“Giữ chút gì rất Huế”…
Ngay khi hình ảnh viên chức nam ngành Văn hóa Sở này diện lễ phục áo dài ngũ thân cùng áo dài của chị em trong buổi chào cờ thứ hai đầu tháng vừa qua, đã vấp phải những ý kiến trái chiều. Nhiều ý kiến bày tỏ quan điểm đồng tình, ủng hộ việc các nam cán bộ mặc áo dài truyền thống bởi nét trang nhã, lịch thiệp nhưng cũng có nhiều ý kiến phản đối.
Có người cho rằng, đàn ông mặc áo dài đã lỗi thời, mặc đi làm sẽ không hợp và bất tiện. Có ý kiến lại cho rằng, may bộ áo dài ngũ thân sẽ rất tốn kém, gây lãng phí… Thậm chí, có ý kiến khá gắt: “Nói thật là cái áo dài nữ đẹp, vừa truyền thống vừa hiện đại bao nhiêu thì cái áo dài nam nó cũ kỹ, và hết thời trong đời sống công nghiệp bấy nhiêu.
Cái gì đã hết vai trò lịch sử thì hãy cho nó ra đi, đừng phục dựng, trì níu; chỉ nên đặt trong bảo tàng, và giữ nó bằng hình tượng trong văn hóa, văn học - nghệ thuật thôi. Thôi thì, gia đình hay cá nhân ăn mặc là quyền mỗi người, nhưng quy định cho cơ quan, đơn vị thì cũng nên xem lại”...
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, những ý kiến, quan điểm trái chiều của dư luận những ngày qua được lãnh đạo đơn vị tiếp thu và có những điều chỉnh để phù hợp hơn trong thời gian tới. Theo ông Hải, sau khi tham khảo ý kiến của các cán bộ, nhân viên, Sở quyết định chọn thứ hai đầu tiên mỗi tháng và các ngày lễ truyền thống của ngành, các lễ hội…, khối cơ quan văn phòng Sở sẽ mặc áo dài truyền thống.
Nam cán bộ, công chức Huế trong trang phục áo dài nam ngũ thân bên cạnh tà áo dài tím đặc trưng của các cô gái Huế. |
Ông Hải chia sẻ, việc mặc áo dài truyền thống của nữ giới đã có từ lâu, còn đối với nam giới thì chuyện chọn áo dài ngũ thân, khăn đóng làm trang phục truyền thống là phù hợp. Áo dài ngũ thân là trang phục ra đời tại Huế từ năm 1744 và vào thời Nguyễn đã lấy làm quốc phục, nghĩa là nó đã hoàn chỉnh và có hàng trăm năm lịch sử. Đó là di sản của người Việt Nam.
Áo có năm thân tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu và một thân con (nhỏ nhất, nằm trong) tượng trưng cho người mặc. Áo luôn có 5 cúc cài thể hiện Nhân- Nghĩa - Lễ -Trí -Tín, có ý nghĩa người mặc áo dài phải tự răn mình cần giữ tư cách đàng hoàng, sống đúng đạo lý của người quân tử. Hơn nữa, Sở là đơn vị được UBND tỉnh TT-Huế giao nhiệm vụ nghiên cứu, thực hiện đề án “Huế - Kinh đô áo dài”.
Việc mặc áo dài truyền thống nhằm góp phần gìn giữ nét văn hóa riêng của dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó sẽ tạo thêm sản phẩm du lịch, tạo công việc cho những người làm nghề may mặc.
Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhận định: “Trải qua quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế, chiếc Áo dài xứ Huế đã đi qua chặng đường dài phát triển với nhiều thăng trầm lịch sử. Một thời kì dài đi khắp nẻo đường từ thành thị đến nông thôn, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh chiếc áo dài của các mệ, các cô, các chị và các em học sinh… Nó làm tôn lên tính cách đức độ, kín đáo, thùy mị, toát lên được thần thái của người phụ nữ Huế trong cách đi đứng, ứng xử. Hay hình ảnh của các cụ ông, các bác, các chú trong dịp lễ hội văn hóa truyền thống, việc làng, việc họ cùng chiếc áo dài khăn đóng thể hiện phong thái của người chính nhân quân tử…
Từ thập niên 1990 trở lại đây, áo dài dần dần được hồi sinh với diện mạo mới. Ở mảnh đất sinh ra chiếc áo dài này, những lễ hội Áo dài gắn liền với Festival Huế và Festival Nghề truyền thống Huế bắt đầu từ năm 2000 đến nay. Nhờ những dịp này đã giúp hình ảnh chiếc áo dài lan tỏa khắp nơi, trở thành nét văn hóa đặc sắc, riêng có của miền sông Hương, núi Ngự…
Tái hiện một số mẫu áo dài nam. |
“Huế - Kinh đô áo dài” là một đề án văn hóa của địa phương. Trong đó, vận động phụ nữ đi làm mặc áo dài, nữ sinh mặc áo dài đi học. Ngày xưa ở Huế, những người gánh bún, gánh chè đi bán rong thường mặc áo dài. Đó là nét văn hóa riêng biệt đã bị phai mờ, nay khôi phục lại để “giữ chút gì rất Huế”.
Đó là nữ sinh áo dài tím, áo dài trắng đến trường, cô giáo mặc áo dài lên lớp. Đó là những phụ nữ mặc áo dài đi lễ chùa, đi nhà thờ. Vì thế, Huế dự định sẽ có Bảo tàng Áo dài. Và đã là bảo tàng sao có thể thiếu được chiếc áo dài ngũ thân đặc sắc của xứ Huế mộng mơ…
Áo dài nam ở Huế - tại sao không?
