Đề xuất lập Quỹ hỗ trợ nghiên cứu chính sách, pháp luật

(PLVN) -Nhiều cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong công tác xây dựng pháp luật trong Dự thảo Nghị quyết do Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng đang kỳ vọng tạo ra những chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng pháp luật, đảm bảo yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV. Ảnh quochoi.vn.
Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV. Ảnh quochoi.vn.

Chưa có cơ chế cho phép triển khai thử nghiệm để tạo ra những đột phá

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác xây dựng và thi hành pháp luật, đạt được nhiều kết quả quan trọng; Luật BHVBQPPL năm 2025 được đánh giá là đã giải quyết được nhiều vướng mắc về quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL. Tuy nhiên, công tác xây dựng và thi hành pháp luật vẫn có những hạn chế, bất cập, chất lượng pháp luật chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhận định tại Thông báo số 108-TB/TW. Các tồn tại, hạn chế cụ thể liên quan đến cơ chế chính sách, điều kiện bảo đảm cho công tác xây dựng pháp luật bộc lộ trong thời gian qua gồm:

Chưa có cơ chế cho phép triển khai thử nghiệm để tạo ra những đột phá, đổi mới về công tác nghiên cứu pháp luật; nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật; Chưa có tổ chức được xác định là đóng vai trò nòng cốt, tiên phong trong việc đề xuất đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, cắt giảm các quy định pháp luật không còn phù hợp, thúc đẩy phát triển nền khoa học pháp lý Việt Nam

Việc lấy ý kiến về chính sách, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật còn mang tính hình thức thông qua việc đăng tải toàn văn hồ sơ dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trên trang thông tin điện tử để lấy ý kiến, chưa có Cổng thông tin tập trung về lấy ý kiến dự thảo VBQPPL. Chức năng của trang lấy ý kiến còn đơn giản, thiếu sự truyền thông chủ động đến các đối tượng liên quan, thiếu sự tương tác giữa đơn vị chủ trì soạn thảo và cá nhân, tổ chức. Việc xử lý các góp ý cũng được tiến hành thủ công.

Các điều kiện bảo đảm về kinh phí chưa được bố trí tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ; điều kiện bảo đảm cho công tác xây dựng pháp luật, thi hành VBQPPL còn hạn chế; kinh phí, định mức phân bổ cho công tác xây dựng pháp luật còn thấp, không đủ để thực hiện các bước trong quy trình xây dựng VBQPPL.

Thực tiễn nói trên cho thấy công tác xây dựng thể chế nói chung và xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật nói riêng cần được quan tâm đúng mức, với tính chất là “đột phá của đột phá”, nhằm chuyển hóa “điểm nghẽn” về thể chế, pháp luật thành cơ hội đầu tư và lợi thế cạnh tranh, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển.

Xây dựng chính sách thử nghiệm có kiểm soát

Nhằm xây dựng cơ chế tài chính đặc thù, tương xứng cho công tác xây dựng pháp luật; thu hút, sử dụng hiệu quả và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực xây dựng pháp luật; tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn trong công tác xây dựng pháp luật đảm bảo yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong công tác xây dựng pháp luật

Dự thảo Nghị quyết quy định thực hiện một số chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội khác với quy định của luật hiện hành nên các quy định có khác biệt, vượt trội so với quy định của pháp luật hiện hành.

Ngân sách nhà nước bảo đảm chi cho công tác xây dựng pháp luật từ 0,5% trở lên trong tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm và tăng dần theo yêu cầu hoàn thiện thể chế phát triển

Bộ Tư pháp cho biết, tại Đề án nghiên cứu, xây dựng Nghị quyết của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, Đảng ủy Bộ Tư pháp đã đề xuất Bộ Chính trị chấp thuận chủ trương “Bố trí ít nhất 0,5% tổng chi ngân sách hằng năm cho nghiên cứu chiến lược, chính sách, xây dựng pháp luật, phát triển khoa học pháp lý”. Với quy định mang tính đột phá này, hàng năm ngân sách nhà nước dành khoảng 12.500 tỉ để đảm bảo cho công tác xây dựng pháp luật, thực hiện các hoạt động như đào tạo cán bộ, nghiên cứu, đánh giá chiến lược chính sách, thuê chuyên gia tư vấn xây dựng pháp luật (trong nước và nước ngoài), xây dựng văn bản quy phạm pháp luật từ Trung ương đến địa phương.

Dự thảo cũng xây dựng cơ chế khoán chi (theo nhiệm vụ, hoạt động) trong xây dựng pháp luật, nghiên cứu chiến lược về xây dựng, thi hành pháp luật nhằm bảo đảm cho công tác xây dựng VBQPPL được thanh toán trên sản phẩm hoàn thành (VBQPPL được ban hành) tạo điều kiện cho các cơ quan được giao chủ trì nhiệm vụ xây dựng pháp luật tập trung vào chuyên môn, xây dựng dự thảo VBQPPL với chất lượng tốt nhất. Cơ chế này tương đồng với lĩnh vực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã được ghi nhận tại Nghị quyết số 193/2025/QH15.

Dự thảo Nghị quyết xây dựng chính sách thử nghiệm có kiểm soát theo hướng cho phép tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ xây dựng pháp luật được tự chủ lựa chọn hình thức, đối tác hợp tác bằng cách ký kết hợp đồng với các tổ chức cá nhân trong nước để đặt hàng thực hiện một phần nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng pháp luật để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ; liên hệ làm việc với cá nhân, tổ chức nước ngoài để tìm hiểu và đề xuất nội dung hợp tác, đặt hàng thực hiện một phần nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng pháp luật theo quy định của Chính phủ.

Đồng thời, dự thảo đề xuất thành lập Quỹ hỗ trợ nghiên cứu chính sách, pháp luật là loại hình quỹ do ngân sách nhà nước bảo đảm và hoạt động không nhằm mục đích lợi nhuận. Quỹ được sử dụng để hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu, hoạch định chiến lược về xây dựng pháp luật; hỗ trợ các hoạt động nâng cao hiệu quả, khả thi của công tác xây dựng pháp luật; phát triển nguồn nhân lực, khai thác, sử dụng đội ngũ chuyên gia trong và ngoài nước tham gia xây dựng pháp luật; tổ chức, tham gia các hội nghị, diễn đàn pháp lý quốc tế. Quỹ được Nhà nước bố trí vốn điều lệ từ ngân sách nhà nước, được cấp kinh phí bổ sung hằng năm từ ngân sách nhà nước và được nhận các nguồn hỗ trợ hợp pháp khác ngoài ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

Về nguồn lực cho công tác xây dựng và thi hành VBQPPL Bộ Tư pháp cho biết còn hạn chế, kinh phí từ ngân sách nhà nước chưa được ưu tiên để triển khai các hoạt động quan trọng về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số phục vụ hiện đại hoá, đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật còn một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, hoạt động soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) ở Việt Nam hiện nay đang được thực hiện thủ công chưa có các phần mềm hỗ trợ, mất rất nhiều công sức của người soạn thảo nhưng khó tránh khỏi xảy ra sai sót, nhất là sai sót về kỹ thuật

Đọc thêm