Sau trận mưa lớn tới hơn 200 mm đêm qua (24/5/2016), nhiều tuyến phố và khu dân cư ở Hà Nội lâm vào cảnh ngập nặng, giao thông đình trệ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân.
Dây diện chằng chịt, mối nguy hiểm trong mùa mưa bão |
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, ngày 24/5, ở các tỉnh Bắc Bộ đã có mưa lớn trên diện rộng. Cụ thể, lượng mưa tại Sơn La 140 mm; Yên Bái 232 mm, Hàm Yên (Tuyên Quang) 127 mm… Dự báo, Bắc Bộ còn có mưa lướn trên địa bàn nhiều tỉnh và mưa lớn có thể còn kéo dài trong vài ngày tới.
Đối mặt với tình trạng mưa lớn là nguy cơ về tai nạn điện có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Theo ông Nguyễn Đăng Thiện - Phó ban An toàn,Tổng Công ty điện lực TP. Hà Nội cho biết, bên cạnh những chiến dịch “ra quân” nhằm đảm bảo an toàn lưới điện đặc biệt là trong những đợt thời tiết đặc biệt nghiêm trọng như mưa lớn hay ngập lụt kéo dài, thì mỗi người dân, mỗi hộ gia đình cần nâng cao ý thức hơn nữa trong việc phòng tránh tai nạn gây ra bởi chập điện, rò rỉ điện.
Trong trường hợp nhà bị ngập nước, người dân cần cắt ngay cầu dao điện, Aptomat tổng, rút phích cắm điện, đồng thời kê cao các thiết bị điện như máy bơm nước, quạt điện, nồi cơm điện...
Mưa lớn là nguy cơ về tai nạn điện... |
Ông Nguyễn Đăng Thiện còn cho biết thêm: Người dân không chạm đến bất kỳ thiết bị, dụng cụ điện nào khi tay còn ướt hoặc đi chân trần trên nền ẩm ướt. Cần kiểm tra thiết bị thật khô ráo, đảm bảo tuyệt đối an toàn mới sử dụng.
Trường hợp nhà bị ngập nước mà không cắt được điện thì phải đứng trên các nơi chưa bị ngập, gọi điện hoặc kêu cứu để mọi người báo cơ quan điện lực cắt điện. Không tự ý lội trong nhà dọn đồ đạc sẽ bị điện rò trong nước gây tai nạn chết người
Khi thấy dây dẫn điện bị đứt, các thiết bị điện bị đổ hoặc thấy nguy cơ mất an toàn thì không lại gần. Nhất là tại nhiều tuyến phố nội đô như hiện nay, tình trạng dây diện, dây cáp được nối với nhau chằng chịt có thể coi là mối nguy hiểm tiềm tàng cho người tham gia lưu thông trong những ngày mưa bão.
Không được đến gần hoặc bám vào cột điện bị ngập nước đề phòng điện rò trong nước gây tai nạn. Ngay lập tức gọi điện cho Công an Phường hoặc gọi điện cho cơ quan điện lực gần nhất, hoặc đường dây nóng được thông báo trong hoá đơn thanh toán tiền điện để được giúp đỡ.
Anh Minh Ngọc không thể di chuyển từ 4h sáng do đường ngập, xe chết máy. Ảnh: Bá Đô. |
"Bên cạnh đó, người dân chú ý khi chặt cây gần đường dây điện, có thể bị phóng điện gây nguy hiểm đến tính mạng; không lắp các biển quảng cáo gần đường dây điện, nhất là gần đường dây điện cao thế gây nguy hiểm đến tính mạng con người và lưới điện của thành phố.
Đặc biệt, chú ý kiểm tra dây dẫn điện nội bộ của từng khách hàng, nhất là dây dẫn điện từ côngtơ về từng gia đình có thể bị đứt trong quá trình mưa, bão gây nguy hiểm cho những người qua lại" Ông Thiện nhấn mạnh./.
Để đảm bảo an toàn trong sử dụng điện, người dân có thể gọi điện tới Trung tâm chăm sóc khách hàng số điện thoại: 19001288 – (04)22222000 hoặc Công ty Điện lực sở tại để được tư vấn, hỗ trợ kịp thời.
Trước đó nhiều tai nạn đáng tiếc xảy ra do mất an toàn điện khi trời mưa, điển hình có trường hợp:
1. Vào ngày 20/7/2010, sau một cơn mưa lớn, tại hẻm sổ 98 Bùi Văn Ba, khu phố 2, phường Tân Thuận Đông, Quận 7, Tp.HCM, một công nhân nữ lội nước mưa để vào nhà. Khi vừa giơ tay đụng vào cánh cửa sắt thì bất ngờ bị điện giật văng ngã xuống nước bất tỉnh. Nghe tiếng la thất thanh của Bé, nhiều người chạy ra nhưng không dám tiếp cận vì khi tiếp xúc gần khu vực nạn nhân thì mọi người đều bị giật tê chân. Khoảng 15 phút sau khi nguồn điện bị cắt, một số người mới tiếp cận nạn nhân dùng các biện pháp sơ cứu và chuyển lên bệnh viện quận 7 nhưng nạn nhân đã tắt thở.
2. Sau trận mưa lớn ngày 23/9/2015, sân trường của trường THCS An Hưng (An Dương, Hải Phòng) ngập nước khoảng 10 cm. Một học sinh nam lội nước qua sân cầu lông để vào lớp học thì bị điện giật ngã xuống ngay cửa lớp. Dù được hô hấp nhân tạo tại chỗ và sau đó được chuyển tiếp lên trạm y tế xã và Bệnh viện Việt - Tiệp Hải Phòng, nhưng nạn nhân đã tử vong.