Phá cả rừng bảo tồn
Ngày 3/10, Đại tá Trần Duy Trường - Trưởng Công an huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk cho biết, ngày 1/10, công an huyện đã có lệnh bắt tạm giam các đối tượng gồm: La O Y Lem (SN 1999), Ha Ra Y Trang (SN 1993) và Lê Mô Y Cường (SN 1980), đều thường trú tại buôn Zô, xã Ea Ly, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên để điều tra, làm rõ hành vi chặt phá rừng xảy ra tại tiểu khu 622, thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, tỉnh Đắk Lắk.
Trước đó, vào khoảng 9h ngày 28/9/2016, trong lúc tuần tra tại tiểu khu 622, lực lượng kiểm lâm của khu bảo tồn đã phát hiện một số đối tượng đang có hành vi kéo gỗ trong rừng. Bị phát hiện ngay lập tức các đối tượng đã bỏ chạy còn lại La O Y Lem, Ha Ra Y Trang và Lê Mô Y Cường đã bị bắt giữ.
Tại hiện trường, theo lời khai của các nghi phạm và xác định ban đầu của Hạt Kiểm lâm Ea Sô thì nhóm đối tượng đã chặt hạ 26 cây giáng hương (nhóm IIA) và đã xẻ thành 23 hộp gỗ, có khối lượng là 1,452 m3; 8 lóng gỗ xẻ thành hình lục giác, khối lượng 0,665 m3; khối lượng gỗ còn lại chưa xẻ là 5,714 m3. Tổng khối lượng gỗ bị thiệt hại (quy tròn) tại hiện trường là 8,702 m3.
Cây giáng hương có đường kính trên 50 cm bị chặt hạ ngày 28/09/2016 |
Ngay sau đó, toàn bộ hồ sơ vụ việc và các đối tượng bị bắt giữ đã được Hạt Kiểm lâm bàn giao cho cơ quan công an tiến hành điều tra, làm rõ theo quy định của pháp luật.
Theo tìm hiểu, Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (xã Ea Sô, huyện Ea Kar) có tổng diện tích 26.600 ha, trong đó phân khu bảo vệ nghiêm ngặt là hơn 15.000 ha; phân khu phục hồi sinh thái hơn 9.000 ha; phân khu dịch vụ hành chính là 2.000 ha. Trong khu bảo tồn có nhiều loại gỗ quý, như: Giáng Hương, Cẩm Lai, Cà Te, Trắc… và nhiều động vật quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng.
Thế nhưng, thời gian gần đây, khu rừng này đã bị nhiều nhóm lâm tặc “tấn công” đốn hạ bất kể ngày đêm. Nhiều nơi, rừng bị chặt phá chỉ cách Quốc lộ 29 và cách các trạm kiểm lâm của khu bảo tồn này vài trăm mét. Điều này không chỉ cho thấy sự ngang nhiên, táo tợn của lâm tặc mà còn đặt dấu chấm hỏi về vai trò và trách nhiệm của các cơ quan chức năng.
Đáng chú ý vào tháng 3/2016, tại tiểu khu 637 của khu bảo tồn, 29 cây gỗ giáng hương quý hiếm có đường kính từ 20 đến 30 cm cũng bị lâm tặc chặt hạ chỉ cách quốc lộ 29 khoảng 30 mét và cách Trạm Kiểm lâm số 1, thuộc Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô chừng 500 mét nhưng lực lượng kiểm lâm ở đây không hề hay biết. Đến nay, cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra được đối tượng trong vụ phá rừng trên (!?)
Gỗ giáng hương đã bị lâm tặc xẻ thành hộp tại tiểu khu 622 ngày 29/09/2016 |
“Phớt lờ” lệnh đóng cửa rừng
Chỉ trong 2 ngày cuối tháng 9 năm 2016, các cơ quan chức năng của tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện 2 vụ chặt phá rừng tự nhiên với khối lượng gỗ khá lớn, ngoài vụ phá rừng tại Khu bảo tồn Ea Sô nói trên còn có vụ phá rừng tại tiểu khu 718 thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ núi Vọng Phu.
Tang vật thu giữ gồm 65 lóng gỗ, khối lượng 35 m3 từ nhóm III đến nhóm IV, cùng 4 đối tượng là: Nguyễn Kiệp, Đỗ Ngọc Khoa, Trần Khánh Linh và Hồ Văn Hùng (cùng trú tại tỉnh Phú Yên) đã bị Phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Đắk Lắk cùng với Công an huyện M’Drăk (tỉnh Đắk Lắk) phối hợp bắt giữ vào chiều tối ngày 30/9. Hiện cả 2 vụ chặt phá rừng đang được các cơ quan chức năng điều tra, xử lý.
Điều đáng nói, ngày 20/6/2016, tại hội nghị các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016- 2020 tổ chức tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thượng tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát chủ trì, Thủ tướng Chính Phủ đã chỉ đạo lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên đóng tất cả rừng tự nhiên.
Người đúng đầu Chính phủ cũng đồng thời yêu cầu cấp ủy, chính quyền địa phương nâng cao trách nhiệm được giao, ngăn chặn tình trạng tàn phá rừng đang xảy ra. Thủ tướng cũng đã yêu cầu làm rõ trách nhiệm từng diện tích, từng địa bàn rừng bị mất, xử lý nghiêm các doanh nghiệp sử dụng gỗ không có giấy phép hợp lệ. Nhưng đáng tiếc là từ đó đến nay, rừng tự nhiên ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk vẫn bị lâm tặc tàn phá.
Các đối tượng phá rừng tại tiểu khu 622 (Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô) bị bắt giữ ngày 28/9/2016. |
Đối với công tác quản lý bảo vệ rừng thiên nhiên Ea Sô, ông Trần Lê Trinh, phó giám đốc ban quản lý khu bảo tồn cho biết, những năm qua lực lượng kiểm lâm đã ký kết quy chế phối hợp lực lượng kiểm lâm của các tỉnh, huyện giáp ranh với khu bảo tồn, nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng ở đây.
Theo đó, lực lượng kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô đã truy quét, bắt và xử lý lâm tặc tại các vùng rừng giáp ranh thuộc địa bàn huyện Sông Hinh (tỉnh Phú Yên) và huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai).
Đồng thời, khu bảo tồn đã thành lập 9 Trạm Kiểm lâm địa bàn để tiến hành quản lý, bảo vệ rừng và kiểm soát lâm sản tại những vùng giáp ranh với các tỉnh Phú Yên, Gia Lai và những điểm nóng trong khu bảo tồn.
“Tuy nhiên, do địa bàn rộng, địa hình phức tạp, các đối tượng phá rừng ngày càng liều lĩnh, manh động và sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi khi chặt phá rừng, săn bắn động vật rừng trái phép, nên rừng ở những khu vực giáp ranh vẫn bị tàn phá nặng nề”, ông Trinh thừa nhận.
Điều 189 Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009, về Tội huỷ hoại rừng
1. Người nào đốt, phá rừng trái phép rừng hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
c) Hủy hoại diện tích rừng rất lớn;
d) Chặt phá các loại thực vật quý hiếm thuộc danh mục quy định của Chính phủ;
đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Hủy hoại diện tích rừng đặc biệt lớn;
b) Hủy hoại rừng phòng hộ, rừng đặc dụng;
c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.