“Mong rằng cậu không chê ít”
Có thể nói, “nhẫn là trong lòng không còn có kẻ thù”- tham, sân, si là do sống vội là bởi triết lý sống đã thay đổi nhiều. Ngày trước, người ta sợ phạm tội với trời đất và sợ làm phiền lòng hàng xóm láng giềng. Ngày nay, nhiều người sẵn sàng phạm tội miễn là có tiền, có quyền. Ngày nay, nhiều người tin và thực hành phong thủy, mua thần, bán thánh nhiều hơn trước nhưng hành động lại vô cùng man rợ…
Và đến mức tuyệt tình như vụ thảm sát ở Đan Phượng dường như tột cùng của máu lạnh. Tất cả bắt nguồn từ những mâu thuẫn không được giải quyết, từ những “lời chì, tiếng bấc” hàng ngày… Sự kìm nén khủng khiếp tới mức sau một đêm người anh đã quyết cầm dao giết em dâu và cháu ruột. Nhưng rồi, trong cơn khát máu, người anh máu lạnh ấy đã “không làm chủ được tốc độ” chém giết từng người thân trong nhà…
Và như vậy, trong đời, một câu nói có thể mở ra đường sống cho một người và một câu nói cũng có thể đẩy người khác vào tuyệt lộ. Cổ ngữ có câu: “Thiện ý một câu ấm ba đông, lời ác lạnh người sáu tháng ròng”.
Chuyện kể rằng, nữ tài xế taxi trên đường đi làm gặp một tên cướp. Hắn rút dao đe dọa chị phải nộp ra toàn bộ tiền mặt. Chị bình tĩnh giao tất cả số tiền trong người cho hắn, mỉm cười nói: “Hôm nay tôi chỉ kiếm được một chút này, mong rằng cậu không chê ít!”.
Tên cướp hơi sững người vì thái độ của chị, lặng lẽ cầm lấy số tiền trong tay chị, đoạn châm điếu thuốc hút một hơi dài. Nữ tài xế nhìn vẻ mặt đăm chiêu của tên cướp một hồi rồi nói: “Nhà cậu ở đâu? Tiện có xe ở đây, tôi sẽ đưa cậu về. Đã muộn như vậy rồi, đừng để người nhà phải lo lắng!”.
Tên cướp vẫn lặng lẽ châm thuốc đốt từng điếu, từng điếu, mắt vẫn không nhìn nữ tài xế, đột nhiên thu con dao nhọn lại đút vào túi quần. Nữ tài xế tiến lại gần hơn nói: “Tôi hiểu nỗi khổ tâm của cậu. Ngày trước nhà tôi cũng rất nghèo, tôi phải làm đủ thứ nghề để kiếm sống. Sau này tôi theo người ta học lái xe mới có chút nghề như hôm nay.
Dù không kiếm được quá nhiều tiền nhưng cũng không đến nỗi phải bán lương tâm. Mà này, cậu là nam nhi sức dài vai rộng, tứ chi lành lặn, sao không tìm lấy một nghề tử tế mà kiếm sống. Đi vào con đường này để cả cuộc đời bị hủy hoại sao? Năm nay tôi đã ngoài 40, tôi nom cậu còn trẻ lắm, chắc chưa đến 20, tương lai phía trước còn dài”.
Tên cướp lặng thinh chẳng nói một lời, hình như có tiếng thở dài khe khẽ ở phía ghế sau… Đi được một đoạn, tên cướp xin xuống. Nữ tài xế lấy hai chiếc bánh bao vẫn còn nóng để trong cốp xe dúi vào tay hắn mỉm cười: “Tiền của tôi coi như biếu cậu, nhớ dùng nó mà làm chút việc đúng đắn, sau này đừng đi làm cái việc không ra người thế này nữa. Bánh bao còn nóng, chắc từ tối đến giờ cậu cũng chưa ăn gì, đúng không?”.
