Phòng ngừa từ trong trứng nước
Chị Nguyễn Thị Mỹ Ngân, phụ huynh bé Tí Nị, ngụ quận 4, TP.HCM chia sẻ, thời gian gần đây, trước quá nhiều thông tin về các vụ xâm hại tình dục trẻ em ngày một nhiều, chị rất hoang mang,lo lắng.
Trước đến giờ, con gái chị, Tí Nị, 7 tuổi là một cô bé rất hồn nhiên, vô tư so với bạn bè, chị cũng muốn con phát triển tự nhiên, giữ nét đáng yêu hồn nhiên ấy, nên ít khi nói với con các vấn đề liên quan đến giới tính, cơ thể người, nhiều lúc bé tò mò hỏi, chị cũng lảng tránh đi.
Tuy nhiên, giờ đây, chị bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của việc dạy con nhận biết về giới tính, về các nguy cơ hay cách phản ứng trước sự xâm hại. “Bắt đầu có thể khá khó khăn, nhưng vì sự an toàn của con, tôi buộc phải thay đổi quan niệm của mình, bắt đầu từ việc đặt ra các quy tắc tiếp xúc, luôn để mắt đến con cũng như dạy con cách bảo vệ mình”, chị Ngân chia sẻ.
Khá nhiều phụ huynh, chỉ vì chủ quan, nghĩ những chuyện lạm dụng chỉ là chuyện xa vời “tận đâu đâu”, không bao giờ xảy ra trong gia đình mình, nên đến khi sự việc xảy ra thật, mới bàng hoàng và hối hận về đã không thực sự để tâm đến mối nguy này.
Trong quá trình tham vấn chuyên gia tâm lý, chị Thu P, một giáo viên ở quận 11 TP.HCM đã chia sẻ câu chuyện của mình: Trước đến nay, chị thấy bé M. con gái 5 tuổi của mình thường được các cô chú họ hàng, hoặc hàng xóm sang dắt đi chơi, chị lại thấy tự hào vì con mình xinh đẹp, được mọi người yêu thương. Thời gian con được người khác trông nom giúp, chị cũng thảnh thơi để làm chút việc nhà. Một số bạn bè cảnh báo về tình trạng xâm hại tình dục trẻ, chị gạt đi, cho rằng đó là chuyện của “những kẻ biến thái”.
Đến một lần thấy con hoảng sợ, phát hiện vùng kín con chảy máu, hỏi con, chị mới biết bé bị một trong những người cậu họ thường sang dắt bé đi chơi giở trò đồi bại. Giờ thì, gã cậu họ đang bị pháp luật xử lý, nhưng con chị chẳng bao giờ có thể trở lại được như xưa, cùng với đó là nỗi day dứt, ân hận, chị nói, cả đời chị cũng không thể tha thứ cho sự ngu ngốc của mình.
Mỗi năm nước ta có khoảng 1000 trẻ bị xâm hại tình dục. Đó thực sự là một số liệu khủng khiếp đáng báo động. Cạnh đó, trên 90% trẻ bị xâm hại cho chính người quen, người thân, người nhà gây nên, một con số rất đáng buồn, đáng để lo ngại. Chính vì thế, việc phụ huynh nâng cao tính cảnh giác và trang bị cho con những kiến thức tốt nhất, hợp lý nhất để tự bảo vệ bản thân là thực sự cần thiết.
Tránh bị như thế nào?
Giờ đây, trước sự phát triển của xã hội, sự nhanh nhạy của thông tin, nhiều phụ huynh cũng đã hiểu ra tầm quan trọng của việc phòng bị nạn xâm hại tình dục trẻ và dạy con cách bảo vệ bản thân. Tuy nhiên, nhận thức được là một chuyện, còn dạy con như thế nào cho hợp lý lại là chuyện khác.
Không ít phụ huynh than thở, bắt tay vào dạy con bảo vệ bản thân, thấy khó khăn và loay hoay quá. Chính vì không biết cách, phụ huynh cũng dễ dẫn đến những sai lầm. Có phụ huynh, vì quá sợ hãi, nên hù dọa trẻ tránh xa tất cả mọi người, trừ cha mẹ, khiến trẻ hoang mang, sợ hãi, trở nên nhút nhát, thiếu kĩ năng giao tiếp.
Cũng có phụ huynh, lên mạng tải rất nhiều kiến thức dạy con phản ứng trước hành vi xâm hại: Nào là nguyên tắc quần lót; Nguyên tắc “ba không”; Cách phản ứng như thế nào… Tuy nhiên, vì thiếu phương pháp, nên chỉ biết nhồi nhét mớ kiến thức ấy vào đầu trẻ, bắt trẻ thuộc lòng, nhưng chính trẻ cũng không hiểu tại sao phải thuộc, và áp dụng như thế nào?
Theo chuyên viên tâm lý Lê Thị Minh Nga, dạy trẻ không phải ngày một, ngày hai, dạy vì sợ hãi hay những dự kiện thời sự nhất thời. Giáo dục trẻ là cả một quá trình đòi hỏi sự kiên trì và phương pháp đúng đắn. Cha mẹ không thể ập vào là áp dụng ngay các phương pháp dạy trẻ đề phòng, phòng bị, phản ứng… thế này thế khác, vì như thế không thể nào có hiệu quả.
Theo bà Minh Nga, tại các nước phương Tây, trẻ từ nhỏ đã được làm quen một cách từ từ với giáo dục giới tính, có hiểu biết về cơ thể thông qua giáo dục tại trường và cha mẹ trò chuyện hàng ngày với bé. Từ những hiểu biết về giới tính và cơ thể làm nền tảng, phụ huynh mới có thể dạy con một cách hiệu quả về các quy tắc khác: Đâu là những “vùng cấm” trên thân thể không cho bất cứ ai khác đụng vào; vì sao lại phải phòng ngừa, phản ứng khi có kẻ đụng chạm vào một số bộ phận cơ thể mình; phản ứng ra sao khi bị đụng chạm, khi có dấu hiệu bị dâm ô, xâm hại…
Chuyên viên Minh Nga chia sẻ, chính phụ huynh phải trang bị cho mình các kiến thức về giáo dục giới tính, kiến thức phòng bị cơ bản cho trẻ một cách lớp lang, bài bản. Mạng xã hội là một kho kiến thức vô tận, nhưng nếu phụ huynh quá lạm dụng, cũng dễ khiến chính mình “ngộ kiến thức”, loay hoay không biết dạy con thế nào.
Quan trọng là, hãy lắng nghe con, hiểu rằng mỗi đứa trẻ có một tố chất, một tính cách, và môi trường sống khác nhau, không có một công thức chung duy nhất trong giáo dục.Dạy con làm sao để trẻ hiểu biết về bản thân, biết đề phòng, có kiến thức để tự bảo vệ mình, nhưng vẫn giữ được tâm hồn thơ ngây, trong trẻo của tuổi thơ. Điều ấy không đơn giản chút nào, và cha mẹ, chỉ với yêu thương thôi là chưa đủ.