Phải chăng nhiều chương trình phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ) chỉ dừng lại ở những khẩu hiệu, phổ biến luật, thành lập ban bệ, chưa đi sâu vào những hoạt động cụ thể khiến cho người dân có nghe “loáng thoáng” về phòng chống BLGĐ, nhưng không biết cụ thể phải làm gì để ngăn ngừa, đối mặt, đẩy lùi BLGĐ…
Vì đâu “huynh đệ tương tàn”?
Chỉ trong thời gian ngắn đã có ít nhất 3 vụ án mạng chấn động do chính những người nội tộc gây ra. Nguyên nhân chỉ vì tranh chấp đất đai, tài sản thừa kế, tiền bạc... Điều này đã gióng lên hồi chuông báo động về sự sa sút của nền tảng đạo đức xã hội.
Ngày 1/9, Nguyễn Văn Đông ở thôn Bồng Lai, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng đã sang nhà em trai cách chừng 10m, đâm thương vong 5 người trong gia đình em trai. Thậm chí, khi xe cấp cứu tới, Đông còn cầm dao đuổi chém khiến các bác sĩ phải bỏ chạy.
Thông tin từ địa phương cho thấy, hai anh em không tìm được tiếng nói chung về mâu thuẫn đất đai nên xảy ra mâu thuẫn. Nguyễn Văn Đông hiện đang chờ ngày ra tòa xét xử về tội Giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015.
Khi sự việc Nguyễn Văn Đông truy sát cả nhà em trai khiến dư luận chưa kịp hết bàng hoàng, thì ngày 14/9 tại TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên lại xảy ra vụ án khiến 1 người tử vong, 2 người bị thương nặng. Nạn nhân và hung thủ là anh em.
Tối 14/9, ông Bùi Xuân Hồng (63 tuổi, ngụ phường Thịnh Đán, TP Thái Nguyên) mang theo dao, súng cùng chai xăng đến nhà em gái là bà Bùi Thị Hà để giải quyết mâu thuẫn. Trong lúc nói chuyện, giữa hai bên xảy ra xô xát, bà Hà đã tử vong, ông Thịnh và anh Vương là chồng và con rể bà Hà bị thương nặng.
Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân ban đầu là do trong hai năm 2016 và 2017 gia đình bà Hà đã vay tiền của ông Hồng nhiều lần với tổng số tiền 3,6 tỷ nhưng đến nay vẫn không trả. Sau nhiều lần đòi nợ không thành, ông Hồng đã nảy sinh ý định giết người rồi tự tử.
Tiếp đến, ngày 19/9, Nguyễn Văn Có ở xã Thanh Phú, thị xã Bình Long, Bình Phước đến nhà anh mình là ông Nguyễn Văn Thấy, dùng súng bắn liên tiếp vào vợ chồng anh trai mình. Sau khi gây án, Có để xe máy lại rồi bỏ trốn.
Vợ chồng ông Thấy được người dân đưa đi cấp cứu nhưng bà Đàn đã tử vong tại bệnh viện. Nguyễn Văn Có sau khi bị công an truy bắt đã dùng súng tự sát trong rừng cao su cách hiện trường 15km. Nguyên nhân xảy ra vụ án do hai anh em tranh chấp đất đai. Ông Thấy cho biết, giữa ông và em trai không nhìn mặt nhau đã hơn 20 năm….
Làm gì để đẩy lùi bạo lực gia đình?
Theo Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, xưa nay, trong các gia đình Việt, mối quan hệ anh chị em rất nhiều chiều nên phong phú, đa dạng, giàu cảm xúc. Trong các mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, quan hệ anh chị em chiếm một vị trí đặc biệt. Ở đây vừa có quan hệ trên dưới (anh chị em), vừa có quan hệ bình đẳng (đều là con), nên mối quan hệ này phong phú hơn các mối quan hệ khác. Sống trong những mối quan hệ này, con người trở nên linh hoạt, tinh tế, đầy trách nhiệm.
Chính vì vậy mà trong kho tàng tục ngữ, ca dao có rất nhiều châm ngôn, danh ngôn sâu sắc về quan hệ anh chị em. Nếu như câu ca dao: “Anh em như thể chân tay/Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần” là một lời tâm sự tỉ tê, một lời khuyên chân thành về cách ứng xử; thì câu “Anh em trên kính, dưới nhường/Là nhà có phúc, mọi đường yên vui” đưa ra cách đánh giá giá trị của cách ứng xử tốt đẹp, đúng đạo lý giữa anh và em… Tư tưởng này đã ăn sâu vào quan niệm người Việt, thế nên thời gian gần đây, khi các vụ án trong gia đình, đặc biệt là các vụ án giữa anh chị em xảy ra đã khiến nhiều người sững sờ, lo lắng.
Có thể nói, với những vụ án này, chế tài pháp luật chỉ là một trong những yếu tố có thể tác động đến sự gia tăng hoặc giảm bớt những hành vi vi phạm pháp luật. Điều quan trọng là phải xem xét và nhìn nhận khách quan những yếu tố mang tính quyết định tới sự gia tăng hành vi phạm tội trong những năm gần đây. Những tệ nạn như ma túy, cờ bạc, rượu chè... chính là những tác nhân xấu khiến người ta mất đi những chuẩn mực đạo đức vốn có.
"Sát hại người thân là nỗi đau lớn không chỉ với chính gia đình xảy ra vụ việc mà còn ảnh hưởng đến tâm lý của cộng đồng. Do đó, cùng với việc nâng cao công tác giáo dục trong mỗi gia đình, cần sự vào cuộc của các đoàn thể xã hội đối với những gia đình tiềm ẩn mâu thuẫn trong sinh hoạt. Có như vậy mới ngăn chặn được những vụ việc đau lòng xảy ra trong gia đình hiện đại", một luật sư nhấn mạnh.
Ở góc độ chuyên gia tâm lý, nhà tư vấn tâm lý Đinh Đoàn đã phần nào đưa ra câu lý giải vì sao BLGĐ ngày càng “leo thang”. Theo ông Đinh Đoàn, có nhiều lý do như: nhiều chương trình phòng chống BLGĐ chỉ dừng lại ở những khẩu hiệu, phổ biến luật, thành lập ban bệ, chưa đi sâu vào những hoạt động cụ thể. Đa số người dân có nghe “loáng thoáng” về phòng chống BLGĐ, nhưng cụ thể là làm gì để ngăn ngừa, đối mặt, đẩy lùi BLGĐ thì họ lại không biết.
Cũng theo ông Đinh Đoàn, nhiều người cho rằng một phần lỗi nằm ở sự ảnh hưởng của công nghệ, internet, mạng xã hội… . Tuy nhiên, những thứ này không có lỗi, mà lỗi ở người khai thác chúng. Công nghệ hiện đại giúp con người “xa mà như gần”, tiết kiệm thời gian đi lại, ở đâu cũng có thể quan tâm đến nhau, hiểu biết nhau nhiều hơn, mọi người hạnh phúc hơn.
Nếu sử dụng công nghệ, mạng xã hội để hẹn hò, thỏa mãn những nhu cầu cá nhân, không chú trọng xây dựng các mối quan hệ thực, chỉ sống ảo… thì công nghệ hiện đại lại trở thành có hại, là tác nhân khiến cho các mối quan hệ trong gia đình lỏng lẻo, thiếu sự quan tâm, sống vô cảm với nhau.