Đến lúc này, tên cướp không thể kìm nổi, đột nhiên bật khóc nức nở, hai tay ôm lấy khuôn mặt, nấc lên thành tiếng. Hắn lấy toàn bộ số tiền vừa cướp được khi nãy nhét vào tay chị tài xế, đoạn nói: “Chị ơi, sau này em có chết đói cũng nhất quyết không làm cái việc này nữa!”.
Đường phố chẳng có một ai, tài xế nữ mỉm cười đầy bao dung, lấy khăn tay lau từng hàng nước mắt không ngừng tuôn rơi trên khuôn mặt chàng thanh niên hiền lành, vừa khi nãy vẫn còn là kẻ cướp hung tợn.
Lời nói đôi lúc là mũi dao nhọn sát thương, đôi khi lại là dòng suối mát trong lành. Lời nói xuất phát từ một nội tâm thuần khiết, lương thiện thực sự có thể làm tan chảy cả trời đất, có thể cứu rỗi một cuộc đời! Cuộc sống đã quá mỏi mệt rồi, tại sao người ta cứ phải dành những lời “ác khẩu”, cay nghiệt với nhau? Tại sao không thể lùi một bước lắng nghe nhau, trao cho nhau những lời thiện ý?
Lòng từ bi, trắc ẩn có thể cứu vớt một tên tội phạm trở thành người lương thiện, có thể mở ra ánh sáng cuối đường hầm cho một cuộc đời đầy bi kịch. Và cuộc sống giống như gương soi, khi bạn mỉm cười, bạn sẽ nhận được nụ cười! Cuộc sống nhẹ nhõm hay nặng nề là ở bản thân bạn. Bởi khó khăn lớn nhất của con người chính là vượt qua bản thân mình mà thôi!
Một người khi càng trưởng thành sẽ càng thấu hiểu cuộc đời, không chỉ độ lượng với bản thân mà còn khoan dung người khác, thậm chí với cả kẻ thù của mình. Biển có từ trăm nghìn dòng sông nên mới vô cực. Độ lượng với lỗi lầm của người khác thực ra cũng là giải thoát cho chính mình.
Hạnh phúc nằm ở đây, vào lúc này
Và trong cuộc sống hối hả này, chúng ta nói nhiều đến sự bình tĩnh sống. Ông Vương Vũ Thắng, Chủ tịch Hội đồng Công ty cổ phần VCCorp cho rằng: Bình tĩnh sống là một cách sống sâu sắc hơn cách sống thông thường, một cách sống ngày càng bắt chúng ta phải vội vã hơn. Chúng ta có điện thoại, tức là người ta lúc nào cũng phải kết nối với công việc, khi nó đến thì ta phải giải quyết ngay.
Tức là, cái cuộc sống phải kết nối nhiều quá nó giúp ta kết nối ở mọi lúc, mọi nơi - nhưng nó cũng tạo cho mọi người cái thói quen là luôn chờ một cái gì đó để giải quyết. Họ không có trạng thái sống là bình thường đi lại được nữa. Và nó khiến sự bình tĩnh trong cuộc sống đang giảm dần đi, dẫn đến một trạng thái sống là hơi vội vã để sống.
Nhưng người ta không hiểu là khi sống vội ấy thì vội chính là bỏ lỡ. Bỏ lỡ rất nhiều khoảnh khắc của tình cảm gia đình, vẻ đẹp của thế giới xung quanh, đi băng băng trên đường không thấy được gió, không thấy được hoa, không thấy được cây cối, không thấy được cái đẹp qua mỗi bước chân trên đường…
Nhà Phật có câu: Hạnh phúc không nằm ở cái đích mà ở con đường. Hạnh phúc thật sự không phải là mình đạt được một cái gì đấy, mà là quá trình đi đến đấy mình đã trải nghiệm, đã kinh qua được những điều gì. Bởi khi đạt được rồi, người ta lại muốn cái khác. Thế nên, sự bình tĩnh làm người ta cảm nhận được hiện tại, cảm nhận được cái đẹp, cái hay của cuộc sống. Những điều nhân văn, những điều cảm động, tình nghĩa trong cuộc sống mà bình thường một người vội vã sống không tìm ra được.
