Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện: Cần quan tâm hơn về chế độ, chính sách cho đội viên

(PLO) -Sau 3 năm triển khai Đề án, các đội viên thuộc đề án đã nhanh chóng tiếp cận và làm quen với công việc, hăng hái, nhiệt tình nắm bắt hình hình cơ sở. Tuy nhiên, nhiều ý kiến mong muốn trong thời gian tới, các cấp có thẩm quyền quan tâm hơn về các chế độ, chính sách, đảm bảo cho đội viên yên tâm công tác.
 
Các trí thức trẻ hướng dẫn đồng bào biên giới cách gieo trồng vườn rau sạch
Các trí thức trẻ hướng dẫn đồng bào biên giới cách gieo trồng vườn rau sạch

Hôm qua (28/11), Bộ Nội vụ đã tổ chức Hội nghị Sơ kết 3 năm thực hiện Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020 (Đề án 500).

Bước đầu phát huy hiệu quả

Báo cáo tại hội nghị cho biết, sau 3 năm triển khai Đề án 500, các đội viên thuộc đề án đã nhiệt tình nắm bắt hình hình cơ sở, tìm hiểu và triển khai nhiệm vụ được giao, gắn bó với địa phương. Một số đội viên đã đề xuất những đề án phát triển kinh tế - xã hội và tổ chức thực hiện bước đầu có hiệu quả. Tại các địa phương, các đội viên được sắp xếp đảm nhiệm các chức danh cụ thể. Trong số này, có 114 đội viên được bố trí làm công việc của chức danh công chức Văn phòng - Thống kê; 189 đội viên là công chức Địa chính - Nông nghiệp - Xây dựng và Môi trường; 45 đội viên là công chức tài chính - kế toán; 71 đội viên là công chức tư pháp - hộ tịch và 81 đội viên là công chức văn hóa - xã hội). Nhiều đội viên Đề án đã được kết nạp Đảng, phát huy năng lực, trí tuệ và được cấp ủy Đảng, chính quyền xã, huyện đánh giá cao về năng lực chuyên môn, khả năng trong công tác cũng như phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức. Đến nay, đã có 178 đội viên là đảng viên (35,6%), 135 đội viên đã tham gia lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng và tiếp tục được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, bồi dưỡng để phát triển Đảng. 

Ông Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên (Bộ Nội vụ), Giám đốc Ban quản lý Dự án 600 Phó Chủ tịch xã (đơn vị quản lý và thực hiện Đề án 500) cho biết, hầu hết đội viên nhận được sự đồng thuận của cấp ủy, chính quyền địa phương, của nhân dân, được nhân dân tin yêu. Một số đội viên là người địa phương nên rất thuận lợi cho công tác nắm bắt tình hình của địa phương; thông thạo phong tục, tập quán, ngôn ngữ địa phương, do đó việc tham mưu luôn đảm bảo không xa rời thực tế. 

Những băn khoăn không mới

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, tại Hội nghị, các đại biểu cũng chỉ ra những khó khăn, vướng mắc gặp phải trong quá trình thực hiện. Chẳng hạn, hầu hết đội viên Đề án còn trẻ, chưa va chạm thực tế, chưa am hiểu nhiều lĩnh vực, phong tục tập quán của địa phương, thậm chí nhiều đội viên Đề án chưa biết tiếng của đồng bào dân tộc thiểu số nên gặp khó khăn khi đi xuống thôn, bản để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Ngoài ra, một số cấp ủy, chính quyền và công chức ở địa phương chưa nhận thức đúng đắn, đầy đủ về mục tiêu, ý nghĩa của Đề án 500. 

Đặc biệt, không ít ý kiến băn khoăn về việc bố trí, sử dụng đội viên sau 3 năm công tác đạt thành tích xuất sắc cũng như kế hoạch bố trí, sử dụng đội viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ sau khi kết thúc Đề án 500; việc chi trả hỗ trợ ban đầu cho đội viên bằng 10 tháng lương cơ sở ở một số tỉnh còn chậm… Cùng với đó, nhiều đội viên bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, các cấp có thẩm quyền quan tâm hơn về các chế độ, chính sách, đảm bảo cho đội viên yên tâm công tác.

Giải đáp thắc mắc trên, ông Vũ Đăng Minh cho biết, trong quá trình thực hiện Đề án, một số đội viên đã được địa phương đề xuất bố trí sang vị trí công chức đang còn trống, “việc làm chủ động này của địa phương rất là tốt”- ông Minh cho hay. Đồng thời, Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên cũng khẳng định, thời gian tới, Vụ Công tác thanh niên sẽ có phương án quy hoạch bố trí sử dụng đội ngũ cán bộ để khi kết thúc 5 năm, các trí thức trẻ tình nguyện có thể chuyển sang vị trí công tác khác hoặc tiếp tục làm vị trí đó và trở thành công chức của chính quyền địa phương.

Đọc thêm