Đi tìm quốc phục cho đàn ông Việt

(PLVN) - Tiến sỹ Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, chiếc áo dài ngũ thân vẫn luôn được coi là trang phục không thể thiếu của mỗi người dân xứ Huế. Áo dài nam lại là trang phục mang nét trang trọng, nghiêm cẩn tạo nên tâm hồn, tính cách của người đàn ông. Áo dài ngũ thân có trở thành quốc phục cho đàn ông Việt hay không, vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ…
Áo dài ngũ thân do các thành viên Câu lạc bộ Đình làng Việt xuống phố.

Tại sao áo dài nam bị lãng quên?

Trải qua nhiều biến cố lịch sử, tà áo dài ngũ thân của nam giới có lúc lại dường như bị quên lãng. Nhà nghiên cứu văn hóa Đinh Hồng Cường chia sẻ: “Sau năm 1945, đất nước rất nghèo, để may áo ngũ thân như thế này rất tốn vải vóc. Sau đó chúng ta đối mặt những cuộc chiến chinh trường kỳ, đó là lý do áo dài nam bị mai một.

Phong trào Tây hóa, thay đổi khiến người ta có cái nhìn mới hơn cũng là lý do áo dài nam bị ảnh hưởng. Đất nước chiến tranh và tà áo dài không có cơ hội được tiếp tục nối liền. Một điểm rất tội nghiệp cho tà áo dài nam là hình ảnh áo dài này gắn liền với hình ảnh cụ lý trưởng, cường hào ác bá làm người ta có cái nhìn sai lệch về tà áo dài nam giới”…

Họa sĩ Nguyễn Đức Bình, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đình làng Việt lý giải thêm: “Tại sao là áo ngũ thân. Nó có một thân trong mà hiện giờ hầu hết các nhà thiết kế đã bỏ yếu tố đó đi. Thân thứ 5 giúp cho công năng sử dụng được kín hơn, cài cúc được kín hơn. Đặc biệt khi ngồi, đối với người đàn ông Việt khi xưa, đó là sự nho nhã, lịch sự. Tà áo dài rộng che được mình rất nhiều. Đó là đặc điểm cốt lõi mà bây giờ áo dài cách tân không có được”…

ThS. Nguyễn Thị Thanh Bình, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, có một thực tế là trong khi rất ít nơi cung cấp áo năm thân truyền thống thì lại có nhiều nơi bán trang phục biểu diễn và áo dài thời trang với giá rẻ do sản xuất hàng loạt. Điều này khiến cho việc nhận diện bộ áo dài nam truyền thống trở nên khó khăn. Chính do sự hiểu biết, cách suy nghĩ sai lệch về áo dài ngũ thân đã tạo ra thảm họa trong việc may mặc các trang phục ngày càng gia tăng.

Họa sỹ Nguyễn Đức Bình cũng thẳng thắn cho rằng, việc bảo tồn, ứng dụng áo dài ngũ thân hiện gặp không ít cản trở. Trước hết là nhận thức của cộng đồng chưa đầy đủ nên ngay cả người yêu văn hóa truyền thống cũng mặc áo dài nam chưa đúng, chưa đẹp. Hiện nay nhiều loại trang phục được cho là áo dài cách tân thì khá xa rời bản sắc văn hóa Việt.

Bên cạnh đó, giá thành bán ra áo dài ngũ thân truyền thống còn cao, khó tiếp cận người mặc ở tầng lớp bình dân, đối tượng học sinh, sinh viên. Thêm vào đó, nguyên liệu may áo dài truyền thống chưa phù hợp về giá cả, khí hậu. Đặc biệt, đội ngũ những người cắt may áo dài còn ít, việc sử dụng kỹ thuật thủ công còn ở mức cao trong chuỗi sản xuất, việc áp dụng công nghệ mới vào may, mặc áo dài ngũ thân còn hạn chế…

ThS. Đinh Hồng Cường, Phó Chủ nhiệm Trung tâm Hỗ trợ phát triển áo dài ngũ thân truyền thống cũng cho rằng, nhiều bộ trang phục mà các diễn viên, nghệ sĩ Việt Nam đang mặc trên sân khấu bị cách tân một cách thái quá có nhiều nét giống với áo dài Ấn Độ…

