Chợt anh Nghĩa, phó trưởng phòng mở cửa gọi tôi: - Chú Thăng, qua phòng anh Sơn, ta bàn chút việc. Tôi sang phòng anh Sơn. Tài liệu bày đầy trên bàn. Không khí có vẻ khác thường.
Việc “lạ”
Sau vài câu chuyện hỏi thăm, anh Sơn nói: - Có một việc quan trọng, lần đầu lãnh đạo cục giao cho phòng ta. Chúng tôi đã nghiên cứu kỹ, chú biết tiếng Anh nên công việc này giao cho chú.
Anh Sơn nói kỹ hơn: Một công ty hàng hải của Nhật Bản thông qua Bộ Ngoại giao đề nghị chính phủ Việt Nam cho phép trục vớt những con tàu của Nhật bị đắm tại vùng biển Viêt Nam trong chiến tranh thế giới thứ hai.
Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý và giao cho Bộ Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan như Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an họp bàn, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Bộ Công an có trách nhiệm đảm bảo toàn bộ công tác an ninh.
Trưởng phòng Sơn dặn thêm: Đây là công việc hoàn toàn mới, tính bảo mật cao, chú nghiên cứu kỹ các tài liệu và liên hệ với các đơn vị tìm hiểu sâu hơn. Mọi việc chỉ báo cáo trực tiếp với lãnh đạo cục và phòng.
Hơn 10 năm công tác trong lực lượng an ninh, mang quân hàm thiếu tá nhưng đây là lần đầu tiên trưởng phòng trang trọng giao cho tôi một nhiệm vụ khá bất ngờ và bí mật như thế. Anh Sơn vốn là học sinh miền Nam ra Bắc từ những năm sau hòa bình 1954. Anh sinh ra ở miền Nam nhưng lớn lên trên đất Bắc.
Trong con người anh, hai dòng máu Bắc - Nam hòa trộn, vừa có cái sôi nổi của người đàng trong, vừa có cái thâm trầm của người xứ ngoài. Anh sống tình cảm, rất được anh em cấp dưới yêu mến. Với chúng tôi, anh vừa là thủ trưởng vừa là người anh hết sức gần gũi. Vẻ ngoài to cao đẹp trai, vừa có vẻ hào hoa lãng tử, vừa có vẻ ngang tàng, chất “thủ lĩnh” của “anh hai”.
Lớp trẻ chúng tôi không giấu được sự ngưỡng mộ, coi anh như thần tượng. (Lâu nay, tôi không có tin tức gì về anh, có lẽ ngoài 80 rồi, không biết anh có khỏe không?). Ít khi anh nghiêm trang như khi giao nhiệm vụ cho tôi lần này. Nhìn nét mặt chắc là vừa ngỡ ngàng vừa lo lắng của tôi, anh an ủi: - Không có gì phải quá căng thẳng. Anh đưa cho tôi một xấp tài liệu: Chú nghiên cứu đi rồi ta bàn lại.
Hình minh họa |
Bức thư viết tay
Trong đời tôi, mới ra biển một lần. Xưa, tôi hình dung biển đẹp lắm. Ở đấy, có nàng tiên cá đùa với sóng. Bình minh, ông mặt trời thức dậy, nhô lên từ mặt biển, vuốt dòng nước chảy tràn trên mặt. Tôi biết biển, yêu biển qua những câu thơ trữ tình của nữ sĩ Xuân Quỳnh “thuyền và biển”.
Hồi đi bộ đội, đặt chân trên những cánh rừng già Trường Sơn, nghe gió hát, sóng mây thì thầm vỗ nhẹ dưới chân. Nay ra biển thật sự, sóng biển ầm ào… không biết biển sẽ đón tôi như thế nào. Biển dài rộng thế, còn tôi, một mình giữa trùng khơi với một nhiệm vụ mới mẻ, ngay trong hang ổ những người xa lạ.
Mấy ngày liền, tôi chúi mũi vào đọc, nghiên cứu tài liệu. Các địa phương cũng gửi tài liệu liên quan về Bộ. Tập hồ sơ ngày một dày hơn, trong đó, tôi chú ý đến một báo cáo của tỉnh Thuận Hải (Bình Thuận): ở một xã ven biển có một đôi vợ chồng già sinh sống trong một ngôi nhà lá sát bãi biển đã mấy chục năm nay. Họ già yếu và không có con.
