Đề xuất nuôi 1.000 trẻ mồ côi của Chủ tịch FPT: Cục Trẻ em nói gì?

0:00 / 0:00
0:00
Liên quan tới việc ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, mở trường tại Đà Nẵng để nhận nuôi 1.000 trẻ em mồ côi do dịch Covid-19, đại diện Cục trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) đã bày tỏ quan điểm.
Đề xuất nuôi 1.000 trẻ mồ côi của Chủ tịch FPT: Cục Trẻ em nói gì?

Trước đó, chia sẻ với báo giới, ông Trương Gia Bình, doanh nhân, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT đã quyết định xây dựng trường nội trú để nhận nuôi dạy 1.000 trẻ em mồ côi cha mẹ vì dịch COVID-19. Số tiền mỗi năm dự kiến là khoảng 84 tỷ đồng, trường sẽ nuôi dạy các cháu đến 20 tuổi.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (Ảnh: Bộ LĐTB&XH).

Phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) để làm rõ các vấn đề xung quanh ý tưởng nhân văn của doanh nhân Trương Gia Bình.

Là cơ quan Nhà nước đảm nhận nhiệm vụ xây dựng chính sách về trẻ em, ông đón nhận ra sao về thông tin về vị doanh nhân mở trường nuôi dạy 1.000 trẻ em mồ côi do COVID-19?

- Trước tiên, tôi xin ghi nhận, bày tỏ đánh giá cao tấm lòng của doanh nhân Trương Gia Bình nói riêng và các mạnh thường quân nói chung đã có tấm lòng yêu thương, trợ giúp trẻ em, nhất là các em đang ở trong hoàn cảnh đặc biệt. Thực chất đây cũng là sự chia sẻ khó khăn với Nhà nước về an sinh xã hội bởi trẻ em mồ côi cũng là một nhóm đối tượng cần sự trợ giúp cả trước mắt cũng như lâu dài.

"Rất mong ông tham vấn thêm các chuyên gia về chăm sóc, giáo dục trẻ em và những người đang tham gia hoạt động bảo trợ trẻ em để các con có được những hỗ trợ tốt nhất theo nguyên tắc thực hiện quyền trẻ em là "lợi ích tốt nhất cho trẻ em", ông Đặng Hoa Nam nói.

Trong số trẻ em ở TP HCM, tôi tin rằng số trẻ em mồ côi cả cha và mẹ chiếm tỉ lệ không lớn. Dịch COVID-19 đã khiến toàn dân đã khó khăn rồi, trẻ em còn là đối tượng chịu tác động tiêu cực từ nhiều góc độ. Trẻ mồ côi không chỉ gặp những khó khăn trước mắt mà còn cả về lâu dài vì thiếu hụt sự chăm sóc, yêu thương của cha mẹ.

Về góc độ tiếp cận quyền trẻ em, trẻ em được chăm sóc tốt nhất là ở môi trường gia đình bởi chính cha mẹ, người thân thích. Quyền rất đặc thù của trẻ em (khác với người trưởng thành) là được sống trong môi trường gia đình và các con chỉ phát triển tốt nhất, hài hòa nhất trong môi trường gia đình, bởi chính cha mẹ và người thân thích, ruột thịt của mình…

Trong trường hợp trẻ em mất đi môi trường gia đình (mất cả cha, mẹ) hoặc không thể sống với cha mẹ, thì cần cho các em một gia đình khác thay thế để các em được chăm sóc bởi người thân thích còn lại của các em, hoặc một gia đình nhận chăm sóc các em.

Giải pháp đưa các em đến với môi trường chăm sóc tập trung như cơ sở bảo trợ xã hội, trường nội trú... chỉ là giải pháp cuối cùng khi không thể tìm cho các em một môi trường gia đình.

Các chính sách chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hiện nay có hướng tới vấn đề khuyến khích, tạo điều kiện cho trẻ em sống tập trung hay không, thưa ông?

- Khuyến nghị của các tổ chức quốc tế như Ủy ban LHQ về quyền trẻ em, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), các tổ chức quốc tế hoạt động vì quyền trẻ em đều nhấn mạnh việc chăm sóc trẻ em tập trung chỉ là biện pháp cuối cùng khi không thể có biện pháp nào khác .

Trước đây, trong lịch sử chăm sóc trẻ em tại các cơ sở tập trung rất được khuyến khích. Nhưng giờ đây, nhiều quốc gia cam kết sẽ giảm hình thức chăm sóc tập trung và chuyển trẻ em từ các cơ sở chăm sóc tập trung về môi trường gia đình.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT.

Chính sách trợ giúp xã hội cũng hướng tới mục tiêu khuyến khích cho trẻ em được ở lại môi trường gia đình hoặc quay trở lại với gia đình, người thân để các em có tuổi thơ đầm ấm.