Thực tế, việc thiết kế một chiếc áo dài tụ hội đầy đủ các yếu tố không phải là điều đơn giản. Hiện không có nhiều nghệ nhân có thể may được áo dài ngũ thân theo đúng nguyên bản. Ở Hà Nội có nghệ nhân Đỗ Minh Tám làng may Trạch Xá, Ứng Hòa, nghệ nhân Trần Nguyễn Trung Hiếu và nghệ nhân Trần Lê Trung Hiếu tại TP Hồ Chí Minh… đều là những người trẻ 9x đam mê cổ phục, áo ngũ thân... Dẫu có những phong cách khác nhau, nhưng nhất định phải đủ 5 thân, còn độ tinh xảo, kỹ thuật của từng người cũng khác nhau.

Nghệ nhân Đỗ Minh Thường (tên thường gọi là Đỗ Minh Tám), người đã có thâm niên hơn 30 năm trong nghề may áo dài truyền thống. Ông cũng là người phục dựng lại áo dài cổ cùng với Câu lạc bộ  áo dài nam Đình làng Việt cho hay: “Các cụ ngày xưa hoàn toàn không dùng máy may, tất cả các công đoạn để hoàn thành một chiếc áo dài đều được làm hoàn toàn thủ công bằng tay. Thời đó phải mất đến 4, 5 ngày mới có thể may xong một chiếc áo dài.

Bây giờ, nhờ có công nghệ hiện đại hơn nên năng suất làm việc cũng được hỗ trợ. Tuy nhiên, để giữ nghề truyền thống, nét riêng làm nên thương hiệu áo dài Trạch Xá thì máy may cũng chỉ hỗ trợ 20% công đoạn, còn lại 80% vẫn được làm thủ công…

Ưu điểm của kỹ thuật này là đường kim, mũi chỉ đều và tà áo rất mềm mại, đúng phong cách áo dài truyền thống mà các người xưa truyền lại. Các cụ có câu thơ: “Trong dán hồ, ngoài phô trứng rận”. Nghĩa là bên trong không thấy mũi kim nào, còn bên ngoài phô từng mũi ra rất đều, tựa như trứng của các con rận”, nghệ nhân chia sẻ.

 Áo dài ngũ thân xuống phố tại Huế và trong một cuộc chạy Marathone.

Ở Huế vẫn còn một số nghệ nhân, thợ may biết cách may áo dài ngũ thân, nhưng số đó không nhiều khi mà áo dài ngũ thân không được mặc phổ biến trong một thời gian dài. Theo đề xuất của họa sĩ Nguyễn Đức Bình, Thừa Thiên - Huế cần có biện pháp phục hồi nghề may áo dài ngũ thân, hình thành đội ngũ nghệ nhân lành nghề để tên tuổi, sản phẩm của họ gắn với thương hiệu Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam. Trong đó, cần có chế độ đãi ngộ thích đáng để thu hút nghệ nhân giỏi tham gia công tác truyền dạy.

Quốc phục áo ngũ thân, tại sao không?

Tại Huế, Tiến sỹ Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, chiếc áo dài vẫn luôn được coi là trang phục không thể thiếu của mỗi người dân xứ Huế. Nếu đối với nữ, áo dài là trang phục tôn vinh vẻ đẹp kín đáo, dịu dàng làm toát lên nét duyên dáng, thanh lịch của người con gái Huế thì áo dài nam lại là trang phục mang nét trang trọng, nghiêm cẩn tạo nên tâm hồn, tính cách của người đàn ông.

