Dạy con làm việc thiện - không lúc nào hơn lúc này

(PLVN) - Những ngày mưa bão hoành hành miền Trung, trong những thùng hàng và tiền bạc cứu trợ, người ta thấy cả những món quà được gửi bởi những đứa trẻ. Do trẻ thơ cũng có thể cảm nhận, chia sẻ với nỗi đau của đồng bào, hay cha mẹ trẻ đã giáo dục con thật tốt về lòng nhân ái?
Bé Đăng Khang tổ chức quyên góp giúp người dân vùng lũ.
Bé Đăng Khang tổ chức quyên góp giúp người dân vùng lũ.

Những đứa trẻ giàu lòng nhân ái

Bùi Dương Tuệ Minh là cậu bé mới 8 tuổi, học tiểu học tại một ngôi trường tư ở quận Bình Thạnh đã đến một tòa soạn báo để xin ủng hộ số tiền 50 triệu đồng đến người dân vùng lũ. Đó là số tiền em dành dụm được trong suốt 2 năm, cộng với tiền em huy động được từ bạn bè và những người chung quanh. 

Hành trình gây quỹ được 50 triệu đồng của cậu bé cũng rất thú vị. Ban đầu khi nghe kể về tình hình của đồng bào miền Trung đang khốn khổ, em rất lo lắng, thương cảm và bày tỏ với mẹ em ý định đem toàn bộ số tiền 5 triệu đồng tiền dành dụm trong 2 năm qua để ủng hộ. Nhưng mẹ em gợi ý rằng số tiền đó không nhiều lắm, em còn có thể giúp đỡ tốt hơn bằng cách vận động những người chung quanh.

Cậu bé Tuệ Minh liền lên một kế hoạch cụ thể, cần quyên góp thế nào, thuyết phục ra sao và những ai là người cậu bé có thể kêu gọi ủng hộ. Ban đầu, người ủng hộ tiền cho Tuệ Minh là những thành viên trong gia đình: ba, mẹ, bà ngoại, ông nội, mẹ nuôi, sau đó mở rộng đến bạn bè.

Được biết, sau thành công của việc quyên góp cứu trợ, cậu bé còn lên kế hoạch cho việc quyên góp ủng hộ các bạn nhỏ khiếm thính. Tuệ Minh chia sẻ rằng, cha mẹ luôn dạy cậu ở nhà cần ngoan ngoãn, hiếu kính và ngoài xã hội thì biết quan tâm, sẻ chia và giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh hơn mình.

Một cậu bé khác, cũng sinh ra trong một gia đình khả giả, cuộc sống đủ đầy, cha mẹ lại nổi tiếng, nhưng với sự đồng cảm với nỗi khổ của bà con miền Trung đã quyên góp được 102 triệu đồng để ủng hộ. Cậu bé ấy là bé Đăng Khang, con trai ca sĩ Đăng Khôi.

Trước đó, sau khi tham vấn ý kiến cha mẹ, Đăng Khang cũng lập ra một kế hoạch nhỏ và chuẩn bị cho việc kêu gọi quyên góp. Cậu bé còn tự tay thực hiện tấm bảng “Bớt 1 bữa sáng ấm lòng miền Trung” để tổ chức quyên góp tại ngôi trường đang học. Chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ, số tiền quyên góp từ người thân trong gia đình và bạn bè, thầy cô ở trường chính xác là 102,548 triệu đồng.

Đăng Khang cũng cùng mẹ lên kế hoạch dùng số tiền này để giúp đỡ như thế nào cho thiết thực như mua lương thực cho 200 - 300 người dân, hoặc giúp đỡ họ hồi phục sau lũ bằng cách mua gà, lợn, cây trồng cho 20 - 30 hộ dân.

Dạy con làm việc thiện, dạy được rất nhiều điều!

Cách đây mấy hôm, mạng xã hội lan truyền bức ảnh chụp tin nhắn của một đứa trẻ sau khi gửi tiền quyên góp cho đoàn cứu trợ đồng bào miền Trung. Em gửi vài chục ngàn đồng, kèm lời nhắn “nhà em nghèo lắm, đây là tất cả số tiền em dành dụm được gửi cho các bạn ở miền Trung đang bị lũ”.

Số tiền không nhiều, nhưng nó lớn lao đối với một em bé gia đình không có điều kiện và nó khiến nhiều người xúc động bởi tấm lòng của một đứa trẻ dành cho đồng bào mình, bất chấp bản thân cũng khó khăn.

