Theo khảo sát, hiện TP HCM có khoảng 46% đường hẻm nhỏ dưới 6m và có trên dưới 85% dân cư của thành phố cũng sống trong các hẻm. Trong khi đó, xe bus hiện nay chỉ chạy trên các tuyến đường lớn. Nhiều nhà dân trong hẻm phải đi một vài cây số mới đến được tuyến xe bus, đó cũng chính là một khó khăn gây tâm lý ngán ngại, cản trở người dân sử dụng phương tiện công cộng này.
Theo đề án được Trung tâm vận tải hành khách công cộng đưa ra, TP HCM sắp tới đây sẽ mở 30 tuyến xe buýt mini với khoảng trên 300 xe để phục vụ người dân sống trong hẻm. Xe bus mini sẽ gồm 12 chỗ, nhỏ gọn tiện dụng có thể vào hẻm từ 4-6m, với mục tiêu người dân có thể bắt được xe bus trong bán kính 200m.
Thực tế, cách làm này đã được khá nhiều nước lân cận áp dụng thành công. Với Singapore, một đất nước có số dân và diện tích không bằng TP HCM, nhưng đã xây dựng được 28 trạm bus mini trung chuyển với trên 4.500 điểm đỗ, biến xe bus thành một trong những phương tiện giao thông chủ lực của nước này. Thái Lan, đất nước lân cận có hình thái giao thông gần giống nước ta cũng đã xây dựng được một hệ thống xe trung chuyển mini tương tự như bus, là dòng xe có hình dáng như bán tải nhưng phía sau chế thêm mái che, ghế ngồi thoải mái, có sức chứa trên 10 khách và có thể di chuyển trên tất cả các tuyến đường giao thông, từ đường nhỏ, hẻm nhỏ đến đường lớn. Việt Nam trước đây cũng có xe lam là phương tiện linh động rước khách, đưa đón học sinh ở những điểm xe bus không đón tới được nhưng đã dừng hoạt động vì chưa phù hợp.
Việc triển khai bus mini là điều hợp lý và sớm muộn trong đề án phát triển giao thông công cộng. Chỉ có điều, quan trọng còn ở cách làm. Mặc dù vài năm gần đây, xe bus lớn đã được nâng cấp về chất lượng, thái độ phục vụ nhưng hầu như vẫn chưa thu hút được rộng rãi người dân tham gia. Lý do không chỉ nằm ở sự bất tiện khi di chuyển đến các trạm xe khá xa, mà còn ở tâm lý người dân đa phần chưa có thói quen sử dụng xe bus. Nhiều người dân mặc dù nhà không cách xa trạm nhưng vẫn chưa một lần thử sử dụng xe bus vì mặc định là "bất tiện".
Cạnh đó, việc "thả lỏng" cho các phương tiện giao thông cá nhân, đặc biệt là xe máy phát triển tự do cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến giao thông và thói quen sử dụng phương tiện công cộng. Hiện, giao thông các TP lớn ngoài phương tiện cá nhân còn có các phương tiện dạng dịch vụ cá nhân, mà thời gian gần đây càng bùng nổ thêm bởi các dịch vụ đặt xe theo ứng dụng.
Vì vậy, đưa thêm xe bus mini, phát triển hệ thống xe bus là cần thiết, nhưng điều cần hơn nữa là các giải pháp giao thông đồng bộ đi kèm: Sự tuyên truyền thiết thực, hiệu quả để người dân có thể được tiếp cận và thuyết phục bởi tiện lợi khi sử dụng hệ thống xe bus, các đề án nhằm hạn chế, kiểm soát sự tràn lan của các phương tiện cá nhân. Có như thế thì xe bus mới từ từ đi vào đời sống người dân và trở thành phương tiện chủ lực, đạt tỉ lệ 20% người dân chọn đi xe bus thời gian tới như mong muốn mà thành phố đang đề ra.