Di tích tâm linh mở cửa trở lại: Đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng

(PLVN) - Tình cảnh hàng nghìn người chen chúc đổ về chùa Tam Chúc (Hà Nam) đã kéo theo những lo ngại về công tác phòng chống dịch bị lơ là. Thời điểm các di tích, điểm đến tâm linh mở cửa trở lại, du khách cần thận trọng khi đi cúng bái, chấp hành nghiêm biện pháp "5K" và đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt công tác phòng chống dịch.
Đi lễ cần đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng.
Đi lễ cần đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng.

Nên chăng thay đổi thói quen đi lễ?

Thực tế, thời điểm trong và sau Tết Nguyên đán năm nay, nhiều gia đình đã dần thay đổi thói quen đi lễ chùa. Khi các điểm thờ tự, tâm linh mở cửa trở lại, nhiều người cũng linh hoạt trong việc hành hương đầu năm. 

Bà Nguyễn Thị Bình (Can Lộc, Hà Tĩnh) và gia đình thường có thói quen đi lễ chùa đầu năm. Năm nay, khi các điểm tâm linh mở cửa trở lại, bà cho biết, bản thân đã có những thay đổi trong thói quen đi lễ chùa. “Đi chùa, với tôi là để tìm sự bình an, thanh thản trong tâm hồn. Tôi nghĩ, mình bớt đến một địa điểm sẽ bớt đi một nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Vì thế, tôi chọn ngày nào rảnh nhất và thành tâm dâng lễ ở ngôi chùa gần nhà. Lúc đi lễ chùa, bà cháu cũng nhắc nhau phải đeo khẩu trang và giữ khoảng cách theo đúng quy định về phòng dịch”, bà Bình cho biết. 

Một số người, trong đó có cả một số nhà văn, học giả nổi tiếng phân tích rằng, việc kéo nhau đi lễ chùa cúng bái, cầu xin là nhuốm màu sắc mê tín dị đoan, chứ không hẳn là sinh hoạt tâm linh đúng nghĩa, nên cần bị phê phán, có biện pháp hạn chế. Hơn nữa, trong tình hình dịch Covid-19 vẫn luôn đe dọa, xã hội đang dần thích nghi với điều kiện bình thường mới, việc tổ chức các lễ hồi rình rang tốn kém, thu hút rất đông người đến chủ yếu để cúng bái, cầu xin thì càng tỏ rõ tính lạc hậu của nó.

Chùa là nơi thờ Phật, vừa là nơi linh thiêng vừa là nơi truyền bá tư tưởng từ bi hỉ xả của Đức Phật. Vậy nên du khách đến cửa chùa tâm phải lành, ý phải thiện, thể hiện lòng tôn kính. Sự tôn kính ở đây không nhất thiết phải dâng lễ to, cúng hoành tráng mà ở chính từ trong tâm. Bởi vậy, khoảng lặng do Covid-19 là cần thiết để chấn chỉnh lại văn hóa tín ngưỡng của người dân. 

Du khách nên hướng vào những giá trị thực tại thay vì chạy theo những "cuồng tín" tại chốn tâm linh. Theo PGS.TS. Lê Quý Đức, củng cố niềm tin thế tục sẽ góp phần làm giảm các “biến tướng” tiêu cực của hoạt động lễ hội. “Điều quan trọng nữa là chúng ta cần làm cho xã hội giảm thiểu tối đa tiêu cực và những căng thẳng xã hội như tai nạn giao thông, bệnh tật, ô nhiễm môi trường, tham nhũng... dẫn đến những hành động thái quá. Con người cần củng cố niềm tin thế tục và tin vào những giá trị của cuộc sống thực”, TS Lê Quý Đức chia sẻ.

Nhiều du khách đi lễ chùa Tam Chúc (Hà Nam)
 Nhiều du khách đi lễ chùa Tam Chúc (Hà Nam)

Dù đi cúng lễ hay cúng tại gia, quan trọng nhất vẫn là tâm của người hành lễ. Vì vậy, sự hạn chế tiếp xúc cộng đồng, tu tại gia cũng là cách để nhiều người tự rèn luyện bản thân và đảm bảo an toàn cho cộng đồng. 

"Đi được lễ hội đúng dịp cũng tốt. Nhưng với nhiều người khác, không nhất thiết phải đi đúng dịp đông người. Năm nay không đi được, tôi nghĩ cũng có cái để soi chiếu, thử xem năm không đi cầu xin có khác gì nhiều không, hay là vẫn như thế", bà Bình chia sẻ.

Thượng tọa Thích Không Nhiên (Thừa Thiên - Huế) cho rằng, mọi người nên hướng vào nếp sống tâm linh của từng gia đình, đó cũng là cách để cân bằng lại đời sống văn hóa tâm linh trong cộng đồng. Hoàn cảnh hiện nay là dịp để phía Phật giáo giảm bớt những tổ chức phần hội bên ngoài, tập trung nhiều hơn những thời khóa lễ tụng cầu nguyện để chuyển năng lượng lành đến cho xã hội. 

