Trong 821 phụ huynh được hỏi tại 4 tỉnh, thành phố là Hà Nội, TP HCM, Long An, Bắc Giang có đến 84,63% phụ huynh đánh giá mức độ ảnh hưởng của gia đình đối với sự phát triển của trẻ là rất quan trọng.
Trong khi đó, 30,29% cha mẹ cho biết dạy con chủ yếu từ kinh nghiệm cảm tính bản thân; 79,32% thông qua tự học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và chỉ 11,44% tham gia các khóa bồi dưỡng kiến thức, chăm sóc, giáo dục trẻ.
Điều đó cho thấy, mặc dù được xác định là rất quan trọng song lâu nay, việc học hỏi, trau dồi những kiến thức, kỹ năng dạy con chưa được nhiều cha mẹ đầu tư đúng mức. Thế nên mới có câu chuyện, không ít bậc phụ huynh có tâm lý ỷ lại nhà trường, thầy, cô giáo, mà quên mất cha mẹ mới là “người thầy” đầu tiên của chính con mình. Thế nên mới có câu chuyện tại sao bí quyết dạy con của người mẹ này mà người mẹ kia lại không áp dụng hiệu quả.
Bởi, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ tâm lý học Trần Thị Bích Trà, mỗi bé có một tính cách, nhu cầu tâm lý và ngưỡng cảm giác khác nhau. Đơn cử như cùng một hành động quát mắng của cha mẹ, có đứa trẻ sẽ thấy bình thường nhưng có trẻ lại trở nên sợ sệt, thậm chí giật mình khi đi ngủ đêm hoặc thổn thức, tủi thân…
Đó cũng là lý do vì sao nhiều kinh nghiệm được các mẹ “rỉ tai” nhau đôi khi lại không phát huy hiệu quả. Vì thế, chính trong quá trình chơi và học cùng con, phụ huynh cần nắm bắt và hiểu tâm, sinh lý của trẻ để có hướng đi phù hợp nhất.
Cũng xuất phát từ quan điểm này, khi đóng góp ý kiến cho dự thảo Chương trình quốc gia về giáo dục làm cha mẹ, bác sĩ Nguyễn Trọng An - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng đã nhấn mạnh việc xây dựng tài liệu giáo dục làm cha mẹ thì có 2 nhóm tuổi mà cha mẹ phải quan tâm đặc biệt, đó là nhóm dưới 3 tuổi và nhóm trẻ vị thành niên - đối tượng này cực kỳ quan trọng bởi bắt đầu thay đổi tâm, sinh lý với rất nhiều vấn đề như bạo lực học đường, vi phạm pháp luật, sử dụng chất gây nghiện trong nhà trường.
Hiện nay, đối tượng học sinh cấp 2 đang bị “đẩy” cho nhà trường nhiều hơn bởi phụ huynh ít hiểu tâm, sinh lý, sự phát triển của trẻ trong giai đoạn này.
Nhà sinh học người Nga Petrovich Pavlov từng nói: “Trẻ sơ sinh đến ngày thứ 3 mới bắt đầu dạy dỗ là đã chậm mất 2 ngày”. Nghe có vẻ hơi vô lý, nhưng sự thực thì đúng là như vậy. Dạy trẻ là quá trình không đơn giản, cha mẹ cần bắt đầu ngay khi bé lọt lòng theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” mới mong đạt được hiệu quả.