Tất cả những việc hỗ trợ cho các em mồ côi của cá nhân, doanh nghiệp, xã hội phải làm sao cho các em có được môi trường gia đình để trưởng thành, lớn lên không bị thiếu vắng tuổi thơ. Trẻ em tuổi càng nhỏ, càng cần gắn kết với gia đình hoặc được chăm sóc bằng môi trường gia định.

Hiện, số lượng trẻ em mồ côi do mất bố, mẹ tại TP HCM và phía Nam do COVID-19 còn rất lớn, chúng ta cần có hành động gì để cho các cháu vừa được ăn no, mặc ấm, lớn lên mà bớt tổn thương trong cuộc sống do cú sốc đầu đời quá lớn, thưa ông?

- Trong số 1.500 trẻ em mồ côi tại TP HCM, mỗi em lại có số phận, có hoàn cảnh khác nhau. Cho nên, phải dựa trên thực tế là các em còn có bố hoặc mẹ, hoặc người thân nào hay không? Nếu còn thì họ có đủ khả năng nuôi dưỡng, chăm sóc con họ không? Họ có thiếu gì, cần giúp đỡ gì không? Chúng ta cần lắng nghe con trẻ và người đang chăm sóc trẻ để hiểu được các em có mong muốn gì?

Nếu chúng ta thấy các con còn hy vọng ở với gia đình, người thân, thì cần hết sức hỗ trợ để các em có gia đình, mái ấm, người thân. Tất cả hỗ trợ hiện nay, cần xuất phát từ việc các em ổn định cuộc sống, trưởng thành và được đi học.

Chúng tôi đang trao đổi với TP HCM về việc có kế hoạch cụ thể, trước mắt hoặc lâu dài cho đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như có bố hoặc mẹ mất, đặc biệt là trẻ em mất cha, mất mẹ (mồ côi) cả bố mẹ.

Thưa ông, về mặt chính sách, trợ giúp cho các em, dư luận đang đặt câu hỏi về hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền đối với các em hoặc thân nhân như thế nào, liệu có đủ cho các em có cuộc sống tốt, bớt khó khăn?

- Theo quy định tại Nghị định 20/2021/NĐ-CP, mỗi trẻ mồ côi cả cha và mẹ dưới 4 tuổi sẽ được nhận trợ cấp hơn 900.000 đồng/tháng; những em hơn 4 tuổi trở lên được trợ cấp 540.000 đồng/tháng.

Vừa qua, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã ký Quyết định hỗ trợ 2 triệu đồng/người cho các trẻ em mồ côi cả cha, cả mẹ hoặc mồ côi bố hoặc mẹ nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn. Số tiền này được lấy từ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam.

TP HCM và các địa phương khác đang lập danh sách các em mồ côi do COVID19 cần được hỗ trợ. Bên cạnh đó, tất cả sự trợ giúp của xã hội đều rất đáng được hoan nghênh nhưng cần có vai trò điều phối, sắp xếp của chính quyền cơ sở để mọi hỗ trợ không trùng lặp, không rơi vào tình trạng nước chảy chỗ trũng, em nhiều em ít.

Đặc biệt là nhanh chóng phải giúp các em tiếp xúc được với các chuyên gia, người am hiểu về tâm lý để hỗ trợ các em sớm ổn định tâm lý, giảm tối đa các sang chấn trước cú sốc lớn đầu đời.

Qua các đường dây nóng và thông tin cơ sở, Bộ LĐ-TB&XH đã nhận được những kiến nghị gì từ người thân, từ bản thân các trẻ em mồ côi bố mẹ để có hướng giải quyết nguyện vọng cho các em?

- Hiện nay, các khuyến nghị, trợ giúp mới chỉ là về nơi ăn, chốn ở nhưng không phải ai cũng biết rằng các em đã có sự tổn thương tâm lý, vì vậy các em rất cần được chăm sóc cả về vật chất và tinh thần nữa.

Khi hỗ trợ các em cần lắng nghe nhu cầu, nguyện vọng của các em và người thân, người có trách nhiệm chăm sóc các em. Tốt nhất là các em được tiếp tục lớn lên ngay ở nơi các em đang sinh sống. Việc phải rời quê hương bản quán vào một môi trường khác các em dễ bị ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý, tình cảm trong hiện tại và tương lai.

Trong các công ước, điều ước quốc tế, quy định sau khi đứa trẻ lớn bắt buộc phải cho trẻ biết quê hương, phải cho đứa trẻ biết về cội nguồn, nhu cầu tìm về cố hương là rất lớn.

Chúng tôi rất cảm ơn doanh nhân Trương Gia Bình về sáng kiến trên và cũng mong ông cùng các chuyên gia tư vấn, những người hoạt động bảo vệ trẻ em có sự tìm hiểu cuộc sống, nhu cầu trợ giúp của từng em để có thể bù đắp phần nào những khó khăn và để các em được nhận những sự hỗ trợ tốt nhất.

Trân trọng cảm ơn ông.

Đọc thêm