Nơi lưu giữ “báu vật” phật giáo
Tọa lạc trên khuôn viên 3ha, chùa Viên Đình có từ đầu thời Lý, được đích thân vua Lý chỉ định xây dựng sau khi ngắm nhìn địa thế núi sông. Tuy nhiên, sau này ngôi chùa vẫn ngày càng xuống cấp. Năm 2002, Đại đức Thích Chơn Phương chính thức về trụ trì chùa Viên Đình, bắt đầu công cuộc trùng tu, gìn giữ những “báu vật” còn lại từ xa xưa để có một ngôi chùa như ngày nay.
Tại gian Chính điện, một tòa Xá lợi Phật với hơn 30 tháp Xá lợi từ 8 quốc gia Phật giáo lớn trên thế giới cúng dường. Đây cũng là kỷ lục chùa Viên Đình đang sở hữu. Đại đức Thích Chơn Phương, trụ trì chùa cho biết đã đi nhiều nơi trên thế giới, trong đó từng đặt chân đến các đất Phật như Ấn Độ, Myanmar, Thái Lan, Nepal và được tặng nhiều Xá lợi Phật.
Theo vị trụ trì giải thích, xá-lợi là những phần kết tinh còn lại sau khi làm lễ trà tỳ (hỏa thiêu) nhục cốt của Đức Phật. và các vị cao Tăng từ hơn 2.000 năm trước. Ngọc xá lợi có hình hơi tròn và cứng, kích thước khác nhau, xá lời thường có màu trắng, đỏ, hồng, xanh và vàng Vì thế xá lợi được xem là “báu vật” phật giáo.
Xá lợi Phật tại chùa Viên Đình với đủ các màu sắc và kích cỡ khác nhau là báu vật vô giá của Phật giáo Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Trong mỗi một tháp xá lợi Phật có rất nhiều viên nhỏ. Mỗi viên Xá lợi Phật khi nhìn ở mỗi một góc cạnh khác nhau lại phát ra một loại màu sắc khác nhau. Chính vì thế, khi đặt chân vào tháp Xá lợi Phật tại chùa Viên Đình, nhiều người thực sự bị choáng bởi vẻ đẹp lung linh, huyền ảo mà tất cả xá lợi hòa quyện với nhau.
Có sự tích kể rằng chùa Viên Đình được một vị vua nhà Lý cho xây dựng ở thôn Kẹo bởi gắn liền với sự tích về hai cây duối khổng lồ và quả chuông cổ huyền thoại. Tích truyền lại: Vào đầu thời nhà Lý, với mong muốn đưa đạo Phật phát triển, nhà vua đã đi đến nhiều vùng quê để tìm thế đất xây chùa, tạo điều kiện cho các chư Tăng hoằng dương Phật pháp.
Khi đi đến vùng Đông Lỗ, nhìn thấy hai cây duối đại thụ đứng cạnh nhau mang dáng dấp đôi con rồng rất lạ. Vì thế, vua cho xây dựng chùa trên nền đất có hai cây duối và sắc phong cho cặp duối đại thụ này là Thần mộc hộ quốc. Sau khi chùa xây dựng xong, nhà vua cho đúc quả chuông đồng nặng hơn 2 tấn và khắc lên đó một bài minh.
Khởi nguồn từ cuộc gặp định mệnh
Về câu chuyện tại sao tại chùa Viên Đình lại lưu giữ nhiều xá lợi đến vậy, theo lời nhà sư trụ trì đều là duyên. Nhà tu hành Chơn Phương đã đi đến hàng chục quốc gia lớn nhỏ, trải qua hàng chục trung tâm Phật giáo trên thế giới như: Ấn Độ, Nê Pan, Srylanka, Myanmar, Thái Lan, Mỹ, Australia, Đài Loan… để giao lưu văn hóa, trao đổi Phật pháp và quảng bá hình ảnh về đất nước, con người và Phật giáo Việt Nam. Nhờ sự nỗ lực không ngừng ấy mà nhiều trung tâm Phật giáo lớn trên thế giới đã biết đến văn hóa Việt Nam.
Đặc biệt, bắt đầu từ chuyến hành hương thăm đất Phật Ấn Độ lần đầu tiên, năm 2003, Đại đức Thích Chơn Phương đã gặp gỡ với Hòa thượng Thích Huyền Diệu - Chủ tịch liên đoàn Phật giáo thế giới. Sau những trao đổi Phật giáo hết sức tâm đắc cùng với việc hiểu rõ nguồn cội thiêng liêng của chùa Viên Đình, Hòa thượng Thích Huyền Diệu đã quyết định cung tiến Xá lợi Phật về chùa và về Việt Nam thăm chùa Viên Đình.
Trong lần viếng thăm này, Hòa thượng Huyền Diệu đã tặng một cây bồ đề từ Ấn Độ, trồng tại khuôn viên nhà chùa.
Bắt đầu từ đó, trên con đường đi giao lưu văn hóa và Phật giáo với các nước bạn, nhiều nước và vùng lãnh thổ, đã rất ngưỡng mộ văn hóa Việt Nam, đặc biệt là văn hóa Phật giáo, xin cúng dường Xá lợi Phật về chùa như: Ấn Độ, Nepal, Srylanka, Myanma, Mỹ, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc). Cho đến thời điểm hiện tại, chùa Viên Đình đã có hơn 30 tháp Xá lợi Phật do 7 trung tâm Phật giáo trên thế giới 8 lần cúng dường.
Trụ trì Thích Chơn Phương kể rằng, trên mỗi đất nước ông đặt chân đến, đâu đâu cũng yêu quý người Việt Nam và ngưỡng mộ văn hóa Việt Nam. Ông nhớ nhất là Đức tăng thống Myanmar và công chúa Hoàng gia Thái Lan trong những lần cúng dường Xá lợi Phật vào chùa Viên Đình đã đích thân tới thăm chùa, viếng Phật để tìm hiểu và khám phá văn hóa nước Việt.