Cụ thể, 5 ngày trước Tết, ngày 7-11/2 (26 đến 30 Tết), các ô tô sẽ được phép chạy theo hướng từ Trung Lương đến Mỹ Thuận. Năm ngày sau Tết, mùng 4-8 Tết, các xe sẽ được chạy hướng ngược lại.
Khởi công tháng 11/2009, sau 10 năm đình trệ, tiến độ tuyến cao tốc dài 51km chỉ đạt 10% khối lượng. Từ tháng 3/2019 đến nay, sau hơn một năm tái khởi động, dự án đã đạt 75% khối lượng, dự kiến hoàn thành tháng 9/2021.
Có lẽ vừa vui mừng trước thành công này, vừa xuất phát từ thành tâm muốn đóng góp cho xã hội, chủ đầu tư đã đề xuất và được chấp nhận phương án người dân sẽ sử dụng tạm nền đường được trải cấp phối đá dăm để di chuyển trong dịp Tết.
Sau khi thông tuyến, đơn vị thi công tiếp tục công tác dỡ tải, hoàn thiện phần móng đường và mặt đường bê tông nhựa, các hạng mục an toàn giao thông, điện chiếu sáng, trạm thu phí… khi đó mới chính thức đưa vào vận hành khai thác.
Hàng triệu người vui mừng trước thông tin này. Cả năm xa nhà, ngày Tết mới được nghỉ ít hôm, lại phí hoài cả buổi kẹt xe trên đường, còn ức chế bực bội nào lớn hơn. Tết Tân Sửu 2021, có đường mới thong dong, còn gì vui hơn, kỳ vọng sẽ không còn cảnh nhiều km xe cộ chen chân cả buổi trên QL1A về miền Tây.
Thế nhưng thực tế, sau khi nhà đầu tư tuyên bố đã chạy xe thực nghiệm thông tuyến từ điểm đầu đến điểm cuối, tới lượt cơ quan chức năng vào kiểm tra toàn tuyến, Sở GTVT Tiền Giang đã chỉ ra nhiều vấn đề mà chủ dự án cần hoàn thiện như trải cấp phối, lắp đặt bổ sung các biển báo, bổ sung phương án cứu thương cứu hộ, đảm bảo vệ sinh môi trường, chuẩn bị lực lượng điều tiết, hướng dẫn giao thông...
Theo đánh giá, hiện tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận hầu như chạy trên cấp phối đá dăm, dù tốc độ cho phép chỉ 40 km nhưng vẫn rất bụi, vừa nguy cơ sự cố giao thông, vừa có thể hỏng đường. Dù liên tục tưới nước, nhưng cấp phối tưới nước rồi cho xe chạy thì sẽ bung lên, mất liên kết.
Ngoài ra, các nút giao dọc tuyến cũng chưa sử dụng được. Xe cộ đi vào từ nút giao Thân Cửu Nghĩa chỉ có thể đi một mạch đến điểm cuối tại nút giao An Thái Trung. Dòng xe từ Mỹ Thuận về sẽ phải lòng vòng, nguy cơ gây ùn tắc còn phức tạp hơn là ùn trên QL1.
Vì vậy lãnh đạo Sở GTVT Tiền Giang lưu ý chỉ trong trường hợp QL1 ùn tắc kéo dài thì phương tiện mới được điều tiết vào đường mới. Trường hợp không ùn tắc thì cho xe cộ chạy QL1 để đảm bảo an toàn hơn.
Sở GTVT yêu cầu nhà đầu tư đến 29/1 phải hoàn thiện hết các nội dung trên. Sau đó, tỉnh Tiền Giang sẽ mời Tổng cục Đường bộ xuống kiểm tra lần cuối trước khi quyết định cho lưu thông tạm 10 ngày Tết.
Như vậy, kỳ vọng Tết này đường về miền Tây không ùn tắc có thể sẽ không thành hiện thực. Nhưng đừng vội trách, vì sự cẩn thận của cơ quan chức năng là không thừa, “cẩn tắc vô áy náy”, có những chuyện không thể “đốt cháy giai đoạn”, phải lường trước hệ quả lợi nhiều hay hại nhiều rồi quyết định phương án chính xác nhất để người dân có một chuyến về quê “thượng lộ bình an”, có cái Tết vẹn toàn.