Thế nhưng nhiều ý kiến cho rằng với một nhóm đối tượng đặc biệt trong ngành văn hóa du lịch, cần phải có một cơ chế đặc biệt. Đó là những người lao động làm việc tại các khu di tích lịch sử. Đây là những người không chỉ thực hiện vai trò một hướng dẫn viên du lịch, mà còn làm nhiệm vụ chính trị, giảng dạy lịch sử, bồi đắp tâm hồn cho các thế hệ.
Thế nhưng thực chất, đây cũng chỉ là những đơn vị sự nghiệp công lập có thu. Nói cách khác thu được nhiều thì hưởng nhiều, không có nguồn thu thì không có thu nhập. Theo Quyết định số 429/QĐ- TTg phê duyệt “Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực VHTT&DL đến năm 2021, định hướng đến 2030”, các bảo tàng, BQL di tích tăng dần mức độ tự đảm bảo chi phí hoạt động thường xuyên theo từng năm; phấn đấu chuyển đổi cơ chế hoạt động của đơn vị ở mức tự chủ cao hơn; giảm chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước theo Nghị quyết 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập…
Tại Quảng Trị, địa phương có số di tích lịch sử nhiều bậc nhất cả nước, số lượng khách đến tham quan giảm sút “tuột dốc không phanh”, nguồn thu từ bán vé các điểm di tích của Trung tâm Quản lý di tích & Bảo tàng tỉnh chỉ đạt 30% so với năm 2019. Đơn vị này buộc phải tạm hoãn hợp đồng với số lao động hưởng lương từ nguồn thu. Trong năm 2020 đã tạm hoãn hợp đồng lao động luân phiên với 30 lao động, 14 lao động còn lại phải bố trí nguồn khác để trả lương.
Đại diện đơn vị này nêu thực trạng, những cán bộ làm việc tại các điểm di tích đều có quá trình gắn bó lâu dài, người làm việc thời gian dài nhất là 22 năm, người ít cũng hơn 10 năm, nhưng nay phần lớn phải tạm nghỉ việc. Tại các khu di tích như Vịnh Mốc, Hiền Lương có 9 hướng dẫn viên nhưng tạm hoãn lao động khoảng 7 người; di tích Tà Cơn 5 người phải nghỉ hết; tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, BQL có 9 cán bộ thì 7 người phải nghỉ việc luân phiên… Hiện nay, trừ di tích lịch sử Quốc gia Thành cổ Quảng Trị, hầu hết các điểm di tích chỉ duy trì bảo vệ, không có nhân viên phục vụ du khách.
Việc tạm hoãn hợp đồng lao động, thiếu hụt người làm việc tại các điểm di tích làm xáo trộn hoạt động của trung tâm, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch. Mặt khác, để đảm bảo cuộc sống, các viên chức, thuyết minh viên đã được đào tạo, có kinh nghiệm, lành nghề đang có xu hướng chuyển đổi công việc khác, về lâu dài có nguy cơ "chảy máu" nguồn nhân lực.
Đơn vị này đã có báo cáo và Sở VHTT&DL đã có tờ trình gửi UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị bố trí nguồn tiền để trả lương cho viên chức, lao động đang đảm nhận công tác thuyết minh, hướng dẫn tại các điểm di tích nhằm duy trì hoạt động tại các điểm tham quan di tích. Được biết UBND tỉnh đã có văn bản giao Sở Tài chính nghiên cứu, đề xuất phương án.
Động thái của cơ quan chức năng xử lý đề xuất nêu trên không chỉ là vấn đề được riêng các khu di tích lịch sử tại Quảng Trị, mà được các khu di tích trên cả nước quan tâm, khi phần lớn các đơn vị này cũng đang rơi vào tình cảnh “đói” tương tự. Nhiều ý kiến cho rằng với các đơn vị có vai trò đặc biệt này, đề xuất nêu trên là cần thiết chính đáng, nhằm duy trì hoạt động tại các điểm tham quan di tích, tránh gây sự xáo trộn, tốn kém nguồn lực đào tạo, nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ du lịch – chính trị - văn hóa – lịch sử.