Đi du lịch nước ngoài, đón lễ hội làng… qua online

(PLVN) - Nhiều địa phương đã rất chủ động, khẩn trương và nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ “chống dịch như chống giặc”, không chủ quan, lơ là, nhiều địa phương đã tạm ngừng tổ chức lễ hội cũng như thông báo cách phòng chống dịch bệnh cho khách thập phương. 
Xem lại các chương trình lễ hội, du lịch qua màn ảnh nhỏ để vơi bớt nỗi nhớ quê hương, lễ hội truyền thống.

Đang là mùa lễ hội đầu xuân, việc ngừng tổ chức hay đóng cửa một số nơi thờ tự khiến cho người dân không khỏi tiếc nuối. Và để cầu mong sự bình an cho cả năm, thay vì tới đền, chùa, phủ… cúng lễ, họ đã lễ… tại gia hoặc “đi” du lịch nước ngoài, “tham gia” lễ hội làng… qua online.

Lễ tại gia, Phật tại tâm

Để ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, chiều 15/2/2021, UBND TP Hà Nội đã ra quyết định tạm thời dừng việc mở cửa các cơ sở di tích, đình chùa, tôn giáo từ 0h ngày 16/2/2021.

Trước đó, chiều 13/2/2021, tại phiên họp Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng đề nghị các quận, huyện nơi có các lễ hội kéo dài nghiêm túc chấp hành chỉ đạo của thành phố về việc tạm dừng tất cả các hoạt động lễ hội và đón khách cho đến Rằm tháng Giêng để phòng chống dịch bệnh Covid-19.

“Thà chậm một chút mà an toàn còn hơn phải cách ly một tháng, cách ly cả xã, cả huyện ảnh hưởng đến đời sống xã hội, đời sống dân sinh và phát triển kinh tế của toàn thành phố”, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố nhấn mạnh khi yêu cầu huyện Mỹ Đức dừng hoạt động lễ hội và đón khách tại Lễ hội chùa Hương. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định phòng dịch và dừng hoạt động đón khách ở khu vực chùa Hương.

Lễ hội gò Đống Đa là một trong những lễ hội lớn của Hà Nội, diễn ra vào mùng 5 Tết Nguyên đán hàng năm, kỷ niệm ngày Quang Trung đại phá đồn Ngọc Hồi, tiến vào giải phóng Thăng Long khỏi quân Thanh xâm lược. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, UBND quận Đống Đa đã quyết định dừng tổ chức Lễ hội Kỷ niệm 232 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa để tập trung vào công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Dễ nhận thấy, những ngày đầu xuân, các cơ sở di tích, đình chùa, tôn giáo tại Thủ đô đã tạm đóng cửa, không đón du khách. Tuy nhiên, không ít người dân ở tỉnh chưa nắm rõ thông tin này.

Bà Thu Loan ( 52 tuổi, Hà Nam) cho biết: “Gia đình chúng tôi thuê xe ô tô 7 chỗ đi lễ, du xuân những điểm di tích, thờ tự ở Hà Nội. Nhưng tới Phủ Tây Hồ thấy treo biển thông báo tạm đóng cửa phòng tránh lây lan dịch bệnh, chúng tôi đành lễ vọng bên ngoài. Dù hơi tiếc không được vào bên trong lễ bái và ngắm cảnh vật Tây Hồ nhưng chúng tôi cảm thấy yên lòng vì Ban Quản lý di tích đã hạn chế khách thập phương tới để phòng chống dịch bệnh lây lan”.

Tại chùa Trấn Quốc, đền Quán Thánh, lác đác khách thập phương tới lễ với khẩu trang trên khuôn mặt. Họ kính cẩn lễ bên ngoài cửa rồi lặng lẽ rời đi. 

Bà Hoa Liên (54 tuổi, Hà Nội) cho hay: “Những năm trước, cứ tháng giêng là tôi và những người bạn lại lên đường đi lễ ở một số tỉnh, thành. Nhưng, năm nay dịch bệnh, tôi và mọi người hoãn tất cả kế hoạch và sẽ lễ cầu an tại gia. “Phật tại tâm” mà!”. Bà Liên cùng các con cháu kính cẩn sửa lễ dâng và thắp hương Phật, cúi lạy một lòng thành tâm cầu an cho gia đình và cầu mong dịch bệnh không còn “tác quái” ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. 

 Lễ tại gia.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại các chùa lớn ở Hà Nội, các hàng quán hầu hết đóng cửa… Sân chùa vắng vẻ khác hẳn sự đông đúc, chen lấn như những năm trước. Ông Hoàng Thái, chủ nhà hàng trong khu vực chùa Hương buồn hiu hắt: “Nếu đúng vào thời điểm này những năm trước sẽ có rất đông phật tử đến chùa, có những lúc lượng đồ ăn bán ra không đủ để phục vụ du khách và người dân. Nhưng năm nay thì… Mong sao dịch bệnh sớm qua đi”.

Du lịch nước ngoài, đón lễ hội làng… qua youtube 

Mỗi khi Tết đến Xuân về, trong không khí rộn ràng của đất trời và lòng người, mừng quê hương ngày càng đổi mới, phát triển; các làng quê Bắc Bộ lại nô nức, tưng bừng mở hội đón xuân. 

