Đẩy mạnh phát triển bền vững nghề nuôi chim yến tại Bạc Liêu

(PLVN) - Nghề nuôi chim yến phát triển khá nhanh trong những năm qua tại Bạc Liêu, nhất là tại các khu vực nội thành phố, thị xã, thị trấn… Đây là nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên tiếng ồn từ âm thanh dẫn dụ chim yến đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến ô nhiễm tiếng ồn và vệ sinh môi trường…

Thời gian qua, các Sở, Ngành nông nghiệp Bạc Liêu đã có các văn bản hướng dẫn là cơ sở pháp lý quan trọng, phân định vùng được phép và không được phép nuôi chim yến tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư.

Bạc Liêu có điều kiện tự nhiên thuận lợi, nhiều vùng sinh thái thích hợp cho chim yến sống và làm tổ như vùng đất chuyên trồng lúa nước, đất rừng ngập mặn, phong phú về thức ăn. Đây là điều kiện thiên nhiên rất ưu đãi để phát triển nghề nuôi chim yến.

Với 56km bờ biển, hệ thống sông rạch chằng chịt, phong phú về thảm thực vật, Bạc Liêu được xem là địa phương có điều kiện thiên nhiên ưu đãi để phát triển nghề nuôi chim yến. Thực tế, nghề nuôi chim yến đã xuất hiện trên địa bàn tỉnh hơn 10 năm, với nhiều quy mô khác nhau, số lượng nhà nuôi chim yến tăng theo từng năm.

Năm 2014 có 140 nhà yến, đến năm 2020 có 1.200 nhà yến và năm 2024 thống kê được 1.500 nhà yến. Số nhà yến tập trung khu dân cư, khu vực nội thành phố, thị xã, thị trấn chiếm 90%. Đặc biệt, hiệu quả kinh tế cao nhờ giá bán tổ yến ở mức cao góp phần phát triển kinh tế gia đình (bình quân 14 - 16 triệu đồng/kg yến thô).

Ông Nguyễn Duy Hưng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bạc Liêu, cho biết: “Để định hướng của tỉnh trong việc phát triển chăn nuôi và khai thác, chế biến tổ yến đã được cụ thể hóa tại Kế hoạch 121của UBND thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 trên địa bàn tỉnh và Nghị quyết 01 của HĐND tỉnh về việc quy định vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

Người dân Bạc Liêu thu hoạch tổ yến.

Trên cơ sở đó, các Sở, Ngành nông nghiệp Bạc Liêu đã có các văn bản hướng dẫn là cơ sở pháp lý quan trọng, phân định vùng được phép và không được phép nuôi chim yến tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này.

Tuy nhiên, với số lượng nhà nuôi chim yến tăng ồ ạt đã gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe của người dân trong khu vực nội thành phố, thị xã, thị trấn… bởi tiếng ồn từ âm thanh dẫn dụ chim yến phát ra và vấn đề vệ sinh môi trường trong nuôi chim yến”.

“Để phát triển bền vững nghề nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh, chính quyền địa phương cần một số nhiệm vụ trọng tâm, thực hiện thường xuyên việc tuyên truyền các quy định của pháp luật về hoạt động nuôi chim yến trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền trực tiếp đến cơ sở nuôi chim yến để người dân biết, hiểu và thực hiện đúng quy định.

Kế đó, cơ quan chức năng cần thường xuyên thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong nuôi chim yến; đặc biệt việc sử dụng loa dẫn dụ chim yến, xử phạt vi phạm hành chính trong chăn nuôi; thực hiện việc cấp mã số nhà yến và giám sát dịch bệnh trên chim yến để phục vụ xuất khẩu.

Đồng thời, giúp các doanh nghiệp đưa tổ yến, sản phẩm từ tổ yến lên sàn giao dịch điện tử để quảng bá yến sào Bạc Liêu. Qua đó giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc xuất khẩu tổ yến và sản phẩm từ tổ yến cho các doanh nghiệp; tăng cường việc giám sát dịch bệnh trên chim yến; thúc đẩy sơ chế, chế biến tổ yến đảm bảo đạt chất lượng mang thương hiệu Bạc Liêu”, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bạc Liêu chia sẻ.

Ông Nguyễn Duy Hưng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bạc Liêu, trao đổi với phóng viên.

Theo ông Nguyễn Duy Hưng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bạc Liêu: Nghề nuôi chim yến cần xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tổ yến, trong đó các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữ vai trò định hướng đặt hàng, tiêu chuẩn nguyên liệu, hỗ trợ sản xuất, nhằm phát huy thế mạnh để thúc đẩy tốc độ phát triển nhanh và hiệu quả ngành nghề nuôi chim yến tại Bạc Liêu trong thời gian tới.

Liên quan đến vấn đề này, các cơ quan chức năng tỉnh Bạc Liêu cũng đề ra một số giải pháp, chấp hành đúng quy định về cường độ âm thanh và thời gian phát loa phóng để dẫn dụ chim yến; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao ý thức của người nuôi chim yến. Đồng thời, khuyến khích người nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết từ khâu sản xuất, thu gom, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Trong đó chú trọng phát huy vai trò của hợp tác xã, doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả, thúc đẩy phát triển nghề nuôi chim yến.

Ngoài ra, cần giới thiệu, quảng bá thương hiệu yến sào Bạc Liêu thông qua các hội chợ, hội thảo… xác định mã định danh cho từng cơ sở, từng bước quản lý bằng công nghệ thông tin, liên kết theo chuỗi sản phẩm, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, phát triển đồng bộ nguồn lợi yến sào phục vụ xuất khẩu…

Đọc thêm