Đề xuất thêm ngày nghỉ 'Ngày Du lịch Việt Nam'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - “Chúng tôi không tổ chức các chương trình, sự kiện kích cầu du lịch chỉ để phục vụ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, mà còn vì sự phục hồi chung của hoạt động du lịch tại các địa phương”, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC bày tỏ tại cuộc tọa đàm về giải pháp kích cầu du lịch giai đoạn 2021-2023, vừa diễn ra tại Sầm Sơn (Thanh Hóa).
Bộ trưởng VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện tại tọa đàm.
Bộ trưởng VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện tại tọa đàm.

 Theo ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng VHTT&DL, để phục hồi du lịch nội địa, chính quyền và DN cần làm mới sản phẩm cũ. Trong khi chờ đợi du lịch quốc tế hồi phục bằng với mức của năm 2019, ngành du lịch cần chuyển hướng tập trung vào thị trường gần và thị trường nội địa. Sau đó, sẽ chuẩn bị từng bước mở cửa, tiến tới phục hồi hoàn toàn du lịch quốc tế trong bối cảnh bình thường mới.

Tại hội thảo, ông Lê Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Động Lực, Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, Chủ tịch Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam, cho hay thời gian tới, Liên đoàn Bóng chuyền sẽ kết hợp FLC tổ chức nhiều giải đấu. “Các sự kiện này sẽ tạo điều kiện và cơ hội để kích cầu du lịch tại các vùng biển của Việt Nam”, ông Thành nói và mong muốn các đơn vị tăng cường tổ chức các sự kiện thể thao tầm cỡ để thu hút du khách.

Trong khi đó, bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch Thường trực FLC lưu ý về con số đến 8 tỷ USD mà người Việt chi trả cho du lịch nước ngoài, theo thống kê chưa đầy đủ. Đó là tiềm năng mà ngành du lịch trong nước cần chú ý, trong bối cảnh việc đi du lịch nước ngoài bị ngưng trệ. 

Để thúc đẩy du lịch trong năm 2021, bà Dung đưa ra nhiều kiến nghị, trong đó có đề xuất thêm một ngày nghỉ có tên Ngày Du lịch Việt Nam, bố trí sát các ngày nghỉ hiện tại để tăng thời gian lưu trú nhiều hơn.

Cũng theo bà Dung, nhân sự ngành du lịch hiện đã giảm 50% trong dịch Covid-19, vì vậy việc đào tạo, củng cố đội ngũ nhân sự, nâng cấp hạ tầng du lịch nên được xem là một ưu tiên trong thời gian tới. Năm nay, FLC dự kiến khai trương thêm ít nhất 3 khu du lịch quy mô lớn tại Việt Nam, đồng thời tạo ra các sản phẩm liên kết đa dạng với chi phí tối ưu phục vụ du khách. 

Bà Nguyễn Trần Kim Thanh, đại diện Traveloka, nhận xét, thị trường du lịch nội địa Việt Nam đang dẫn đầu về khả năng phục hồi so với các quốc gia khác mà ứng dụng đặt phòng trực tuyến này hoạt động. “Dữ liệu nội bộ của Traveloka ghi nhận giao dịch đặt phòng đã về lại mức 100% trước Covid-19”, bà Thanh nói. 

Bà Thanh cho rằng chính Covid-19 đã khiến Traveloka phải thay đổi về tư duy tiếp thị, vừa phải tập trung vào người dân địa phương, tìm hiểu sâu nhu cầu của họ để cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tốt nhất; đồng thời phải đặt ưu tiên về sức khoẻ và an toàn của du khách lên hàng đầu bên cạnh việc truyền cảm hứng về du lịch và khám phá. 

Trong khi đó, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, cho biết: ngày 23/3 vừa qua, Thủ tướng đã giao Bộ VHTT&DL tìm giải pháp khả thi đón khách quốc tế trong bối cảnh dịch.

Về phương án, lộ trình đón khách quốc tế, Bộ dự kiến triển khai giai đoạn thí điểm, trên nguyên tắc dựa vào hộ chiếu vaccine, kết hợp công tác xét nghiệm, tuân thủ nguyên tắc 5K để đảm bảo an toàn tối đa cho du khách cũng như người dân địa phương.

Chia sẻ về định hướng của DN với phương án của cơ quan quản lý, ông Nguyễn Mạnh Quân, Phó TGĐ Bamboo Airways cho biết: Bamboo Airways đang cùng các cơ quan trong nước và Hiệp hội Hàng không Quốc tế (IATA) nghiên cứu, xây dựng, thử nghiệm ứng dụng IATA Travel Pass (dự án hộ chiếu sức khỏe điện tử IATA) và sẵn sàng là hãng hàng không tiên phong triển khai áp dụng hộ chiếu vaccine tại Việt Nam.

Để chuẩn bị cho giai đoạn mở cửa trở lại, Bamboo Airways đã nỗ lực tạo môi trường an toàn, áp dụng tiêu chuẩn ngặt nghèo trong quá trình vận chuyển, bao gồm nhiều giải pháp như khuyến khích tự làm check-in, thiết lập các kios check in online, giảm thiểu tiếp xúc, tái bố trí suất ăn để đảm bảo an toàn cho tổ bay và tiếp viên...

Còn theo ông Nguyễn Công Hoan, Trưởng ban Truyền thông Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nhiều DN đã rất sẵn sàng đón khách quốc tế: “Tuy nhiên cần xây dựng sẵn bộ tiêu chuẩn khi đón khách quốc tế, đảm bảo an toàn và đừng quá chặt chẽ. Cũng cần xác định là nếu mở cửa thị trường quốc tế, sẽ gặp những rủi ro. Vậy vai trò trách nhiệm của DN là như thế nào, cần phải có cơ chế cụ thể để tránh bị động cho DN”. 

Đọc thêm