Đi tìm nguyên nhân Lilama 3 kinh doanh ngày càng bết bát

(PLVN) - Từ một doanh nghiệp được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước, đến những năm gần đây, Công ty Cổ phần Lilama 3 liên tục có kết quả kinh doanh thua lỗ. Thậm chí, trong số các “ông lớn” vừa bị Bảo hiểm Xã hội (BHXH) TP Hà Nội “bêu tên” về nợ đóng các loại BHXH, Lilama 3 đang dẫn đầu danh sách đen này.

Đi tìm nguyên nhân Lilama 3 kinh doanh ngày càng bết bát

Quá khứ huy hoàng

Công ty Cổ phần Lilama 3 là thành viên của Tổng Công ty lắp máy Việt Nam, tiền thân là Công trường lắp máy C1 Việt Trì được thành lập vào ngày 01/12/1960, đặt trụ sở ở 48B phường Thọ Sơn (TP Việt Trì, tỉnh Vĩnh Phú, nay là tỉnh Phú Thọ). Sau đúng 24 năm, ngày 1/12/1984, Công trường lắp máy C1 Việt Trì gia nhập Liên hiệp các Xí nghiệp Lắp máy và đổi tên thành Xí nghiệp Lắp máy số 3.

Năm 1995, Liên hiệp các Xí nghiệp Lắp máy đổi tên thành Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam. Xí nghiệp Lắp máy số 3 đổi tên thành Công ty Lắp máy và Xây dựng số 3. 5 năm sau, Bộ trưởng Bộ Xây dựng ra Quyết định số 199/QĐ-BXD về việc duyệt, xếp doanh nghiệp hạng 1 đối với Công ty Lắp máy và Xây dựng số 3 kể từ ngày 1/2/2000. Từ ngày 22/06/2006, Công ty Lắp máy và Xây dựng số 3 chuyển sang mô hình công ty cổ phần và chính thức lấy tên là Công ty Cổ phần Lilama 3. 

Năm 2005, Công ty tham gia cùng Tổng Công ty Lilama thực hiện các dự án với hình thức tổng thầu EPC thì đến năm 2007, Công ty đã tự mình thực hiện các hợp đồng với phương thức tổng thầu xây dựng nhiều nhà máy lớn. Cũng trong năm 2007, Công ty Cổ phần Lilama 3 còn đầu tư xây dựng Nhà máy Chế tạo Cơ khí và Đóng tàu với công suất 15.800 tấn/năm đặt tại Cụm công nghiệp Bạch Hạc, Việt Trì, Phú Thọ.

Sau khi chuyển trụ sở về Lô 24, 25 Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh, TP Hà Nội, tháng 11/2009, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội chứng nhận cho Công ty Cổ phần Lilama 3 được niêm yết cổ phiếu phổ thông tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.

Trụ sở của Công ty Cổ phần Lilama 3
 Trụ sở của Công ty Cổ phần Lilama 3 

Cuối năm 2009 và đầu năm 2010, Công ty Cổ phần Lilama 3 góp vốn thành lập Công ty Cổ phần Lilama 3.4 và Lilama 3.3. Đồng thời giữa năm 2010, Công ty Cổ phần Lilama 3 còn góp vốn cùng Công ty TNHH Dai Nippon Toryo (Nhật Bản) thành lập Công ty TNHH Lilama 3 – Dai Nippon Toryo với ngành nghề kinh doanh là xuất nhập khẩu, sản xuất và kinh doanh sơn.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước mà trực tiếp là Bộ Xây dựng, Tổng Công ty Lilama Việt Nam cộng với sự nỗ lực phấn đấu của lãnh đạo, cán bộ công nhân viên Công ty, qua quá trình xây dựng và phát triển Công ty Cổ phần LILAMA 3 đã đạt được những phần thưởng cao quý. Có thể kể đến như 01 Huân chương Độc lập hạng Ba, 01 Huân chương Lao động hạng Nhất, 02 Huân chương Lao động hạng Nhì, 03 Huân chương Lao động hạng Ba; 05 năm liền là đơn vị xuất sắc ngành Xây dựng; Giải thưởng Chất lượng Việt Nam năm 2008…

Vì sao “ngủ quên”?