Bên cạnh đó, áo dài còn thể hiện những giá trị đặc sắc về đạo đức, thẩm mỹ, là di sản sống động, sản phẩm du lịch độc đáo của đất Cố đô Huế cần được bảo vệ, phát huy giá trị trong đời sống đương đại…

Ra đời trên 6 năm trước, Câu lạc bộ Đình làng Việt đã phát triển mạnh mẽ với số thành viên hiện lên tới 19.000 người đăng ký tham gia nhiều lĩnh vực, nhiều nhất là 25-34 tuổi và không chỉ ở Việt Nam, nhiều thành viên hiện sống ở Mỹ, Hàn Quốc, Đức… Về hướng phát triển tiếp theo của Đình làng Việt, Nguyễn Đức Bình nói: “Không phải lớp trẻ quay lưng với truyền thống, thậm chí thế hệ 9X, 0X (sinh năm 2000) còn khát khao truyền thống, nhưng họ cần một sự định hướng”. 

Họa sỹ Nguyễn Đức Bình chia sẻ: “Đàn ông Việt Nam hiện nay thích mặc áo dài ngũ thân truyền thống tăng theo độ tuổi. Những người 8x, 9x, 0X là thế hệ đam mê trở về truyền thống, đam mê mặc áo dài ngũ thân nam. Có thể thế hệ này bị đứt đoạn với những sự kiện lịch sử cận hiện đại, họ không biết đến những nhân vật lý trưởng, cường hào, ác bá… vốn đóng đinh với áo dài. 

Họ lại tiếp cận nhiều với thế giới, do vậy họ vô cùng khao khát sự khẳng định bản sắc với thế giới xung quanh, chính vì lẽ đó khi mặc áo dài ngũ thân họ rất thích và đam mê... Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm từng nói: “Đi đến tận cùng truyền thống sẽ gặp hiện đại, đi đến tận cùng dân tộc sẽ gặp nhân loại”. Với áo dài của Việt Nam, chúng tôi nhận thấy rằng câu nói đó vô cùng phù hợp”…

Đến nay, đã có nhiều cuộc thi thiết kế mẫu nhưng vẫn chưa chọn được thiết kế nào đáp ứng yêu cầu về thẩm mỹ, bản sắc văn hóa truyền thống Việt Nam trong lễ phục của nam giới. Hoạ sĩ Nguyễn Đức Bình cho rằng áo dài ngũ thân truyền thống hội tụ các yếu tố thể hiện sự trang trọng, lịch lãm, cương nghị nhưng nhu hòa, nghiêm cẩn tạo trong tâm hồn, cốt cách của người đàn ông đất Việt xưa nay. Nhưng các mẫu thiết kế mới chỉ đạt được các tiêu chí là tiện lợi, mới lạ, độc đáo nhưng bản sắc văn hóa của đàn ông Việt trong áo dài thì lại hoàn toàn biến mất.

Đồng quan điểm, ThS. Đinh Hồng Cường nhận định, bộ lễ phục là thể diện và là niềm tự hào về văn hóa mặc của mỗi dân tộc, chứ không phải là sáng tác thiết kế thời trang theo xu hướng mốt, thời trang lòe loẹt. Thiết kế mẫu trang phục cho đàn ông Việt phải kế thừa được những nét tinh hoa của áo dài ngũ thân nam truyền thống, thể hiện những giá trị tốt đẹp về đạo đức, thẩm mỹ.

Bên cạnh đó, các giá trị gắn với áo dài nam truyền thống vẫn chưa có được vị thế của một di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Để áo dài nam truyền thống trở thành phương tiện quảng bá hình ảnh Việt Nam đậm bản sắc dân tộc đến bạn bè thế giới thì cần có sự hiệp lực của các ngành, các đơn vị, các tổ chức xã hội mà trước tiên là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - đơn vị chủ quản, trực tiếp phụ trách mảng trang phục này, các chuyên gia may mặc trong nước và thế giới, các nhà làm chuyên môn, các nhà làm văn hóa, lịch sử. 

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Hoàng Quốc Hải, áo dài không đơn giản là trang phục mà là văn hóa, nếu không bảo tồn tốt thì sẽ mai một, thất thoát các giá trị truyền thống. Đành rằng, áo dài truyền thống đang phát triển rộng rãi trong đời sống hiện nay, trong đó có việc khôi phục áo dài nam. Nhưng để di sản áo dài trở thành quốc phục, còn cần sự quan tâm, vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước… 

Đọc thêm