Nói không với quà của người lạ
Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất (Giám đốc Trung tâm tư vấn tâm lý An Việt Sơn) cho rằng, để tránh bị bắt cóc, cha mẹ nên dạy trẻ biết từ chối các món quà như đồ chơi, bánh kẹo và các lời rủ rê trẻ đi chơi… từ những người lạ mà không có người thân bên cạnh. Giải thích cho trẻ rằng, điều này có thể gây nguy hiểm cho con, nhất là với những người con chưa hề quen biết. Cũng đừng quên giải thích cụ thể cho trẻ biết “người lạ” là ai.
Cha mẹ có thể dạy cho con một mật khẩu bí mật mà chỉ có cha mẹ và người thân cận biết. Nếu người lạ muốn tiếp xúc, hỏi han hay cho quà... thì họ phải có sự đồng ý của cha mẹ về mật khẩu bí mật. Khi đó, trẻ mới có thể đồng ý tiếp xúc với người lạ.
Ghi nhớ thông tin của người thân
Hãy dạy trẻ ghi nhớ số điện thoại của bố mẹ, anh chị, ông bà của mình để khi bị lạc hay bị bắt cóc biết cách cung cấp cho những người muốn giúp đỡ. Cha mẹ cũng nên dạy trẻ ghi nhớ địa chỉ nhà mình và dạy bé không nên tiết lộ những thông tin này với những người lạ khi không tin tưởng vì bé cũng có thể gặp nguy hiểm nếu tiết lộ thông tin bừa bãi.
Ngoài ra, khi cha mẹ cho con đến những nơi đông người, có thể viết những thông tin liên hệ để vào túi quần áo của trẻ để phòng khi bé bị lạc, những người xung quanh cũng dễ dàng liên lạc với gia đình.
Giới hạn người trẻ có thể tin cậy
Trẻ còn nhỏ không nên để quá nhiều người đón khi tan học, chỉ nên để hai người thân thiết trong gia đình. Nếu có người lạ đến đón, bố mẹ phải chủ động liên hệ với cô giáo qua số điện thoại, cung cấp tên và số điện thoại của người thay thế. Nói với con ngoài những người này ra nếu ai khác đến đón, đề nghị chở đi… cần nói không hoặc bỏ chạy, tìm đến những người tin cậy để nói lại việc vừa xảy ra.
Trường hợp trẻ ở nhà một mình, cha mẹ cần dạy con đề cao cảnh giác không mở cửa cho người lạ vào. Nếu họ có tự xưng là những người bạn thân của bố mẹ cũng không mở cửa mà gọi điện cho bố mẹ để hỏi rõ về những người tự xưng là bạn của bố mẹ.
Cân nhắc khi đưa thông tin của trẻ lên mạng
Việc đưa thông tin của trẻ lên mạng hiện nay đang tiềm ẩn nhiều mối nguy. Cha mẹ không nên đưa tên, hình ảnh trường học của con, đăng tải ảnh con không mặc quần áo, bức ảnh có họ và tên đầy đủ của con... Nếu cập nhật thường xuyên, người lạ theo dõi một thời gian có thể biết quy luật sinh hoạt của mỗi gia đình. Từ đó, kẻ xấu hoàn toàn có thể lợi dụng lúc con ở một mình để bắt cóc và xâm hại.
Bên cạnh đó, nếu thường xuyên công khai thông tin trên mạng, kẻ xấu có thể sử dụng tên tuổi, số điện thoại, địa chỉ nhà của phụ huynh để đến đón con tại trường. Chúng cũng biết được thói quen và sở thích của con trẻ để dễ dàng dụ dỗ.