Không chỉ đợt lũ lụt miền Trung năm nay, trong mỗi đợt quyên góp từ thiện, người ta thấy có hình bóng của nhiều đứa trẻ tham gia ủng hộ nhiệt tình. Nhiều trẻ em đập heo đất, có em sửa soạn quần áo, đồ chơi đẹp, có em tình nguyện nhịn tiền tiêu vặt, tình nguyện lấy phần thưởng do học tập giỏi để ủng hộ.

Có không ít em nhỏ theo sát cha mẹ trên những hành trình thiện nguyện, cùng đóng gói hàng hóa, cùng phụ cha mẹ khuân vác lên xe. Hay như đợt đỉnh điểm Covid - 19 vừa qua, nhiều em nhỏ theo cha mẹ đi nấu ăn, phát gạo, phát khẩu trang cho người nghèo…

Tất nhiên, khi thực hiện được những hành động tốt đẹp ấy, bản thân các em đã có tấm lòng nhân ái đẹp đẽ. Nhưng quan trọng không kém là sự dạy dỗ, giáo dục của gia đình. Nếu không có sự dạy dỗ, định hướng đúng đắn, dù các em mong muốn, cũng khó lòng thực hiện được. 

Giáo dục con có biết cảm thông, biết làm điều tốt trong cuộc sống hàng ngày và trong những biến cố của cuộc sống là một trong những phương pháp dạy trẻ tuyệt vời của cha mẹ. Thông qua đó, có thể dạy con trẻ sự bao dung, rộng lòng, tình thương yêu và nhân ái. Việc cha mẹ, người thân đồng hành cùng con trẻ trong hành trình làm việc thiện cũng chính là tấm gương rất tốt để dạy trẻ cư xử, đồng thời thắt chặt tình cảm gia đình. 

Không chỉ thế, như những câu chuyện đã nói ở trên, trẻ còn được hướng dẫn cách lên kế hoạch cho việc quyên góp, cách thức tổ chức quyên góp và cả việc sử dụng đồng tiền để giúp đỡ người gặp khó khăn sao cho hiệu quả, hợp lý nhất.

Tất cả những điều này sẽ góp phần hình thành trong trẻ những tư duy phân tích, tư duy làm việc nhóm, xây dựng kế hoạch cụ thể chi tiết cho mọi việc. Từ đó, trẻ có thêm nhiều kĩ năng quan trọng trong cuộc sống, rất hữu ích trong học tập, công việc và cuộc sống về sau.

Dạy con làm việc thiện, đem lại lợi ích cho mọi người, đem lại niềm vui và nhiều điều tốt đẹp cho cả cha mẹ lẫn con cái. Thế thì sao có thể bỏ qua cơ hội dạy con tuyệt diệu này? 

Lựa chọn lòng nhân, tránh xa độc ác

Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình do Bộ VH-TT&DL ban hành nêu rất rõ về phương pháp giáo dục con trẻ để hoàn thiện về đạo đức, tâm hồn, trở thành người có ích cho xã hội. Theo đó, trẻ càng nhỏ thì sự chi phối về tình cảm của cha mẹ càng lớn.

Giáo dục đạo đức cho con cần chú trọng giáo dục tình yêu thương, sự chăm chỉ, biết nghe lời và lễ phép với người trên, nhường nhịn em nhỏ, biết tôn trọng ý kiến của mọi người... Giáo dục đạo đức cho trẻ còn là giáo dục ý thức như ăn ở sạch sẽ, biết tôn trọng của công, tự mình lựa những giá trị tinh thần cho đời mình, biết cái gì hay, cái gì đẹp để thực hiện, tránh sự độc ác, thấp hèn. 

Muốn giáo dục con ngoan, hình thành và phát triển nhân cách tốt đẹp của con, để con trở thành một công dân chân chính, các bậc cha mẹ nhất thiết phải gương mẫu hoàn thành các vai trò của mình đối với gia đình và xã hội để con bắt chước và làm theo. Sự gương mẫu của cha mẹ và người lớn trong gia đình thể hiện từ trong lời nói, cử chỉ, hành động, cách ứng xử với mọi người trong và ngoài gia đình.

Sự gương mẫu của cha mẹ trong nếp sống hàng ngày tác động đến nhận thức, tình cảm, niềm tin và hành động của con. Gương mẫu tạo ra uy tín của cha mẹ và lòng tôn kính cha mẹ ở con. Để giáo dục gia đình có kết quả, các bậc cha mẹ cần chú ý đến việc rèn luyện, tu dưỡng bản thân. Luôn mẫu mực, luôn nêu tấm gương sáng cho con bắt chước, khi có uy tín với con, được con tin tưởng thì những lời khuyên bảo của cha mẹ sẽ có hiệu quả gấp trăm ngàn lần. 

Đọc thêm