Thay đổi thói quen sinh hoạt
Đối với việc cách ly xã hội này có lẽ giới trẻ là người gặp khó khăn nhất trong việc thích nghi. Bởi lẽ đặc điểm của giới trẻ là sự tự do, thoải mái và tụ tập… Bởi thế, cách ly toàn xã hội là một cú sốc lớn trong sinh hoạt hàng ngày.
Anh Vũ Văn Hùng (30 tuổi, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) có thói quen tập gym vào cuối ngày để rèn luyện sức khỏe cũng như giao lưu với bạn bè sau thời gian làm việc vất vả. Do dịch Covid-19, các phòng tập đóng cửa, quán xá cũng dừng hoạt động. Thay vì ra phòng tập anh đành phải mua một số dụng cụ về nhà tập luyện.
Theo Tiến sĩ Lisa Damour, việc cha mẹ nên làm mọi cách để kiểm soát sự lo lắng của mình và đừng chia sẻ nỗi sợ hãi với con cái, bởi con trẻ sẽ nhận những tín hiệu cảm xúc từ người lớn và có hành động tương tự.
“Điều quan trọng chúng ta cần nhớ rằng, các con là hành khách, còn chúng ta là người lái xe. Vì thế, ngay cả khi chúng ta đang cảm thấy lo lắng, chúng ta không thể để điều đó ảnh hưởng đến cảm giác an toàn của các con” - Tiến sĩ Lisa Damour nhấn mạnh.
“Việc tập thể dục, rèn luyện sức khỏe không phải chỉ để cân đối vóc dáng mà còn là thói quen tốt để cải thiện sức khỏe, tăng đề kháng mùa dịch bệnh nên tôi chỉ thay đổi cách thức tập cho phù hợp chứ thói quen tốt thì không nên từ bỏ” – anh Hùng nói.
Anh Hùng cũng cho biết thêm hiện tại vấn đề khiến anh đau đầu nhất có lẽ là ăn uống. Vốn ở một mình thường ăn cơm ngoài quán nên giờ có dịch anh phải lên mạng tự học nấu ăn, nhưng khả năng nấu ăn hiện nay của anh cũng quanh quẩn mấy món đơn giản.
Còn chị Nguyễn Thị Quỳnh ở Triều Khúc, Thanh Xuân cho biết: Mấy ngày qua, dành thời gian ở nhà phòng dịch cho việc nấu nướng, chơi cùng con gái nhỏ. Một tuần chỉ ra đường một lần để mua thức ăn dự trữ.
Thời gian rỗi, chị tranh thủ tập thể dục và học thêm tiếng Anh trên mạng. Chị cũng chuẩn bị bữa sáng tại nhà, cơm hộp cho chồng mang đi làm cùng với nước rửa tay sát khuẩn và khẩu trang cho cả gia đình: “Có thời gian rảnh tôi lên mạng và học được khá nhiều món mới, như làm bánh cuốn tại nhà bằng chảo chống dính hoặc bánh đa nem, làm bỏng ngô để cả nhà cùng ăn và xem phim. Nói chung cách ly 15 ngày không quá khó như chúng ta nghĩ” - chị Quỳnh cho biết thêm.
Tạo không gian vui chơi cho trẻ
15 ngày “cách ly xã hội” hầu hết mọi người đều mang công việc về nhà làm online. Làm việc tại nhà chắc hẳn sẽ có nhiều bất tiện như con cái làm phiền, không tập trung khi phải xử lý nhiều việc cùng một lúc. Vì thế, đây là lúc nhiều bậc phụ huynh băn khoăn về phương thức vui chơi cho con.
Theo nhiều bậc phụ huynh, thời gian nghỉ dịch đã kéo dài nên gặp khó khi tìm kiếm các hình thức giải trí, vui chơi cho trẻ là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên nếu biết cách, đây lại là khoảng thời gian giúp các phụ huynh gần gũi, gắn kết với con cái và hiểu con cái của họ hơn.
Chị Phương Anh - công nhân một công ty may mặc trên địa bàn thành phố Thanh Hóa cho biết: “Ngoài các đồ chơi mình mua về cho các con chơi thì mình hướng dẫn các con chơi các trò chơi dân gian ngày xưa mình hay chơi như: nhảy dây, ô ăn quan, đá cầu… những trò chơi có tính tập thể các con rất thích. Nhà quê có sân vườn rộng nên có không gian cho các con vui chơi. Buổi chiều thì cho các con ra vườn hái rau, quét sân vườn, mọi thứ không quá khó khăn như ở chung cư”.
Không có không gian rộng cũng như thoải mái như ngoại thành, chị Thảo ở khu đô thị Linh Đàm, Hà Nội cũng nghĩ ra rất nhiều cách để các con vui chơi. Chị hướng dẫn các con nấu cơm, phụ việc nhà để con cái thêm trưởng thành.
Để giúp trẻ vượt qua mùa dịch Covid-19, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) đã phỏng vấn Tiến sĩ Lisa Damour, một chuyên gia tâm lý tuổi vị thành niên, tác giả của một trong những cuốn sách bán chạy nhất, người viết chuyên mục báo hàng tháng của tờ Thời báo New York, đồng thời cũng là một bà mẹ hai con.
Bà đưa ra 5 lời khuyên cho các bậc cha mẹ, đó là: Bình tĩnh và chủ động nói với con về dịch bệnh để cho trẻ thấy tầm quan trọng của việc giữ gìn cơ thể khỏe mạnh; sinh hoạt theo thời gian biểu để vượt qua những ngày dịch này; để trẻ cảm nhận cảm xúc của chính mình vượt qua buồn chán và thất vọng vì cuộc sống thay đổi; kiểm tra những thông tin con nghe được để định hướng suy nghĩ cho trẻ đúng đắn hơn…