Tuy nhiên, kết quả kinh doanh những năm gần đây của Công ty Cổ phần Lilama 3 liên tục đi xuống. Năm 2016, Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) cho biết đã thực hiện chuyển quyền sở hữu 2.563.600 cổ phiếu LM3 của Công ty Cổ phần Lilama 3 từ Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam sang Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam. Trước đó, Tổng Công ty từng 2 lần phải bán bớt vốn tại Lilama 3 do Công ty làm ăn bết bát. 

Báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh gần đây nhất, năm 2018 cho thấy Công ty có giá trị sản xuất kinh doanh hơn 73,2 tỷ đồng, chỉ đạt 66,06% kế hoạch đề ra; nộp ngân sách hơn 15 tỷ đồng, thu nhập bình quân của người lao động ở mức gần 7,2 triệu đồng/người/tháng… Nhìn chung, năm 2018, Công ty Cổ phần Lilama 3 lỗ trên 298 triệu đồng, lỗ lũy kế đến ngày 31/12/2019 lên tới xấp xỉ 359,7 tỷ đồng. Vì vậy, năm 2018, Công ty không có nguồn trích lập bổ sung các quỹ và chia cổ tức cho các cổ đông.

Công ty Cổ phần LILAMA 3 đứng đầu danh sách doanh nghiệp nợ đọng Bảo hiểm xã hội (Ảnh minh họa)
Công ty Cổ phần LILAMA 3 đứng đầu danh sách doanh nghiệp nợ đọng Bảo hiểm xã hội (Ảnh minh họa)

Báo cáo này cũng cho biết, Công ty tham gia góp vốn vào 4 công ty con với tổng mức đầu tư là 15,649 tỷ đồng. Việc đầu tư vào các công ty con không đạt hiệu quả. Do đó năm 2019, Công ty sẽ thực hiện thoái toàn bộ vốn góp tại các công ty thành viên (trừ phần vốn góp của Lilama 3 tại Công ty Cổ phần xây dựng số 8 Thăng Long). Trường hợp không thoái vốn thành công, sẽ thực hiện việc phá sản. 

Ngoài ra, nhiều vướng mắc, tồn tại kéo dài lâu nay chưa được xử lý triệt để và có một số tài sản khai thác không hiệu quả, trong đó có Nhà máy Chế tạo Cơ khí và Đóng tàu Bạch Hạc là những nguyên nhân khiến Công ty Cổ phần Lilama 3 ngày càng sa lầy. Chính kết quả kinh doanh thua lỗ của Công ty đã dẫn đến tình trạng nợ nhiều, nợ lâu việc đóng các loại BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Trong danh sách doanh nghiệp nợ đọng BHXH mà BHXH TP Hà Nội vừa công bố đã chỉ ra đa phần là các doanh nghiệp xây dựng, xây lắp, có nhiều đơn vị nợ trong tình trạng kéo dài nhiều năm, số tiền nợ lớn. Điển hình của danh sách này đều là những tên tuổi một thời như Công ty Cổ phần Cơ khí Xây dựng 121 Cienco 1, Công ty Cổ phần Công trình giao thông 116, Công ty Cổ phần Cơ khí Xây lắp số 7…, trong đó Công ty Cổ phần Lilama 3 đứng đầu bảng với số nợ 34 tỷ đồng, số tháng nợ 73 tháng.

Theo BHXH TP Hà Nội, thực trạng trên cho thấy ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật BHXH, bảo hiểm y tế của những chủ sử dụng lao động này chưa nghiêm túc, thậm chí coi thường pháp luật, bản thân nhiều người lao động làm việc trong các đơn vị cũng chưa nhận thức đúng, đầy đủ về quyền lợi, trách nhiệm tham gia BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. BHXH TP Hà Nội cho rằng, để khắc phục, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần có các biện pháp xử lý mạnh hơn nữa để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, đảm bảo kỷ cương của nền hành chính nhà nước./.

Đọc thêm