúng chàm” sẽ càng dễ buông mình vào cái xấu và khi đã sa chân, trượt dài, cơ hội quay trở lại con đường hướng thiện sẽ chông gai hơn rất nhiều. Đáng lo hơn nữa khi không ít đứa trẻ sớm tiêm nhiễm thói hư tật xấu từ bố mẹ, thậm chí bị biến thành “công cụ” kiếm tiền cho người lớn tiêu xài trong thảnh thơi. Khi một đứa trẻ được chính bậc sinh thành dạy “nghề trộm cắp”, xã hội lại thêm lo âu.
Theo luật pháp, người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng được quy định cụ thể tại Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Hành động xấu xí của con trẻ đến từ sự xúi giục của người lớn quả là ngoài sức tưởng tượng của chúng ta. Đồng tiền dễ dàng kiếm được lại không hề nhọc công lao động nên phải chăng có sức hút khó cưỡng để rồi bao người lao vào trộm cắp, cướp giật, lừa gạt?
Những đứa trẻ trót phạm tội khi chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm và non nớt trong ý thức thì cứ quẩn quanh trong ở các mức giao gia đình quản thúc và giáo dục, xử phạt vi phạm hành chính... Để rồi chúng lại bị bố mẹ “giật dây” thực hiện những vụ trộm với gia tăng về mức độ táo tợn và để lại hậu quả khôn lường.
Có thể thấy, hành vi xúi giục trẻ em trộm cắp, phạm tội là hành vi rất đáng lên án, cần được xử lý nghiêm. Bởi hành động xấu này sẽ ảnh hưởng đến sự hình thành, phát triển nhân cách cũng như tương lai của trẻ và làm ảnh hưởng tới tình hình an ninh xã hội.
Chiểu theo vụ trẻ lấy cắp tiền của bà bán nước. Cháu bé trong trường hợp này là người dưới 14 tuổi nên chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Do đó, nếu tài sản bị trộm cắp đủ định lượng để xử lý hình sự về tội trộm cắp tài sản thì cháu bé này cũng không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, nếu chứng minh được người phụ nữ đã xúi giục cháu bé trộm túi của bà cụ bán nước và tài sản bị trộm có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, xã hội..., người phụ nữ này có thể bị xử lý về tội trộm cắp tài sản, theo điều 173 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).