Tạo tình huống giả định cho trẻ tìm giải pháp
Chuyên gia tâm lý Hoàng Dương Bình (Trung tâm tư vấn Hoàng Nhân) cho hay, để dự phòng, cha mẹ không nên dọa trẻ em phải thế này phải thế kia mà cần trao đổi với các em về một vài sự kiện bắt cóc, cùng nhau chấp nhận rằng đó là một khả năng có thể đến với mình. Qua đó để trẻ có ý thức lựa chọn khi đến chỗ vắng, đi với người lạ, hoặc biết kiểm tra những kẻ xuất hiện bất thường nơi cổng trường, đầu ngõ…
Cha mẹ có thể đưa ra những tình huống giả định và cho trẻ tìm các giải pháp để phòng tránh nguy cơ bị bắt cóc. Hãy cùng con xem những video phóng sự, clip mô phỏng, mô tả các tình huống thiếu an toàn mà những bé khác gặp phải khi không ở cùng bố mẹ của mình nhằm hình thành ý thức phòng vệ trong những tình huống tương tự có thể xảy ra nếu trẻ gặp phải.
Trẻ bao giờ cũng nhạy cảm và dễ phát hiện sự bất thường, khuyến khích trẻ các kỹ năng chống kiểm tra, ví dụ như thấy người theo đuôi vài ba lần, thấy người hay nhìn ngó bất thường, thấy các tin nhắn lời mời lạ thì trao đổi ngay với bố mẹ hoặc người tin cậy để phân tích tình huống.
Sử dụng chíp định vị
Dạy trẻ nên đi cùng nhóm bạn, nên đi ở đường chính nơi có gắn các camera giao thông hoặc an ninh vì nơi này cơ quan điều tra có cơ hội truy xuất hình ảnh. Hoặc khi có nguy cơ cao, đơn giản là cha mẹ cùng con thảo luận và nếu con đồng ý thì sử dụng các chíp định vị đã được hóa trang ở gấu quần túi áo.
Tất nhiên, với trẻ trên 10 tuổi cần thảo luận với con và phải được con thoải mái đồng ý hợp tác. Ngược lại, nhiều cha mẹ lạm dụng để kiểm soát hoặc thiếu tinh tế cứ gặng hỏi sao con rẽ đây, rẽ kia sẽ làm cho con bị ức chế, không tin tưởng dẫn đến stress, tâm bệnh.
Kỹ năng xử lý khi bị lạc
Nếu đến chỗ đông người, người lớn cần luôn theo sát trẻ vì chỉ cần chút lơ là là trẻ có thể bị tuột khỏi tầm tay cha mẹ. Cha mẹ nên dạy cho trẻ kỹ năng xử lý khi bị lạc. Hãy dạy trẻ tìm đến những nơi có thể giúp đỡ như quầy thông báo tại siêu thị, đồn công an… cha mẹ có thể giúp trẻ nhận diện đâu là đồn công an, quầy thông báo mỗi khi đi ngang qua đó. Hoặc dạy con tìm những bà mẹ có con nhỏ và xin giúp đỡ.
Kỹ năng thoát hiểm khi bị bắt cóc
Dạy trẻ khi bị ai đó bắt cóc thì đừng lo lắng, khóc lóc mà thực hiện các kỹ năng cần thiết. Hãy dạy trẻ cách kêu cứu hoặc tìm đến những nơi có thể giúp đỡ nếu bị người lạ dẫn đi: Kêu to “cứu cháu với”, “Cháy nhà”, “Bắt cóc người”… khi đi qua gặp những người mặc đồng phục: Công an, bảo vệ hoặc đôi vợ chồng có dắt cháu nhỏ; khi đi qua quầy thông báo tại siêu thị, đồn công an…
Bình tĩnh mới tự phát hiện ra kẽ hở, ra cách để có cơ hội thoát thân và qua đó tìm cơ hội để gọi điện cho người thân, tìm cơ hội để viết những mảnh giấy nhắn vứt ra đường, tìm cách giả ngoan ngoãn ngây ngô để đánh lừa rồi bỏ trốn. Phản ứng quyết liệt, la hét báo tin giữa chỗ đông người. Mọi phương án đều có 2 mặt, nhưng một đứa trẻ biết cách tự làm chủ bản thân thì cơ hội thoát thân sẽ cao hơn.
Chuyên gia tâm lý Hoàng Dương Bình