Chính quyền địa phương đã xây cho họ một gian nhà nhỏ ở trong đê, vận động ông bà vào ở. Nhưng chỉ ít ngày sau họ lại quay ra bãi biển sống trong căn nhà lá cũ nát. Tôi tập hợp, xâu chuỗi các tài liệu trên, nghiên cứu kỹ nhưng vẫn chưa tìm ra lời giải.
Cùng thời điểm đó, cơ quan an ninh gửi cho tôi một tài liệu, thực chất là một bức thư viết tay của một người Nhật. Nội dung bức thư, theo trí nhớ của tôi là: “Tôi tham gia quân đội Nhật từ giữa năm 1944 trong lực lượng hải quân. Đơn vị của tôi thường xuyên hoạt động trên vùng biển các nước Đông Nam Á.
Tháng 8/1945 tôi được lệnh đi theo một con tàu chở hàng từ Philippines về Nhật. Hàng hóa trên con tàu này không giống như những con tàu khác, chúng được đóng trong các thùng sắt dày, hàn kín và đánh số thứ tự. Công việc bảo vệ được thực hiện rất nghiêm ngặt”.
Tôi chợt nhớ đến một tài liệu dưới chế độ ngụy quyền Sài Gòn viết: Có 5 trong số hơn 100 con tàu bị đắm chở báu vật. Trong đó có 3 chiếc vỏ sắt, 2 chiếc vỏ gỗ. Đặc biệt là 2 chiếc tuyệt mật chở các hộp kim loại: một chiếc chở 400 hộp, 1 chiếc chở 12 hộp.
“Đi vào vùng biển Việt Nam được ít ngày, một buổi chiều yên tĩnh, trời quang mây tạnh, tôi lên boong tàu ngồi chơi chờ bữa cơm chiều. Bỗng, một ánh chớp lóe lên và một tiếng nổ long trời. Tôi bị hất văng xuống biển. Ngoi lên, tôi cố bơi ra xa, con tàu đang bốc cháy ngùn ngụt, gãy đôi và chìm dần xuống biển.
Rất may tôi được một tàu cá của ngư dân Việt Nam vớt lên. Họ đưa tôi vào bờ. Sau đó, tôi được đưa về Nhật Bản”.
Tôi đọc đi đọc lại tài liệu này nhưng cũng không hiểu gì. Tài liệu này có liên quan gì đến cuộc đàm phán? Người viết bức thư này là ai, lai lịch ra sao? Đây là những câu hỏi không dễ trả lời ngay.
Tham khảo thêm thông tin để rộng đường suy xét tôi còn thấy có không ít tài liệu đề cập đến kho vàng cực lớn của quân đội Nhật chôn giấu ở Philippines từ cuối chiến tranh thế giới thứ 2. Kho vàng lên đến hàng nghìn tấn cất giấu dưới biển và trong hang núi. Nhiều năm sau, người ta còn loan truyền những câu chuyện như giai thoại về cuộc săn lùng thứ kim loại làm thế giới phát sốt phát rét này.
Hình minh họa |
Giới chức quân sự Mỹ, lẫn CIA và Philippines đến các trùm sò mafia và quan chức cao cấp có máu mặt đã cấu kết trở thành những liên minh săn vàng. Ăn trên đống vàng, ngủ trên đống vàng và những giấc mơ vàng. Không ít kẻ phất lên đổi đời chỉ sau một đêm nhờ săn tìm vàng.
Kẻ tìm vàng dưới biển, người săn vàng trên núi. Người ta kể, có những hang động vàng lẫn lộn với xương người. Khi tìm thấy cửa hang, người ta như bị hất ngược trở lại vì mùi xú uế hôi thối. Lại có những đường hầm, quân đội Mỹ phải mất tới ba tháng đào bới liên tục mới có kết quả.
Người ta còn nói, vừa vặn lúc ấy, tổng thống Marcoos lên nắm quyền trị vì Philippines. Cái bắt tay giữa ba thế lực lớn: Marcoos, Mỹ và Trung Quốc là cái bắt tay lịch sử, bắt tay “vàng”. Đổi đi hàng trăm tấn vàng để Marcoos được yên vị trên ghế tổng thống 21 năm liền.
Từ câu chuyện của Philippines, có gì để ta liên hệ với Việt Nam? Tôi cố gồng mình lên, từng thớ thịt căng ra để suy nghĩ, tìm hiểu quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng, lần này, nhiệm vụ vừa bất ngờ vừa dường như có phần hơi quá sức…