Anh Nguyễn Xuân Nam (45 tuổi, Bắc Ninh) bồi hồi nhớ lại, hội xuân vùng quê Bắc Ninh – Kinh Bắc nổi tiếng trong dân gian với những hội lớn đã vượt ra khỏi quy mô làng, xã như: hội Lim, hội đền Đô, hội Phật Tích, hội chùa Dâu, hội Diềm và hội đền Bà Chúa Kho…

Hiếm có miền quê nào trên đất nước Việt Nam lại có số lượng lễ hội phong phú, đa dạng và trải dài các mùa trong năm như lễ hội của vùng quê Bắc Ninh – Kinh Bắc. Mỗi lễ hội đều có nét tiêu biểu, đặc trưng riêng và gắn liền với những sự kiện lịch sử, văn hóa của quê hương, đất nước.

Hội làng truyền thống của các làng xã thường gắn liền với hội đình, đền, chùa và xưa được gọi là vào đám. Trong các lễ hội đình, đền bao giờ cũng có hai phần: Phần lễ và phần hội. Phần “lễ” gồm nhiều tục như tế lễ, rước sách, thành hoàng làng, mà trong tâm thức dân gian đó là vị thần bản mệnh coi sóc, che chở cho cộng đồng làng xã mình.

Hầu như phần lễ trong lễ hội nào cũng là nghi thức quan trọng nhất, thể hiện đậm đặc, rõ nét nhất ý nghĩa tâm linh, tôn vinh, ngưỡng vọng đối với các danh nhân được tôn thờ. Ở nhiều lễ hội đã diễn lại các tích truyện, tái hiện sinh động công trạng của danh nhân.

Bên cạnh đó, những hoạt động văn hoá, trò chơi dân gian tiêu biểu như đánh đu, thi thổi cơm, dệt vải hay những trò chơi thể hiện tinh thần thượng võ như đấu vật, kéo co… cũng thể hiện sự gắn kết cộng đồng làng xã, tạo sự phong phú cho lễ hội dân gian vùng quê Bắc Bộ.

Các hội làng, sau phần lễ là đến phần hội, các làng tổ chức các tục trò chơi dân gian và các loại hình văn hóa nghệ thuật, thể thao như; Tuồng, chèo, hát Quan họ, thi đấu vật, bơi chải... để nhân dân vui chơi giải trí sau những mùa vụ lao động vất vả. Có làng còn có tục thi nấu cỗ nổi tiếng. Cỗ ở đây có cả cỗ mặn và cỗ chay được các bà, các chị nấu nướng rất ngon và bài trí rất đẹp, mang nhiều nghĩa. Hội thi nấu cỗ đã phản ánh những nét văn hóa ẩm thực tinh tế, độc đáo của người dân. 

Dịch bệnh đã khiến các làng quê, phố thị ở miền Bắc hạn chế tổ chức lễ hội. Nỗi nhớ trống hội, những màn rước kiệu, câu hát, điệu múa dân gian day dứt với nhiều con người con sinh ra từ làng quê, phố thị. Tuân thủ giãn cách xã hội cũng như nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe cộng đồng, nhiều người dân đã vơi nỗi nhớ lễ hội truyền thống đầu xuân, vơi bớt nỗi nhớ quê hương bằng cách cùng gia đình quây quần bên mâm cơm, bàn trà bật youtube xem lại các lễ hội của quê mình cũng như các lễ hội xuân trên khắp mảnh đất hình chữ S.

Anh Nguyễn Xuân Nam tâm sự: “Cái khó ló cái khôn”, năm nay cả gia đình tôi không đi du xuân, lễ hội trực tiếp. Thay vào đó, chúng tôi đi lễ hội, du xuân online. Từ mùng 1 Tết đến nay, gia đình chúng tôi “chu du” 10 tỉnh, thành và “tham gia” gần 20 lễ hội xuân của quê mình và các miền quê khác. Du lịch, lễ hội xuân online, các con tôi thêm hiểu, thêm yêu lịch sử, giá trị văn hóa, không khí lễ hội, Tết cổ truyền dân tộc Việt. Gia đình tôi càng thêm gắn kết, yêu thương nhau.

Không thể “bay” đi du lịch nước ngoài, một số gia đình đã chọn giải pháp ở nhà đi du lịch qua các chương trình qua màn ảnh nhỏ, nền tảng số hay mạng xã hội. Họ có thể chọn cho mình đi du lịch miễn phí ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới chỉ qua nhấp chuột, lướt đầu ngón tay.

Chị Vân Dung (35 tuổi, Hà Nội) hào hứng khoe: “Tết năm nay phòng chống dịch bệnh, tôi và gia đình chỉ chúc Tết qua điện thoại chứ không đi đâu. Thời gian còn lại, tôi và gia đình đã “đi” du lịch 5 nước: Nhật, Pháp, Mỹ, Anh, Ý, “tham quan” rất nhiều danh lam thắng cảnh và biết được nhiều văn hóa, thói quen của người dân 5 nước đó. Các con tôi rất hào hứng hứa học ngoại ngữ, học trên lớp thật giỏi sau này có cơ hội được khám phá trực tiếp ở những quốc gia trên thế giới”.

Đọc thêm