"Phật hoàng Trần Nhân Tông đã dạy: “Phật tại tâm”. Bản mệnh con người vẫn là số 1 và giữ gìn sức khỏe là quan trọng nhất", Thượng tọa Thích Không Nhiên (Thừa Thiên - Huế) cho biết. 

Sự hướng thiện của một người không chỉ thể hiện qua hình thức đi lễ chùa, cầu khấn mà phần chính thể hiện trong tâm của mỗi người. Vì vậy, nên chăng người Việt nên thay đổi thói quen đi lễ chùa trong mùa dịch, trước hết để đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng.

Thờ cúng online

Thờ cúng qua mạng không phải mới nhưng nó hoàn toàn phù hợp trong hoàn cảnh dịch bệnh bùng phát.

Ở Hàn Quốc, sư cô Thích Nữ Giới Tính, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Phật giáo Việt Nam thường xuyên tụng kinh cầu an đầu năm qua kênh YouTube để người dân và các phật tử có nghe và tụng trì tại gia đình mình. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã coi không gian mạng là nơi đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo, đồng thời lan tỏa rộng hơn nét đẹp văn hóa tâm linh. 

Thực tế, không ít người Việt cũng đã lựa chọn giải pháp tâm linh an toàn này. Cụ thể như nhiều lễ cầu an tại chùa Quán Sứ hay chùa Phúc Khánh (Hà Nội) đã được phát trực tuyến, thu hút hàng chục nghìn người theo dõi và cùng cầu phúc.

Vì vậy, thay vì đến các điểm thờ tự đông người, các gia đình có thể chuyển sang hình thức cúng dường online. Trước mắt, với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, hoạt động cầu an và cúng dường bằng hình thức online giúp giảm thiểu việc phật tử và người dân tập trung đông đúc tại chùa. Cầu an online, cúng dường qua ví điện tử vừa tuân thủ phòng dịch nhưng vẫn tạo điều kiện để đồng bào phật tử muốn phát tâm công đức thỏa mãn tâm nguyện của mình.

Về lâu dài, việc cúng dường bằng ví điện tử giúp phật tử tiết kiệm được thời gian và công sức khi quyên góp cho nhà chùa. Phật tử ở xa, điều kiện đi lại không thuận tiện có thể tiếp cận, đóng góp cho nhà chùa đúng theo ý nguyện của bản thân. Mặt khác, nhà chùa tiếp nhận cúng dường bằng ứng dụng thanh toán điện tử giúp việc quản lý tiền công đức được thuận lợi, minh bạch.

 

Theo Thượng tọa Thích Nhật Từ, giá trị cốt lõi của cúng dường ở chỗ phật tử phát tâm thiện, tự nguyện cho đi vật chất hay sức lao động với nguyện vọng giúp người, từ đó tích công đức cho bản thân và gia đình. Giá trị này sẽ không mất đi dù phật tử chọn cúng dường online hay theo hình thức cũ.

Về phía Giáo hội, trong bối cảnh mới, để đảm bảo an toàn cho cộng đồng, Giáo hội khuyến khích tăng ni, phật tử ứng dụng các hình thức trực tuyến online phục vụ nhu cầu tâm linh của nhân dân thông qua các nền tảng mạng xã hội của Giáo hội như: Giác Ngộ Online, Phật giáo.org, Phật sự Online, Mạng xã hội Phật giáo – Butta.

Tuy nhiên, lỗ hổng của ứng dụng thanh toán điện tử nói chung là chưa kiểm soát được các tài khoản giả danh. Sự việc có tài khoản fanpage giả mạo chùa Yên Tử là một ví dụ điển hình và cũng rất đau lòng cho giáo hội. Để tránh các trường hợp tương tự, đơn vị cung cấp ứng dụng cần phải chặn, tiến đến xóa bỏ các tài khoản giả. Làm được điều này cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa giáo hội, nhà chùa và đơn vị cung cấp ứng dụng. Người dân thực hiện cúng dường online cũng cần làm theo những chỉ dẫn cụ thể và xác minh thông tin chính xác trong quá trình thực hiện các thanh toán điện tử. 

Đối với những gia đình vẫn duy trì đi thói quen đi lễ chùa, việc nâng cao cảnh giác, không chủ quan là điều rất quan trọng. Các biện pháp như tuân thủ 5K, đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, khai báo y tế,… vẫn cần được thực hiện một cách nghiêm ngặt. PGS. Trần Đắc Phu khuyến cáo người dân khi đi lễ trong điều kiện bình thường mới cần nâng cao cảnh giác hơn. Càng chỗ đông người càng cần tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch.

Mặc dù không tổ chức các hoạt động lễ hội nhưng tại những nơi không bị phong tỏa, giãn cách xã hội do Covid-19, người dân vẫn được đi lễ chùa nhưng phải đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch. Đối với ban quản lý di tích, đền chùa, việc đầu tiên cần làm là dự báo chính xác lượng khách đến di tích, chủ động phân luồng giao thông trật tự, an toàn; chủ động hạn chế số lượng khách nếu cần thiết và không để di tích rơi vào tình trạng quá tải. 

Đọc thêm