Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng

(PLVN) -Trong năm 2020, các Bộ, ngành, địa phương đã thực hiện nhiều hình thức để tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách pháp luật về phòng, chống tham nhũng (PCTN). 

Chẳng hạn như, Quảng Bình đã lồng ghép tổ chức được khoảng 16.334 hội nghị, lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, buổi tuyên truyền, PBGDPL… cho hơn 127.812 lượt người. Cấp phát trên 245.972 cuốn tài liệu (sách, sổ tay, tài liệu khác..); in ấn và phát hành 390.930 tờ gấp, 714.248 tấm (tờ) băng rôn, pa nô, áp phích, trong đó có lồng ghép tuyên truyền, PBGDPL về PCTN.

Tại Quảng Ninh, việc thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về PCTN thông qua báo chí được tỉnh duy trì triển khai và mang lại những kết quả thiết thực. Trên cơ sở chỉ đạo, định hướng tuyên truyền theo chủ đề, chủ điểm từng tháng, cơ quan báo chí, truyền thông của tỉnh và trung ương đóng trên địa bàn đã bám sát tăng cường các bài viết, phóng sự về công tác đấu tranh PCTN, tích cực phê phán các hành động tham ô, tham nhũng, lãng phí trong sử dụng ngân sách, tài sản, khai thác tài nguyên, khoáng sản, tạo hiệu ứng xã hội tích cực. Bên cạnh đó, nhiều bài viết cũng biểu dương, khích lệ các tập thể, cá nhân tiên tiến, điển hình trong thực hành, tiết kiệm, chống lãng phí.

Tại Thanh Hoá, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) về PCTN, đồng thời nâng cao trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, Sở Tư pháp và các cơ quan, đơn vị đã nhân rộng nhiều mô hình hay, cách làm mới, hiệu quả, đẩy mạnh sự tương tác, phối hợp giữa những người làm công tác PBGDPL, tạo sự chủ động trong việc tìm hiểu và chấp hành pháp luật của người dân, mang đến tiếng nói thiện chí và đồng thuận trong Nhân dân để đưa pháp luật vào cuộc sống, từ đó an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, kinh tế - xã hội có bước phát triển…

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền, PBGDPL về PCTN ở một số địa phương vẫn còn có một số khó khăn, hạn chế. Sự phối hợp giữa một số ngành, địa phương có lúc chưa được thường xuyên, chặt chẽ. Đội ngũ làm công tác PBGDPL chủ yếu là kiêm nhiệm chưa thật sự chủ động và chưa làm tốt vai trò tham mưu về công tác PBGDPL về PCTN; tính tự giác, tự nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật của cá nhân chưa cao; điều kiện, nguồn lực để triển khai thực hiện còn thiếu, nhất là về kinh phí…

Để tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL về PCTN trong thời gian tới, cần tiếp tục nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo của các ngành, các địa phương trong công tác PBGDPL, từ đó tạo sự gắn kết giữa hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và hoạt động quản lý, điều hành của các cơ quan, ban, ngành và của chính quyền địa phương đối với công tác PBGDPL về PCTN; Tiếp tục đổi mới hình thức tuyên truyền PBGDPL, áp dụng các hình thức sinh động, dễ hiểu, chọn lọc, phát triển các mô hình, biện pháp PBGDPL hiệu quả, phù hợp với đối tượng, địa bàn và nhu cầu của nhân dân; Tiếp tục củng cố, kiện toàn và nâng cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức làm công tác PBGDPL và có chính sách hợp lý đối với các đối tượng này; đẩy mạnh rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật còn chồng chéo, bất cập để hoàn thiện hệ thống pháp luật cho phù hợp với thực tiễn… 

Đọc thêm