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, ở góc độ cá nhân, tôi rất tán thành và ủng hộ sự khởi xướng này của những người làm công tác trên lĩnh vực văn hóa ở Huế. Chúng ta hãy nhìn sang nhiều quốc gia khác, họ cũng luôn vận trên mình trang phục truyền thống trong những lễ nghi mang tính quốc gia. Đó là cách trân trọng, giữ gìn văn hóa truyền thống trong trang phục hay còn gọi lễ phục của họ, tại sao chúng ta lại không thể.
Lãnh đạo Sở Văn hóa Thông tin Huế cũng nên tham khảo giới thời trang để họ góp ý thêm sao cho trang phục truyền thống này thật sự phù hợp hơn, và tăng thêm sự tiện ích, ví như mặc như vậy thì để điện thoại ở đâu chẳng hạn. Vừa làm, vừa tiếp thu, điều chỉnh chứ không nên nản mà từ bỏ nó.
Ở góc độ Nhà thiết kế áo dài cho cộng đồng 10 năm trước đây, như một cuộc chinh phục và khôi phục áo dài trở lại, anh Chương Đặng bày tỏ: Tôi thấy âu phục cũng ổn, áo dài cũng rất ổn. Kết hợp cả hai lại càng ổn chứ không có vấn đề gì. Nhưng trước tiên, tôi xin cật lực phản đối những ý kiến trái chiều mang cơ thể nhau ra nhậu. Diễu cợt nỗ lực của người khác, và kiểu ăn vạ con nít, người ta đang vui mà cứ bắt dẹp tuồng!
Một bộ sưu tập áo dài sắp ra mắt. |
Theo anh Chương Đặng, hình ảnh nam giới với áo dài, khăn đống, quần trắng, mang guốc … Và tất cả những biến tấu trên những chi tiết này, thay đổi qua những mốc thời gian khác nhau có thể gọi là trang phục truyền thống. Những thử nghiệm cách tân như bỏ guốc thay bằng giầy, bỏ quần trắng thay bằng quần tây hay quần jeans, bỏ khăn đống, đeo kính, và sau cùng là tấn vào chiếc áo: từ lụa qua vải đến cả phi bóng, từ the đến vải đũi thêu tay vẽ tay hay in họa tiết … đủ thứ. Tất nhiên, so với áo dài nữ, áo dài nam còn nhiều chuyện phải bàn.
Hơn 10 năm làm thời trang, ai cũng hỏi tôi làm show gì, ai là người nổi tiếng mặc đồ của tôi, showroom cửa hàng ở đâu? …Tôi gần như không có những điều ấy, vì tôi là “người hoạt động thời trang cộng đồng”. Tất cả những mẫu áo dài tôi làm đều không đủ lấp lánh trên một sân khấu với những hiệu ứng đèn chiếu, cự ly từ xa. Những người nổi tiếng mặc đồ của tôi đều do họ tìm mua, và cho những sự kiện… ít ra công chúng! Và sau cũng, showroom cửa hàng làm ra bao nhiêu mỗi năm đều quay vào những đợt biếu tặng áo dài ra cộng đồng.
Áo dài với tôi ban đầu là đam mê, sau đã trở thành hơi thở cộng đồng trong tôi. Nói như vậy để nói về con đường áo dài nam rồi sẽ đi về đúng quĩ đạo của nó… Nhanh gọn lại thì thấy, giả dụ dùng một cái mặc áo dài nam bước vào một quán cà phê ở Paris, đi shopping ở Beverly Hills và tham dự những tiệc tiếp tân “exclusive”, xem ca nhạc ở Sài gòn hay tham dự bất kì một sự kiện nào lớn bé, thậm chí ngồi uống li bia vỉa hè vẫn chấp nhận được. Rất ổn!
Chỉ cần người mặc tuyệt đối tuân thủ qui tắc vàng, đó là sự hài hòa. Mọi văn hóa, mọi quốc gia, mọi dân tộc người ta đều tôn trọng một người nam có phong thái đĩnh đạc: nói chuyện rõ ràng, giọng mạnh không chát quá lớn quá; di chuyển gãy gọn dứt khoát, phóng khoáng lịch duyệt, biết người biết ta.
Về trang phục áo dài, để nó hài hòa thì nó phải dễ hiểu: Chọn loại vải, màu vải trên những gam trầm cơ bản: trắng, đen, xám, xanh … và 50 sắc thái của chúng dựa trên thái độ nhưng không trộn chúng lại, áo dài nam mà có trên 3 màu thì bắt đầu … loạn.
Những họa tiết càng nhỏ càng tốt, nhỏ mà có võ, nhỏ mà chắc, mà cứng … cáp! Kết hợp với một chiếc quần tây màu tối, thậm chí quần jeans, nhưng quan trọng là màu tối, phom ống quần vừa thẳng, độ dài vừa phải. Kết hợp với đôi giầy tây “ăn nói”; đôi giày tây “ăn nói” của đàn ông giống như giày cao gót đàn bà mang trong tiệc cưới của mình: phải thật êm chân, màu cơ bản là trắng, đen, nâu hoặc xanh navi; không bóng quá và không dính bụi; không có hình dạng kì lạ khiến người ta không đoán được size giầy của mình, Nhà thiết kế Chương Đặng chia sẻ …