Thế nên, bình tĩnh sống rất gần với việc sống cho hiện tại. Nên chỉ những người nào bình tĩnh, mới cảm nhận được thực sự vẻ đẹp của cuộc sống. Người nào không bình tĩnh sống, sẽ vội vã sống, sẽ bỏ lỡ sống và sẽ không cảm nhận được điều gì là hạnh phúc, hạnh phúc nằm ở đâu?
Có một ví dụ dễ hiểu thế này: Con chó và con sư tử. Mình ném vào con chó một cái que thì nó xông vào, cắn cái que đó của bạn. Và người khác ném, nó lại xông vào cắn cái que tiếp. Như vậy cả đời nó luôn luôn chạy theo cái que người khác ném vào nó. Như vậy là sống bằng phản ứng. Con sư tử sẽ làm gì? Nếu ta ném cái que vào con sư tử, liệu nó cắn cái que hay cắn người? Nó sẽ đi cắn cái người mà ném cái que.
Chính sự bình tĩnh của con sư tử giúp nó thấy vấn đề thực sự nằm ở đâu, và nó sẽ giải quyết ở ngay chỗ có vấn đề ấy, chứ nó không mất năm lần bảy lượt đuổi theo và cắn cái que rồi lại bị ném tiếp. Vậy thì thái độ bình tĩnh sống là thế, biết cái gì có ý nghĩa và bỏ qua cái gì không có ý nghĩa. Còn không bình tĩnh thì giống với chú chó trên, cuộc đời mình có gì thì cứ quanh quẩn với cái đấy suốt, không bao giờ thoát ra được cả.
Đó còn là một câu của nhà Phật. Chỉ có giây phút hiện tại thôi, hạnh phúc có nằm ở quá khứ hay tương lai đâu, hạnh phúc nằm ở đây, vào lúc này. Không ai có thể quay về quá khứ để cảm nhận, cũng chẳng ai biết tương lai đi về đâu.
Nhưng ngay phút hiện tại này, mọi người đều có thể cảm nhận được - không khí, ánh sáng cảm giác xung quanh, sự bình an trong tâm hồn, tất cả những thứ ấy ở hiện tại hết, niềm vui cũng ở trong hiện tại mà thôi.
Triết lý thì rất là nhiều, nhưng cái nào mang lại hạnh phúc nhiều hơn? Bởi đúng sai rất khó nói, vì hôm nay đúng, ngày mai có thể lại là sai, nhưng nếu nó đem lại hạnh phúc thì nó là thứ có giá trị. Nhiều người trong cuộc sống hiện nay vẫn nghĩ rằng những lời cay độc của mình là những lời nói thẳng thắn mà người khác cần trân trọng. Nhưng không, dù nói thẳng, nói thật thì vẫn phải có đạo lý. Lời nói mà không hiểu đạo lý, châm chọc người khác thì chính là những lời độc địa.
Con người không bao giờ chạm đến sự hoàn hảo, sẽ có những việc làm bạn lo lắng cả dời, có những người bạn nợ cả đời. Muốn giảm thiểu sân (hằn học, ganh ghen đố kị) cần lắm sự thành thật với chính mình để bớt hoang tưởng, biết điểm mạnh yếu của mình để bớt hẹp hòi, đố kị, chấp nhận sự khác biệt.
Bởi tâm trí chúng ta đáng được nâng niu, trân trọng. Chúng ta xứng đáng được sống trong một thế giới nhân ái, bình yên và hạnh phúc. Và bởi bạn cùng những kẻ làm bạn tổn thương hay những người từng bị bạn làm cho thương tổn, đều khao khát yêu thương và xứng đáng được chữa lành…